Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đổi mới công tác hướng nghiệp cho thanh niên

Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) Thanh niên Hà Nội vừa tổ chức hội thảo về công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh PTTH năm 2015, nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về Chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp năm 2016.

Tích cực tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên

Một kết quả nghiên cứu đối với các học sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, học sinh có xu hướng chọn ngành kinh tế là chủ yếu (36%) và đa số có mong muốn được học đại học sau khi tốt nghiệp THPT (86,6%). Mặc dù học sinh chọn các ngành học khác nhau, nhưng hiểu biết của các em về đặc điểm các ngành nghề phần lớn ở mức trung bình, hiểu biết về đặc điểm tâm lý của bản thân phù hợp với nghề tập trung ở mức thấp và trung bình. Nhiều học sinh tốt nghiệp PTTH vẫn chưa xác định được đúng nghề nghiệp cho tương lai, nhiều em phải chọn “đại” một nghề để học và theo đuổi, cho dù chúng không phù hợp với khả năng, sở trường, nguyện vọng của mình. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng, khoảng 80% thanh niên sau khi được đào tạo không tìm được việc làm trong 3 tháng đầu sau khi ra trường; 50% thất nghiệp trong thời gian 6 tháng (số liệu của Báo Người lao động).

Đã trở thành nề nếp, trong nhiều năm gần đây, TTDVVL Thanh niên Hà Nội liên tục phối hợp với các quận, huyện, thị đoàn trong toàn thành phố tổ chức chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên với tên gọi: Chương trình “Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội”. Từng chương trình đều diễn ra nghiêm túc, thực chất, kỷ luật và tương tác, được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, từ khâu lập kế hoạch, công tác chuẩn bị đến việc điều hành chi tiết công tác tư vấn.  Hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp của Trung tâm năm 2015 diễn ra từ ngày 8/3 đến 6/4, với 30 điểm tư vấn thu hút khoảng 30.000 lượt thanh niên, học sinh tham gia. Con số này còn khiêm tốn so với nhu cầu rất lớn của thanh niên, học sinh Thủ đô, song đã cho thấy sự tận tụy, trách nhiệm và quyết tâm đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp của tổ chức Đoàn Thanh niên Hà Nội nói chung và TTDVVL Thanh niên Hà Nội nói riêng.

Học viên, sinh viên, người lao động đăng ký với nhà tuyển dụng tại TTDVVLTN Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm TVGTVL Thanh niên, kể từ khi Trung tâm tham mưu với Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội ra Nghị quyết về "Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp tư vấn nghề nghiệp cho lao động trẻ Thủ đô trong tình hình mới", công tác này có khởi sắc rõ rệt. Mỗi năm, Trung tâm phối hợp tư vấn hướng nghiệp cho khoảng 2 vạn học sinh THPT. Trung tâm còn phối hợp với các đơn vị tổ chức các phiên giao dịch định kỳ và thường xuyên góp phần hạn chế các hoạt động giới thiệu việc làm trái pháp luật, lừa đảo người lao động khi đi tìm việc làm... Liên tục từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã phối hợp với Hội Người khuyết tật, Hội Thanh niên khuyết tật thành phố tổ chức dạy tin học, kỹ năng sống miễn phí cho người khuyết tật.

Cần thay đổi phương pháp hoạt động

Các chuyên gia nhận định, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ thất nghiệp cao trong cả nước. Nhu cầu về việc làm lớn, nhưng chỗ làm việc trong các thành phần kinh tế có xu hướng tăng chậm, tỷ lệ lao động trẻ chưa qua đào tạo còn cao, việc định hướng nghề nghiệp chưa rõ nên trong quá trình tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, cung ứng lao động của Trung tâm gặp không ít khó khăn.  Hoạt động dịch vụ việc làm là một loại hình mới nên cơ chế quản lý chưa đồng bộ. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp còn nhiều hạn chế cả về số và chất lượng, chủ yếu mượn địa điểm để tổ chức... Trong đó, việc định hướng nghề cho học sinh lớp 12 còn nhiều bất cập.

Theo TS Phạm Mạnh Hà, Phó Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: Thông thường các chương trình tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh do các tổ chức, cá nhân, các trung tâm đào tạo sẽ tập trung “tấn công” các trường THPT vào khoảng tháng 3 – 5 hàng năm. Đây là giai đoạn các bạn học sinh lớp 12 phải ra quyết định lựa chọn ngành nghề, vì thế ở một số trường phổ thông, học sinh bị quá tải thông tin và dẫn tới gặp khó khăn bội phần khi phải lựa chọn nghề nghiệp. Bên cạnh đó áp lực thi học kỳ, thi tốt nghiệp cũng khiến các em bị phân tâm, sao nhãng dẫn tới chất lượng tư vấn hướng nghiệp không cao. Vì vậy các chương trình tư vấn hướng nghiệp nên tổ chức vào khoảng tháng 11 – 12  và chương trình tư vấn tuyển sinh tổ chức vào tháng 3 – 4 hàng năm là hợp lý.

Để khắc phục những bất cập đang tồn tại, cần sớm có định hướng lâu dài và cơ chế, chính sách cho hoạt động này, đáp ứng được nhu cầu xã hội. Bà Nguyễn Lâm Thúy, cán bộ Văn phòng Tham vấn gia đìnhtrẻ em VALA chuyên về hướng nghiệp cho rằng, giúp thanh niên, học sinh, sinh viên chọn đúng nghề là việc không đơn giản. Nghề nghiệp không chỉ là con đường sống mà còn là cống hiến cho xã hội. Do đó, cần đẩy mạnh công tác này bằng cách tăng số lượng và chất lượng người được tư vấn. Nên tổ chức hoạt động du lịch nghề nghiệp, giúp các em được trải nghiệm, trau dồi kỹ năng mềm cho bản thân. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn cần phát huy vai trò trong định hướng, tư vấn nghề nghiệp, giúp đoàn viên, thanh niên, học sinh có sự lựa chọn đúng.