PGS, TS Cao Văn Sâm tại lễ bế mạc kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ XI tại Malaysia
Chấp nhận “luật chơi” chung về chất lượng nguồn nhân lực
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế; đồng thời cũng gặp không ít thách thức, khó khăn, nhất là về chất lượng nguồn nhân lực theo xu hướng đòi hỏi ngày càng cao. Chúng ta phải chấp nhận “luật chơi” chung trong trào lưu ấy.
Để nâng cao khả năng cạnh tranh của từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế, vũ khí mạnh nhất với mỗi quốc gia là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ năng của người lao động để không ngừng tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế. Do đó, đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN là tất yếu, cần ưu tiên trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng tất yếu đó.
GDNN Việt Nam đang chuyển mạnh từ đào tạo chủ yếu theo “cung” sang đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp, thị trường lao động trong nước; đồng thời, tăng sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy mạng lưới cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 1.989 cơ sở; trong đó, 409 trường cao đẳng, 583 trường trung cấp và 997 trung tâm GDNN. Tuyển sinh năm học 2014 - 2015 đạt gần 2,3 triệu người; chất lượng ngày càng được cải thiện nhưng còn những hạn chế nhất định.
Hai thí sinh của Việt Nam đoạt HCV nghề tự động hóa công nghiệp tại kỳ thi Tay nghề ASEAN lần thứ XI tại Malaysia.
Cơ sở GDNN nhiều nhưng cơ sở có năng lực quản trị hạn chế. Các doanh nghiệp tham gia đào tạo còn thiếu chính sách về lợi ích nên việc tham gia của các doanh nghiệp chưa phát huy hết tiềm năng; các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo được cải thiện nhưng vẫn còn chậm; hướng nghiệp, phân luồng chưa đủ mạnh nên vẫn còn bất cập giữa cung đào tạo với cầu sử dụng, dẫn đến lãng phí không cần thiết...
Tập trung vào những giải pháp cơ bản
Từ nay đến năm 2020, lĩnh vực GDNN lãnh trọng trách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Để thực hiện mục tiêu trên, GDNN cần tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng với những giải pháp cơ bản.
Về phát triển chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, các cơ sở GDNN tự chủ xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chuẩn đầu ra; tích hợp các nội dung đào tạo về kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, đạo đức nghề nghiệp trong chương trình đào tạo; đào tạo và đánh giá tin học và tiếng Anh cho người học theo các chuẩn quốc tế. Người học không phải thi tốt nghiệp cuối khóa khi tích lũy đủ mô đun, tín chỉ; người tốt nghiệp trình độ cao đẳng được công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành hoặc cử nhân thực hành. Khi học các chương trình được chuyển giao từ nước ngoài, người học được cấp 2 bằng: Của Việt Nam và của nước chuyển giao chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đào tạo, dạy và học; mời doanh nghiệp tham gia tất cả các công đoạn trong quá trình tổ chức đào tạo từ xây dựng chương trình, tuyển sinh, đào tạo, thi kiểm tra và giải quyết việc làm cho người học.
Bên cạnh đó, ban hành chuẩn nhà giáo theo các cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ sư, cử nhân về kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm trở thành nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo ở các nước phát triển để hình thành đội ngũ giáo viên hạt nhân đạt chuẩn quốc tế có đủ năng lực để đào tạo các chương trình chuyển giao từ nước ngoài. Định kỳ đào tạo, bồi dưỡng công nghệ mới cho nhà giáo; bắt buộc nhà giáo phải định kỳ thực tập tại doanh nghiệp; Ban hành tiêu chuẩn chức danh cán bộ quản lý nhà nước các cấp và của cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý để hình thành đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng về công nghệ quản lý hiện đại.
Không chỉ đầu tư cho con người, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đóng vai trò không kém phần quan trọng. Cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn về thiết kế trường, thư viện, xưởng thực hành theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo; ban hành danh mục và tiêu chuẩn thiết bị đào tạo và các bộ định mức tiêu hao vật tư trong đào tạo theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo; đẩy mạnh việc xây dựng các phần mềm mô phỏng hóa, số hóa bài giảng, phòng học ảo, học trực tuyến cho các nghề trọng điểm quốc gia để giảm bớt đầu tư trang thiết bị thực hành trong đào tạo. Mạng lưới cơ sở GDNN phải được rà soát, sắp xếp hợp lý, đủ mạnh, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về phát triển nông nghiệp nông thôn, trọng tâm là mô hình nông thôn mới; cầu về công nghiệp hóa - hiện đại hóa; về hội nhập quốc tế ở cả 3 cấp trình độ; chú trọng nâng cao năng lực cơ sở, đặc biệt năng lực quản trị với việc nâng cao năng lực hệ thống.
Chuyên gia và thí sinh đang trao đổi chuyên môn.
Về đổi mới cơ chế, chính sách, tiến tới giao quyền tự chủ toàn diện cho các cơ sở về nhân sự, tài chính, tổ chức đào tạo; từng bước chuyển cơ chế cấp kinh phí thường xuyên cho các cơ sở sang cơ chế đặt hàng và đấu thầu đào tạo theo kết quả đầu ra, không phân biệt trường công lập hay tư thục với cơ chế giá dịch vụ trong đào tạo trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí của từng ngành, nghề và cấp trình độ đào tạo; ban hành chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh tốt nghiệp THCS, người dân tộc vào học các cấp trình độ; quy định danh mục ngành, nghề người lao động bắt buộc phải có văn bằng chứng chỉ theo các trình độ mới được tham gia thị trường lao động; quy định mức lương tối thiểu theo cấp trình độ đào tạo; miễn trừ thuế ở các hoạt động đào tạo do doanh nghiệp thực hiện đối với người lao động của mình hoặc xã hội.
Trong quản lý và vận hành hệ thống, cần theo chuẩn quốc gia và áp dụng chuẩn của các nước khu vực ASEAN và một số nước phát triển; quản lý khung trình độ quốc gia; khung trình độ quốc gia phù hợp với khung tham chiếu ASEAN; hình thành chi cục GDNN tại một số địa phương.
Tăng cường gắn kết đào tạo với doanh nghiệp để doanh nghiệp có trách nhiệm cung cấp số liệu về nhu cầu tuyển dụng, yêu cầu đối với vị trí việc làm; doanh nghiệp tham gia vào tất cả các công đoạn của quá trình đào tạo từ việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo đến việc thi, kiểm tra, xét công nhận tốt nghiệp; thành lập hội đồng ngành trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, các doanh nghiệp; áp dụng mô hình đào tạo song hành của CHLB Đức đối với một số ngành, nghề đào tạo; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin toàn bộ hệ thống trong các hoạt động quản lý nhà nước, quản trị nhà trường và trong hoạt động dạy và học; thúc đẩy việc công nhận bằng cấp với các nước trên thế giới; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng độc lập.