Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 sáng 21/8.
Bởi lẽ, tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã đưa kiến nghị lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cụ thể, theo ông Phạm Văn Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế nhìn nhận: “Thừa Thiên Huế có khoảng 17.000 giáo viên, chúng tôi cần có thời gian để đội ngũ này thực sự, hiểu, thấm về chương trình mới, cũng như có thời gian để chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất để triển khai chương trình”.
Chung quan điểm này, ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định cũng cho rằng nên lùi thời gian triển khai chương trình, sách giáo khoa mới để địa phương có thời gian chuẩn bị đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lý ... nhằm triển khai tốt nhất chương trình mới.
Còn theo kiến nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Long, một trong những rào cản thực hiện chương trình mới là điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, khó thực hiện xã hội hóa.
Do đó, Bộ cần có kế hoạch tăng cường đề án về cơ sở vật chất, ban hành chuẩn cơ bản để địa phương thực hiện.
Chuẩn này cần phải đi vào thực tế, phù hợp với từng vùng, từng địa phương.
Sĩ số học sinh trên lớp cũng cần có lộ trình để ngang bằng các nước trong khu vực.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chính phủ đồng ý rằng, đổi mới phải hiệu quả, vì thế phải chuẩn bị kỹ, nếu cần thiết thì lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục mới. (Ảnh: Qúy Trung)
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kiên Giang kiến nghị Bộ cần xem xét các điều kiện chuẩn bị đồng bộ từ cơ sở vật chất, con người… của các địa phương khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Bộ cùng các đơn vị chức năng cần tăng cơ sở vật chất, tài chính cho ngành giáo dục để thực hiện có hiệu quả chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.
Vì thực tế, thực hiện những mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo hiện gặp nhiều khó khăn.
Về vấn đề này, tại hội nghị, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
Quan điểm của Ủy ban là phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tốt nhất, vì vậy không nên quá gấp gáp. Cần chuẩn bị thật tốt, thật kỹ cho giáo viên, học sinh, nhất là ở vùng khó khăn rồi mới triển khai.
Và khi thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, ông Phan Thanh Bình cho rằng, cần phải xác định đâu là vấn đề “chốt”: phổ thông hay đại học, chương trình hay phương pháp, thầy cô hay điều kiện cơ sở vật chất, quản lý hay con người...
Cùng với đó phải nhìn lại vấn đề thống nhất trong quản lý.
“Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là tư lệnh Ngành, nhưng với luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền các địa phương, Bộ trưởng chỉ quản lý kinh phí của Bộ Giáo dục và Đào tạo chứ không phải 20% ngân sách dành cho giáo dục.
Về nhân sự, giáo viên là viên chức, được điều chỉnh bởi Luật Viên chức và chủ yếu do Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ” – ông Phan Thanh Bình nêu trăn trở.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Nghị quyết 88 của Quốc hội đã ban hành, chúng ta phải thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt các địa phương rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để khẩn trương chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Chính phủ đồng ý quan điểm với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là đổi mới phải hiệu quả, vì thế phải chuẩn bị kỹ, nếu cần thiết thì lùi thời gian để thêm thời gian chuẩn bị.
“Vấn đề quan trọng là ngành giáo dục, từ nơi thuận lợi đến khó khăn phải quán triệt tinh thần đổi mới giáo dục phổ thông, các giáo viên phải được chuẩn bị.
Trong đó bao gồm cả vấn đề đào tạo giáo viên, phải đào tạo để mấy năm nữa cho ra một thế hệ giáo viên đủ tiêu chuẩn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.