Nắng nóng gay gắt cũng là một loại thiên tai
Từ xưa đến nay, khi nói đến thiên tai, chúng ta nghĩ ngay đến gió bão, lũ lụt và ở một mức độ nào đó là hạn hán. Nhưng rõ ràng, nắng nóng gay gắt cũng là một loại thiên tai. Thậm chí là một loại thiên tai nguy hiểm, vì nó gây hại trên diện rộng và lâu dài. Nắng nóng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con người, nhất là đối với trẻ em. Trong những ngày này, rất nhiều trẻ em bị bệnh. Các bệnh viện nhi của nhiều tỉnh thành đầy ắp bệnh nhân.
Gầm cầu trở thành nơi tránh nắng buổi trưa của cánh xe ôm. Ảnh: Internet
Nắng nóng làm đảo lộn sinh hoạt, tăng thêm chi phí: Khác với những người có điều kiện ở thành phố (mỗi nhà lắp từ 1 đến 3 máy điều hòa nhiệt độ), đại đa số dân nông thôn chưa có điều hòa, chỉ có quạt. Mà khi nhiệt độ cao, quạt không giải quyết vấn đề gì, càng quạt mạnh, hơi nóng càng phả vào người. Trong những ngày nắng nóng gay gắt, dân nông thôn chỉ có thể ra vườn, ra bờ ao, tìm bóng mát… Khổ nỗi, những năm gần đây, khắp nơi thực hiện chương trình nông thôn mới, cây cối bị chặt đi để mở rộng đường; nhà bê tông mọc lên chi chít khiến cho không khí càng ngột ngạt.
Nắng nóng cũng ảnh hưởng nặng nề tới vật nuôi, cây trồng. Nhiều loại rau quả không thể phát triển trong nắng nóng. Và có thể thấy rằng, nắng nóng là nguyên nhân trực tiếp gây ra hạn hán. Ngay lúc này, nhiều vùng dân cư ở miền Trung thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Hầu hết giếng khơi ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đều khô cạn. Nỗi khổ này không biết đến bao giờ mới được khắc phục?!
Rõ ràng, nắng nóng là một loại thiên tai gây hại không kém gì bão lũ. Hơn nữa, nó lại gây hại trên diện rộng, ngấm ngầm và lâu dài. Điều này chúng ta nên nhận thức rõ ràng để các cá nhân, gia đình, tập thể, các ban, ngành của Nhà nước có biện pháp đối phó.
Đối phó thế nào với nắng nóng?
Nếu buộc phải đi ra đường vào thời điểm nắng nóng, nên mặc áo chống nắng và đeo khẩu trang. Ảnh: Intertnet
Theo các chuyên gia y tế, cần phải có các biện pháp đối phó với nắng nóng để bảo vệ sức khỏe tinh thần và thể chất cho con người. Có nhiều cách đối phó với nắng nóng. Chúng ta có thể chia thành hai loại cơ bản: Ngắn hạn và dài hạn.
- Ngắn hạn bao gồm các biện pháp thực hiện tức thì trong ngày: Hạn chế ra trời nắng, không dùng quạt (khi nhiệt độ trên 37 độ C, cao hơn thân nhiệt, càng quạt, càng nóng), uống nhiều nước (tránh uống nước đá), ăn nhiều trái cây, hạn chế ăn các loại thịt nướng, tìm những nơi thoáng mát để trú ngụ (bóng cây, phòng có điều hòa, siêu thị…), ăn những món có đặc tính giải nhiệt; tắm ở sông, biển, hồ (đề phòng đuối nước), bảo đảm giấc ngủ; hỗ trợ lẫn nhau trong sinh hoạt (cho nhau nước, ngồi nhờ phòng lạnh…).
- Dài hạn: Thông thường, một đợt nắng nóng gay gắt thường diễn ra trong 5 đến 7 ngày, tối đa 10 ngày. Căn cứ vào đặc điểm này, các gia đình dựa vào hoàn cảnh, điều kiện của mình để đưa ra các biện pháp phù hợp. Những gia đình có điều kiện sẽ thực hiện những chuyến du lịch trốn nắng nóng. Đó là những chuyến đi tới Đà Lạt, Kon Tum, Sa Pa, Bắc Hà, Tam Đảo… Đất nước mình có nhiều vùng đất mát mẻ quanh năm. Nếu những gia đình nào khá giả hoặc “chịu chơi” thì có thể đi ra nước ngoài, tới các nước Bắc Âu, Úc (hiện đang mùa đông), New Zealand…
Với những gia đình ít điều kiện hơn thì củng cố hệ thống làm mát như sửa chữa hoặc thêm máy lạnh. Những gia đình khó khăn vẫn phải “gồng mình” tránh nóng bằng cách thuê nhà nghỉ để ngủ qua đêm. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi trong những ngày này hầu như tất cả các nhà nghỉ đều bận rộn và hết phòng.
“Trong cái khó, ló cái khôn” – Hi vọng là dân ta có thể sáng tạo, tìm ra nhiều biện pháp đối phó có hiệu quả với nắng nóng.
Người dân có thể tự chế quạt chống nóng như trong ảnh này. Ảnh: Internet
Trách nhiệm của các cấp chính quyền
Nắng nóng là thiên tai, vì vậy, các cấp chính quyền phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Trước hết, chính quyền cần quản lý, điều hành để bảo đảm các dịch vụ công diễn ra thuận lợi. Tiếp đó, chính quyền cần có bảo đảm là những dịch vụ mang tính Nhà nước phải thông suốt. Đó là việc các công ty cấp điện, cấp nước không được để xảy ra sự cố. Vẫn biết trong những ngày nắng nóng gay gắt, các đường dây tải điện thường rơi vào tình trạng quá tải; biết được điều này rồi, cần phải có những biện pháp dự phòng. Tuyệt đối không được để xảy ra mất điện, mất nước quá 24 giờ đồng hồ.
Công tác dự báo thời tiết cũng cần tham gia tích cực vào việc đối phó với nắng nóng. Cần đưa ra cách hướng dẫn, cách giải thích cụ thể để dân biết rõ những gì đang xảy ra. Ví dụ, trên các phương tiện thông tin đại chúng thông báo Hà Nội chỉ nắng nóng ở mức 38 - 39 độ C, nhưng buổi trưa, người dân đo được nhiệt độ ở mức 45, thậm chí là 50 độ C. Vì vậy, các chuyên gia về dự báo thời tiết phải giải thích rõ rằng: Nhiệt độ thông báo là nhiệt độ đo được trong lều tiêu chuẩn của cơ quan dự báo thời tiết. Còn trong thực tế, nhiệt độ thường cao hơn 3 – 4 độ, thậm chí cao hơn 10 độ (tùy thuộc vào chỗ để thiết bị đo độ; ví dụ, đo gần đường nhựa, sàn bê tông khác với đo trên thảm cỏ). Biết được sự chênh lệch lớn này, người dân sẽ đỡ chủ quan trong sinh hoạt.
Trong những ngày nắng nóng, ai cũng thấy được giá trị của cây xanh, bóng mát. Vì vậy, chính quyền các cấp phải có chính sách bảo vệ và tăng cường trồng cây. Trong những năm qua, ở một số nơi cây xanh bị chặt khá nhiều vì lý do mở rộng đường, thực hiện dự án nông thôn mới. Cần phải nghiêm ngặt hơn trong việc bảo vệ cây xanh. Suy rộng ra, vấn đề bảo đảm cho môi trường xanh - sạch - đẹp cũng là một trong những biện pháp đối phó có hiệu quả với nắng nóng.
Trong thời kỳ khí hậu đang có những biến đổi khó lường, việc con người chủ động tìm các biện pháp phòng, tránh thiên tai là rất cần thiết.
Cần đặc biệt quan tâm đến trẻ em
Trong những ngày nắng nóng gay gắt, nếu ai đến các bệnh viện nhi sẽ thấy ở đó đông hơn bình thường. Điều này không có gì khó hiểu, nắng nóng khiến trẻ em mắc bệnh nhiều hơn.
Theo các bác sĩ, số bệnh nhân trẻ em không chỉ nhập viện nhiều hơn, mà diễn biến bệnh tật của trẻ cũng phức tạp hơn, nặng hơn. Các triệu chứng sốt cao, co giật, khó thở, suy hô hấp, tiêu chảy, mất nước nặng… chính là do nắng nóng gây ra. Cơ thể của trẻ nhỏ thường nhạy cảm nên sự chênh lệch nhiệt độ môi trường - cơ thể; trong phòng - ngoài trời ảnh hưởng ngay tới sức khỏe của trẻ.
Do vậy, trong những ngày nắng nóng, các bậc cha mẹ, ông bà cần đặc biệt quan tâm tới trẻ nhỏ. Trước hết, nên hạn chế cho con nhỏ ra khỏi nhà. Những gia đình sử dụng điều hòa nhiệt độ, nên đặt chế độ từ 25 - 28 độ C để bảo đảm không chênh lệch quá lớn so với nhiệt độ ngoài trời.
Việc ăn uống của trẻ cũng phải được quan tâm đúng cách. Đó là nên cho trẻ uống thêm nhiều nước bằng các dung dịch muối đường, oresol, nước chanh, nước cam, nước dừa. Tránh để cơ thể trẻ em mất nước và thiếu nước. Còn ăn? - Đương nhiên phải ăn chín; ăn nhiều hoa quả, rau xanh, một ít chất bột. Tránh cho trẻ ăn nhiều những thứ mà các cháu rất thích như kem, thạch các loại, gà nướng, xúc xích…
Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ, như: rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Cố gắng bảo đảm giấc ngủ cho trẻ.
Mọi biện pháp đều có thể được áp dụng nhưng khi trẻ có triệu chứng bất thường, phải đi khám hoặc gọi bác sĩ. Đây là điều cần thiết phải làm.
Đàm Trọng
Hồ Bất Khuất/GĐTE