Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đời sống của Chăm ở An Giang phát triển nhờ gắn các làng nghề truyền thống với du lịch

(Dân sinh) - Người Chăm ở An Giang sinh sống chủ yếu bằng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống như dệt, thêu, đan… Sản phẩm thủ công chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sarông, khăn quấn cổ đội đầu và các mặt hàng lưu niệm từ đó tạo nên nét đặc trưng và nâng cáo đời sống của các làng Chăm.

Là tỉnh đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có nhiều nét đặc thù của một tỉnh nông nghiệp, vừa có đồng bằng, vừa có núi, có đường biên giới tiếp giáp với Campuchia.

An Giang hiện có 9 làng Chăm thuộc 9 xã, phường trên địa bàn, với hơn 5.000 hộ dân, hơn 17.000 người; tập trung chủ yếu ở thị xã Tân Châu và huyện An Phú; một số ít là huyện Châu Phú, huyện Châu Thành và một làng nhỏ ở phường Mỹ Long, TP Long Xuyên.

Theo các nhà khảo cổ, người Chăm vốn thuộc dòng Mã Lai- Đa Đảo, một vùng văn minh hải đảo nhận ảnh hưởng văn hóa Ấn- Hồi mà hiện nay vẫn còn theo chế độ mẫu hệ. Họ di cư sang miền Nam Trung bộ và Nam bộ từ nhiều thế kỷ trước, mang theo và gìn giữ mọi phong tục tập quán cùng chế độ gia đình mẫu hệ. Căn cứ vào một số thư tịch cổ, tư liệu dân tộc học, các hiện vật còn lưu giữ và văn tự cổ, so sánh về dân tộc học và lịch sử cho thấy: Người Chăm An Giang có xuất xứ từ Ninh Thuận, Bình Thuận và đều cùng chung một nguồn gốc lịch sử từ lâu đời....

Đời sống của Chăm ở An Giang phát triển nhờ gắn các làng nghề truyền thống với du lịch - Ảnh 1.

Phụ nữ người Chăm ở An Giang đang duy trì nghề dệt thủ công.

Hiện nay, các làng Chăm ở An Giang còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa độc đáo trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Người Chăm ở An Giang chủ yếu sống bằng nghề dệt thủ công, làm nông và nghề chài lưới. Gần đây, cùng với làn sóng phát triển chung của đất nước, nhiều hộ người Chăm đã lấy kinh doanh, thương mại làm mũi nhọn để phát triển kinh tế gia đình. Vì thế nên số hộ giàu có, dư dả trong cộng đồng người Chăm An Giang ngày càng nhiều.

Anh Mohamah Sa Lếh, Làng Chăm Châu Phong (An Giang) cho biết, trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm, xà rông, khăn, áo, đồ thủ công truyền thống chủ yếu phục vụ cho cộng đồng Chăm thì nay trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng. Tương tự, các món ăn truyền thống của người Chăm An Giang: Tung lò mò (lạp xưởng bò), cà ri, cơm nị, bánh bò nướng… trở thành đặc sản phục vụ du khách.

Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa truyền thống chẳng những giúp đồng bào Chăm có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn giúp bà con nơi đây mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. Có không ít người Chăm đã vươn lên thành đạt.

Đời sống của Chăm ở An Giang phát triển nhờ gắn các làng nghề truyền thống với du lịch - Ảnh 2.

Các sản phẩm dệt thủ công của người Chăm trở thành sản phẩm du lịch, được du khách ưa chuộng.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang Men Pholly cho biết: "Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và cộng đồng dân tộc Chăm nói riêng như: Chương trình 135, chương trình cho vay, hỗ trợ giáo dục và đầu tư điện, đường, trường, trạm... Từ đó, đã tạo nên diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số".

Cộng đồng người Chăm ở An Giang nhận được sự quan tâm của Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể nên đời sống vật chất ngày càng phát triển, đời sống tinh thần ngày càng phong phú. Với phương châm sống "Tốt đời, đẹp đạo", các chức sắc, giáo cả luôn tuyên truyền cho tín đồ về tinh thần yêu nước, đoàn kết, gắn bó, sống quần tụ hòa thuận, đùm bọc lẫn nhau.

Hiện nay, 100% ấp, xã vùng dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, trên 98% hộ dân được sử dụng điện lưới và nước sạch sinh hoạt. Đường giao thông nông thôn được nhựa hóa hoàn toàn, các xã vùng đồng bào Chăm có nhà văn hóa, trạm phát thanh phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Đời sống của bà con được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/năm.