Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đổi thay ở Đắk Phơi

Mấy năm trước, lần đầu tiên đặt chân đến xã Đắk Phơi (huyện Lắk, Đắk Lắk), nhìn vào những căn nhà lụp sụp còn sót lại, già làng Ama Linh nói với tôi, chẳng mấy chốc nơi đây sẽ khác, như thị trấn đấy bởi người người có quyết tâm, nhà nhà có niềm tin. Quả đúng như vậy, lần trở lại Đắk Phơi vào những ngày tháng bảy này, chúng tôi đã được chứng kiến cuộc “lột xác” kỳ diệu của vùng đất anh hùng…

 

Cuộc sống ở Đắk Phơi hiện nay đã có điện sáng, đường nhựa và nhà xây kiên cố…     

 1. Già làng Ama Linh là một lão nông làm ăn giỏi của xã Đắk Phơi, người có nhiều trăn trở và tiên phong vận động nhân dân trong xã cùng làm ăn để thoát nghèo từ sau ngày giải phóng. Nhớ lần  già làng Ama Linh dự đoán về sự đổi thay của quê hương mình, chúng tôi thấy vui lây và khấp khỏi chờ đợi ngày trở lại vùng đất anh hùng này. Giờ thì, chỉ những đường bê tông, đường nhựa thẳng tắp, những dãy nhà kiên cố nối tiếp nhau, Ama  Linh thổn thức: “Những năm 1980, khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, dẫu Đắk Phơi là vùng đất anh hùng nhưng bộn bề khó khăn, hố bom, hố mìn còn sót lại nhiều vô kể. Nhà cửa của người dân cũng hằn in dấu tích bị tàn phá. Để từng bước thay đổi khó khăn, cán bộ xã phải xuống từng buôn, làng để thực hiện “ăn, ngủ cùng dân” và “cầm tay chỉ việc” trong mọi hoạt động sản xuất. Chẳng mấy chốc, hàng ngàn người dân ở Đắk Phơi đã biết làm lúa rẫy, biết trồng cây lương thực theo đúng kỹ thuật, trẻ con được đi học và biết đọc chữ”.

Tiếp nối câu chuyện của ông Ama Linh, lật lại trang sử hào hùng của địa phương, ông Ama Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Đắk Phơi tự hào kể: Năm 1966, khi Mỹ - Diệm đàn áp mạnh, xã Đắk Phơi được cách mạng chọn làm căn cứ H10, gọi là xã 1 và xã 2 theo yêu cầu kháng chiến. Người dân khắp nơi hừng hực khí thế cách mạng, thi đua nuôi giấu cán bộ và vót hàng ngàn mũi chông tiêu diệt địch. Không kể ngày đêm, không phân biệt dân tộc, tất cả cùng sản xuất, tạo ra lương thực cho các chiến sĩ cách mạng. Khi được giác ngộ, hàng trăm người con ưu tú trong xã đã xung phong ra trận và ngoan cường chiến đấu. Nhiều người con của Đắk Phơi đã trở thành anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, như: Ama Du, Ama Plang, Ama Oan ở buôn Liêng Kéh); Ama Nar, Ama Drông (buôn Pai Ar). Hiếm có xã nào toàn đồng bào dân tộc thiểu số mà lại nhiều anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân như ở Đắk Phơi. Và, trong cuộc kháng chiến trường kỳ ấy, đến ngày đại thắng, 46 người con của Đăk Phơi đã anh dũng hy sinh. Sau ngày thống nhất đất nước, đầu năm 1977, xã Đắk Phơi được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Rất nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tìm hiểu về quá khứ hào hùng của đất và người Đắk Phơi.

Anh hùng Ama Du từng động viên bà con rằng, trong cuộc chiến có biết bao khó khăn, hiểm nguy mà chúng ta vẫn chiến thắng, thì thời bình khó khăn mấy cũng phải vượt qua. Bởi thế, nếu nghèo cũng là cái tội, nghèo là không xứng với danh hiệu vùng đất anh hùng”. Toàn xã Đắk Phơi hiện có gần 1.300 hộ dân, với 5 dân tộc anh em (Tày, Nùng, M’nông, Mông và Kinh) sinh sống trên 11 thôn, buôn. Được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, cộng với lòng quyết tâm vươn lên, đời sống người dân nơi đây đang khởi sắc từng ngày. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn đạt trên 8%. Hầu hết người dân đã thoát khỏi đói nghèo và đang vươn lên làm kinh tế giỏi. Hiện toàn xã có 538 ha cà phê, 520 ha sắn cao sản, 520 ha ngô lai, 233 ha lúa nước, 450 ha lúa cạn, 58 ha điều và ca cao, hơn 120 ha cây ăn quả các loại được trông rải rác khắp xã.

2. Thương yêu nhau như người một nhà, đó là tâm niệm sống của người dân Đắk Phơi. Nhìn sang bên kia suối Đắk Phơi, ông Y Krang bộc bạch: “Dẫu có 5 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn nhưng tất cả đều đoàn kết như người một nhà. Thôn bên kia suối hay thôn bên này suối cũng là anh em vậy thôi. Cái bụng của đồng bào mình thật thà lắm nên thấy hàng xóm đói là mang củ khoai, củ mỳ sang cho ngay. Bây giờ cuộc sống khá rồi thì giúp nhau xây nhà ngói hoặc đào ao nuôi cá”.

Tiếp lời ông Y Du - người từng nhiều năm đi “tiếp lửa” cho tinh thần đoàn kết của người dân trong xã, kể: Trước đây hễ có phần tử xấu hay một vài đối tượng còn theo các tà đạo khác vào xã mình quấy rối là bà con cùng đuổi đi ngay. Ngoài truyền thống anh hùng trong kháng chiến, thì ngày nay, con em đồng bào ở Đăk Phơi còn rất hiếu học, năm nào cũng có nhiều em đỗ vào các trường đại học. Đói nghèo chỉ còn tồn tại trong quá khứ.

Có câu chuyện được anh Y Minh (buôn Liêng Kéh) kể rằng, một lần thấy nhà hàng xóm có chuyện đau buồn thì anh cũng buồn lắm, vì ở đây nhà nào có việc là tất cả các gia đình trong buôn đều cùng nhau chia sẻ hoặc lo lắng như chính công việc của gia đình mình vậy.

Nhiều năm trước, thành niên trong buôn Liêng Ông và buôn Pai Ar còn xảy ra cự cãi nhau nhưng được các già làng uy tín đứng ra phân tích, khuyên giải, giờ đây giới trẻ ở hai buôn đã hòa thuận, cùng nhau cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Anh Y Ma Hanh (buôn Pai Ar) tâm sự: Em là thanh niên trẻ tuổi, không đi học được như một số bạn. Tuy vậy, được hướng dẫn kiến thức chăn nuôi theo mô hình VAC nên em quyết vươn lên làm giàu cho xứng đáng với sự hy sinh của cha ông trong quá khứ để tạo nên vùng đất anh hùng này như ngày hôm nay.

       Đoàn kết một lòng để xây dựng kinh tế, nhưng những người con của vùng đất anh hùng Đăk Phơi vẫn không quên lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống. Ông Y Mhanh là một điển hình. Đã bước vào tuổi 80, sức khỏe như chuyến tàu đang trượt dần về ga cuối, nhưng ánh mắt ông vẫn sáng quắc và tinh nhanh, từ sáng đến đêm cần mẫn lau chùi từng chiếc kèn, nghiên cứu từng bài nhạc của người Mông. Ông bảo, người Mông của mình có nhiều dụng cụ dân tộc và nhiều bài nhạc hay nên cần phải giữ gìn để giao lưu và truyền lại cho con cháu.

Công tác giáo dục được chính quyền địa phương quan tâm, nhằm nâng cao trình độ cho người dân.  

           3. Có một nghịch lý từng diễn ra ở nhiều vùng đất thuộc Tây Nguyên. Trong nhiều năm dài, khi kinh tế phát triển đến đâu thì rừng bị thu hẹp lại đến đó. Nếu chiêng là hồn vía Tây Nguyên thì rừng chính là máu thịt vậy. Có thời, những bước chân lạ của kẻ xấu tìm mọi cách kéo về các buôn làng ở Đắk Phơi để dụ dỗ những thanh niên của buôn đi xâm hại rừng quốc gia Chư Yang Sin… Nhưng, các già làng và chính quyền địa phương kịp thời tuyên truyền để họ thấu hiểu được rằng, nếu phá rừng thì đất đai cằn cỗi, thời tiết thất thường, những dòng suối hùng vỹ cũng không còn ban phát cho người dân nơi đây dòng nước mát lành, mà nổi cuồng phong, các thế hệ sau sẽ chịu nhiều khắc nghiệt. Cuộc vận động hãy giữ màu xanh cho rừng diễn ra suốt ngày đêm, thế nên chẳng có người dân nào trong xã đi làm lâm tặc cả.

Nói về sự thay đổi nghịch lý xấu, ông A Ma Bảo bộc bạch: “Bản chất đồng bào tốt lắm, do xưa kia có vài người nông nổi, nghe kẻ xấu nên thỉnh thoảng mới có ý nghĩ không tốt thôi”. Cảm động hơn nữa khi thế hệ trẻ trong xã Đắk Phơi cũng nghiệm ra rằng: “Ở ngay bên cạnh rừng quốc gia Chư Yang Sin, nếu phá rừng thì nhanh có tiền, nhưng không có cây rừng sẽ chẳng còn gì che mát cho buôn làng nữa. Thời chiến tranh, nghe kể rừng còn che bộ đội, bộ đội cụ Hồ đánh giặc nên mới có các buôn làng no ấm như hôm nay”.

Cái điều nghiệm ra của những người trẻ ở Đắk Phơi khiến cho nhiều người chúng tôi mừng lây. Chiều chậm trôi, mặt trời lặn dần xuống chân núi Chư Yang Sin, từng buôn làng ở Đắk Phơi bắt đầu nổi lửa, không khí sôi nổi dần lên với những câu chuyện xoay quanh các điệu múa của từng dân tộc, khiến cho cuộc sống ở vùng đất anh hùng càng thêm đầm ấm…