Tại buổi tổng kết công tác năm 2016 diễn ra chiều 10/1/2016, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ông Mai Đức Thiện cho biết: “Vụ Pháp chế đã hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng trong công tác xây dựng pháp luật. Kết quả thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016 của Bộ LĐ-TB&XH được đánh giá là một trong các Bộ có tỉ lệ hoàn thành tốt”.
Được biết, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng văn bản để Bộ trưởng trình Quốc hội thông qua Luật Trẻ em, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; Trình Chính phủ 16 Nghị định, trình Thủ tướng 24 Quyết định liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Trình Bộ trưởng ban hành 37 Thông tư và Thông tư liên tịch. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực lao động – người có công và xã hội đã góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách và tổ chức thực thi nhiệm vụ của ngành.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp chỉ đạo công tác Vụ Pháp chế
Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, công tác thẩm định văn bản cũng tiến bộ hơn năm trước, nội dung các văn bản thẩm định đạt tiến độ và chất lượng, góp phần đảm bảo tính khả thi, tính phù hợp của hệ thống pháp luật khi ban hành. Theo đó, Vụ đã thẩm định 53 văn bản của Bộ, 88 thủ tục hành chính (TTHC) quy định tại 15 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
“Công tác chuẩn bị ý kiến góp ý Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ đảm bảo đúng thời hạn, chuẩn bị các lỹ lẽ, cơ sở cho mỗi phương án trong nội dung góp ý của Phiếu; Công tác cải cách hành chính (CCHC) và kiểm soát TTHC cũng được các đơn vị quan tâm chú trọng đẩy mạnh thực hiện, việc công bố các TTHC được tiến hành công khai, thường xuyên, cập nhật trên cổng thông tin điện tử để các đối thượng thực hiện dễ dàng, thuận lợi”, Phó Vụ trưởng Mai Đức Thiện cho biết thêm.
Nhiều chính sách cho người lao động được quan tâm
Chia sẻ thêm về điều này, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Năm 2016, Vụ đã trình Bộ ban hành kế hoạch công việc trong lĩnh vực này và đôn đốc tổ chức thực hiện các kế hoạch hành động cụ thể (kết hoạch CCHC năm 2016; kế hoạch CCHC giai đoạn 2016 – 2020; kế hoạch rà soát quy định, TTHC của Bộ); Đồng thời, Vụ cũng tổ chức tập huấn về xây dựng, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO cho các đơn vị; Tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ công tác CCHC của Bộ và chuẩn bị ý kiến kết luận chỉ đạo, điều hành của Bộ; Phối hợp và tham gia lấy ý kiến với các đơn vị để trình Bộ ban hành 10 Quyết định công bố TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ; Hướng dẫn các đơn vị và rà soát đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; Tham mưu ban hành kế hoạch kiểm tra CCHC 2016 và tổ chức kiểm tra tại 5 đơn vị quản lý nhà nước của Bộ; Cập nhật đầy đủ hồ sơ các TTHC và công bố cơ sở dữ liệu quốc gia; Phối hợp với trung tâm thông tin xây dựng, cung cấp lên Cổng thông tin điện tử công khai kết quả giải quyết TTHC, đảm bảo liên thông, liên kết, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành.
Tại buổi họp, các đại biểu thuộc Vụ, Cục, Tổng cục đánh giá cao những thành quả mà Vụ Pháp chế đã đạt được, đặc biệt là trong công tác phối hợp xây dựng, soạn thảo, kiểm tra theo dõi thực hiện các quy phạm pháp luật, nghiên cứu phê chuẩn công ước và báo cáo tình hình thực hiện công ước quốc tế, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được quan tâm, đánh giá cao trong công tác phát hiện, sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời. Đặc biệt là việc đã chủ trì tổ chức nhiều hội nghị đối thoại chính sách pháp luật lao động cho gần 1000 người lao động, cán bộ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các hiệp hội, và các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Nam Định, Thanh Hóa; Giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp tại diễn đàn doanh nghiệp, của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, của VCCI, và các hiệp hội doanh nghiệp.
Người lao động được phổ biến, giải đáp nhiều chính sách lao động
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, Vụ Pháp chế vẫn còn một số thiếu sót, như việc đóng góp ý kiến cho các văn bản quy phạm pháp luật ngoài ngành chưa thực sự sâu sắc, việc cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật, hợp nhất văn bản quy phạm, pháp điển văn bản, công tác theo dõi thi hành pháp luật chưa nhịp nhàng với các đơn vị…
Chia sẻ với Vụ Pháp chế những khó khăn, tồn tại, song để khắc phục hạn chế đó, tại buổi họp tổng kết Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cũng nhấn mạnh: Vụ Pháp chế cần tiếp tục hoàn thiện hồ sư dự án Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012; Hoàn thiện hồ sơ nghiên cứu phê chuẩn, hồ sơ phê chuẩn công ước của ILO theo kế hoạch được phân công và chú ý hơn nữa công tác cho thuê lại lao động.
“Đề nghị Vụ Pháp chế cần nâng cao năng lực cán bộ và kết quả thẩm định, góp ý, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Phối hợp hơn nữa với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ theo dõi tổng hợp và đôn đốc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh; Đồng thời Thứ trưởng cũng yêu cầu Vụ Pháp chế tiếp tục bám sát công tác CCHC và tăng cười, đẩy mạnh đối thoại, tuyên truyền chính sách pháp luật về lao động đến đông đảo cán bộ, doanh nghiệp, nhà quản lý, tổ chức hội doanh nghiệp, người lao động và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong năm 2017.