Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đối thoại chính sách với Samsung Việt Nam: Chủ động gặp gỡ, lắng nghe doanh nghiệp.

Ngày 6/8, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH do Thứ trưởng Phạm Minh Huân làm trưởng đoàn, cùng lãnh đạo Cục Việc làm, Cục An toàn lao động, Vụ Lao động - Tiền lương, Vụ Bảo hiểm xã hội tới thăm và đối thoại về việc thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, việc làm tại Công ty điện tử Samsung Việt Nam (SEVT), trụ sở tại KCN Yên Bình 1, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. SEVT doanh nghiệp của Hàn Quốc chuyên sản xuất, lắp ráp điện thoại di động thông minh và các linh kiện điện tử công nghệ cao.

Tạo việc làm cho gần 7000 lao động

“Việc đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đến thăm, trực tiếp đối thoại về các chính sách lao động, việc làm đã cho thấy sự quan tâm, khích lệ rất lớn với hoạt động của công ty, qua đó giúp chúng tôi có bước điều chỉnh hoạt động tốt hơn trong giai đoạn tới...” - ông Cho He Seok, Phó Tổng Giám đốc phụ trách hành chính - nhân sự của SEVT vui mừng phát biểu.

 Nhà máy Samsung Thái Nguyên chính thức khởi công ngày 25/3/2013 và đi vào hoạt động từ 10/4/2014, trở thành tổ hợp công nghệ cao thứ hai tiếp nối thành công của tổ hợp công nghệ cao Samsung thứ nhất, đã được đầu tư xây dựng tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Theo ông Lee Dong Hee, Tổng trưởng phòng nhân sự,  năm 2014 khi đi vào sản xuất,  SEVT có hơn 7.000 nhân lực, hiện tại thu hút 63.000 lao động đến từ 33 tỉnh, thành phía Bắc và khu vực miền Trung (trong đó 75% là lao động nữ, độ tuổi bình quân 22 - 23; 3,5% có trình độ đại học, cao đẳng kỹ thuật; 7,5% có trình độ cao đẳng kỹ thuật; 89% lao động tốt nghiệp trung học cơ sở).

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cùng các thành viên thị sát hoạt động sản xuất, lắp ráp của SEVT.

Kim ngạch xuất khẩu của SEVT năm 2015 đạt 17,12 tỷ USD, các sản phẩm của SEVT được xuất khẩu tới 85 quốc gia và lãnh thổ trên toàn cầu, thị trường lớn nhất là Nga, Mỹ, châu Âu và khu vực Đông Nam Á. Khuôn viên nhà máy của SEVT được Thiết kế thoáng với hệ thống cây xanh và khu nghỉ ngơi hài hòa cùng các xưởng sản xuất. SEVT đã đầu tư xây các khu ký túc xá đảm bảo cho 24.000 lao động ở trọ, mỗi tòa nhà chứa 720 lao động, 6 người/phòng, có đủ các dịch vụ chung, có 3 nhà ăn cung cấp 85.000 suất ăn mỗi ngày, với  hơn 600 đầu bếp cùng nhân viên phục vụ.

 Hàng ngày, SEVT vận hành hơn 400 xe buýt lớn đưa đón công nhân và đầu tư nhiều hạng mục công trình phục vụ các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí phục vụ cán bộ, công nhân viên và người lao động.

Cần chú trọng cải thiện đời sống người lao động

Tại buổi đối thoại chính sách với lãnh đạo SEVT, đi vào những nội dung cụ thể, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đặt câu hỏi về việc mới đây Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng ở mức 7,3%  từ 1/1/2017, công ty đón nhận quyết định này như thế nào? Ông Lee Dong Hee đánh giá cao hoạt động của Hội đồng Tiền lương Quốc gia trong việc thảo luận, xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng phù hợp với hoạt động thực tiễn của nhiều doanh nghiệp hiện nay, góp phần cải thiện đời sống, thu nhập của người lao động. “SEVT cũng đã có lộ trình điều chỉnh lương cho người lao động và luôn coi đây là giải pháp để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến cho công ty...”- ông Lee bày tỏ.

Lãnh đạo SEVT đánh giá cao việc Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP về việc cấp giấy phép cho lao động nước ngoài có chuyên môn vào Việt Nam làm việc, đã “kịp thời, tạo thông thoáng hơn thu hút lao động, chuyên gia nước ngoài có trình độ cao vào làm việc”. Bên cạnh đó, SEVT cũng đề xuất, kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH về việc nghiên cứu, đào tạo, cung ứng nhân lực có trình độ kỹ thuật cao cho doanh nghiệp...

Xung quanh việc chuẩn bị sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2013, phục vụ việc tới đây Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét phê chuẩn việc Việt Nam ký kết Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), lãnh đạo SEVT kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, xem xét điều chỉnh quy định làm thêm giờ của người lao động. Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân ghi nhận: “Đó là kiến nghị của nhiều doanh nghiệp, không chỉ SEVT. Tuy nhiên, cần xem xét tới các yếu tố sức khỏe của người lao động, bởi người lao động chính là tài sản lớn nhất của công ty, doanh nghiệp…”.

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB&XH đã thẳng thắn  đặt nhiều câu hỏi với SEVT về các chính sách tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân lực, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm của công ty, đặc biệt là vấn đề chăm lo phúc lợi, môi trường, việc đảm bảo sức khỏe của người lao động đang làm việc tại SEVT…

Đặc biệt quan tâm đến nơi ở của lao động ngoại tỉnh, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cùng các thành viên đoàn công tác đã trực tiếp tới thị sát các khu vực sản xuất, nơi ở, kiểm tra bữa ăn của công nhân. Ghi nhận nỗ lực của SEVT trong việc đảm bảo chỗ ở, phúc lợi xã hội cho người lao động, Thứ trưởng Phạm Minh Huân đề nghị lãnh đạo công ty cần tiếp tục chăm lo, cải thiện thu nhập, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho người lao động.

“Vừa qua, tôi đã trực tiếp tới kiểm tra các khu ký túc xá của một số doanh nghiệp FDI tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, ký túc xá của Công ty Điện tử Samsung Việt Nam tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và khu nhà trọ của công nhân lao động. Ở SEVT có ký túc xá bố trí cho 24.000 lao động ở, là cố gắng lớn, tuy nhiên vẫn còn hàng vạn lao động ngoại tỉnh, lao động có gia đình riêng  đang phải thuê nhà trọ bên ngoài rất chật chội, khó khăn… Đây là vấn đề lớn, cần sự chia sẻ vào cuộc của công ty, doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh, thành nơi doanh nghiệp đứng chân, cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan…” - Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.

Đón nhận những ý kiến đóng góp, khuyến nghị của Thứ trưởng Phạm Minh Huân và các thành viên đoàn công tác, ban lãnh đạo SEVT cho biết sẽ có những bước điều chỉnh trong thời gian tới, trong đó tập trung cải thiện điều kiện làm việc, nơi ăn ở cho người lao động, đặc biệt là việc thực hiện nghiêm túc các chính sách pháp luật về lao động, việc làm.

Dự án SEVT có tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích 200ha, gồm: Nhà máy sản xuất, gia công lắp ráp điện thoại di động thông minh và các sản phẩm công nghệ cao, quy mô 2 tỷ USD; nhà máy sản xuất, lắp ráp các bộ vi xử lý và mạch tích hợp, quy mô 1,2 tỷ USD. Hiện, Tập đoàn Samsung  đã quyết định đầu tư thêm các nhà máy sản xuất linh kiện điện và điện tử, phụ tùng các sản phẩm di động, điện tử viễn thông công nghệ cao như: Màn hình Oled Display, máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số trong thời gian tới.