Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đối thoại tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động

Ngày 19/12, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng, Hội đồng quốc gia về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức phiên họp lần thứ 2 nhằm đánh giá những việc đã triển khai sau cuộc họp Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ lần thứ 1 và kế hoạch triển khai năm 2019.

 

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi đối thoại

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ cho biết, sau phiên họp lần thứ 1, Hội đồng đã tổ chức đối thoại định kỳ năm 2017 và 2018. Phiên đối thoại năm 2017 có 157 ý kiến, năm 2018 có 93 ý kiến chia thành 4 nhóm vấn đề lớn, liên quan đến lĩnh vực quản lý của 5 Bộ: LĐ-TB&XH, Y tế, Công Thương, Xây dựng, GTVT; ngoài ra, một số nội dung được trao đổi trực tiếp tại đối thoại. Đối với những quy định do trong quá trình triển khai doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) chưa hiểu rõ đã được các thành viên Hội đồng giải thích cặn kẽ, chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người sử dụng lao động và NLĐ, như: Tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật; tổ chức bộ phận an toàn, vệ sinh lao động; mức đóng vào Quỹ Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết chế độ tai nạn lao động; tổ chức huấn luyện đối với nhóm người làm công tác y tế; yêu cầu về trình độ người huấn luyện về ATVSLĐ; thanh tra, điều tra tai nạn lao động…

Trong phiên đối thoại năm 2018 tổ chức ngày 11/4, Hội đồng đã trao đổi, giải đáp các kết quả đã triển khai sau đối thoại năm 2017 và 93 ý kiến gửi đến. Tại phiên đối thoại còn có thêm 7 ý kiến trao đổi và trả lời trực tiếp.

Ông Hà Tất Thắng Cục trưởng Cục ATLĐ báo cáo tại phiên họp

Cũng theo ông Hà Tất Thắng, sau đối thoại, bên cạnh những nội dung đã được trao đổi, giải đáp, một số nội dung vướng mắc của DN phản ánh đã được tiếp thu, sửa đổi tại các văn bản quy phạm pháp luật. Về phía Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, qua đó giảm, đơn giản 64,3% điều kiện kinh doanh và 81,6% thủ tục hành chính trong lĩnh vực kiểm định và huấn luyện ATVSLĐ. Dự kiến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, tiếp tục sửa đổi Nghị định số 44/2016/NĐ-CP: Phân loại tổ chức kiểm định, phân công trách nhiệm quản lý giữa các bộ, ngành; sửa một số nội dung như điều kiện giảng viên huấn luyện, danh mục máy thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; hoạt động hỗ trợ huấn luyện cho NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động; danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; thông tư hướng dẫn điều chỉnh tên nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ BHXH của NLĐ.

Về phía Bộ Công Thương, ban hành Thông tư số 37/2018/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2017/TT-BCT ngày 13/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Trung tướng Phạm Quang Cử, đại diện Bộ Công an phát biểu tại phiên họp

Tại phiên họp, các thành viên hội đồng đánh giá cao hiệu quả công tác đối thoại giúp nâng cao nhận thức của NLĐ, DN và xã hội về ATVSLĐ. Để công tác đối thoại đạt hiệu quả, các thành viên cho rằng, Ban chỉ đạo cần tổ chức đối thoại theo chuyên đề thì hiệu quả sẽ cao hơn. Dự kiến phiên đối thoại tiếp theo sẽ được tổ chức ngày 3/5/2019 tại Đà Nẵng (trước 1 ngày phát động Tháng ATVSLĐ năm 2019).

Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, việc thành lập Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ nhằm kịp thời hoàn thiện bộ máy để tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Sau cuộc họp lần thứ 1 năm 2017, Hội đồng đã tổ chức 2 cuộc đối thoại định kỳ vào cuối năm 2017 và 2018, với sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cộng đồng, hiệp hội DN là đại diện người sử dụng lao động và đại diện NLĐ trên cả nước. Ở cấp Trung ương, đối thoại năm 2017, 2018 đã có 250 ý kiến đến từ 51 cơ quan, đơn vị, tổ chức. Ở cấp địa phương, các địa phương từng bước hoàn thiện Hội đồng ATVSLĐ cấp tỉnh, 42 địa phương đã thành lập Hội đồng và tổ chức đối thoại. Qua đó giúp tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ thông tin giữa người sử dụng lao động, NLĐ, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ tại địa phương.

Quang cảnh phiên họp

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng mong rằng, sau đối thoại các bộ, ngành tích cực hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, NLĐ trong việc thực hiện ATVSLĐ.