Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đối thoại Thanh niên ASEAN về bình đẳng giới: Thanh niên là nhân tố thúc đẩy bình đẳng giới trong khu vực

Sự kiện khép lại chuỗi tập huấn 5 ngày “Thanh niên tiên phong vì bình đẳng giới” diễn ra từ ngày 6 đến 10 tháng 10 năm 2018 tại Hà Nội do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Trung tâm Tình nguyện quốc gia (VVC) thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS) phối hợp tổ chức, với sự hỗ trợ của Phái đoàn Canada tại ASEAN. Chương trình đào tạo sử dụng bộ công cụ “The Change Makers” của UN Women -  bộ công cụ dành riêng cho thanh niên nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tại sự kiện "Đối thoại Thanh niên ASEAN về bình đẳng giới”, gần 20 đại diện thanh niên từ các quốc gia ASEAN (2 đại diện từ mỗi nước) cùng hơn 100 thanh niên Viêt Nam và các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ các cơ quan, tổ chức hoạt động về bình đẳng giới trao đổi về những thách thức và giải pháp để đạt được Bình đẳng giới tại khu vực ASEAN vào năm 2030. Cuối chương trình, các bạn thanh niên đã đưa ra Bản tuyên bố chung của thanh niên ASEAN về Bình đẳng giới với mong muốn được ủng hộ từ ASEAN nói chung và các nước thành viên nói riêng.  
 

Bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women Việt Nam phát biểu: “Chúng tôi rất vui vì các bạn trẻ tham dự diễn đàn đã tự định vị mình là những nhà đổi mới sau khi tham dự khóa tập huấn The Change Makers. Tôi khuyến khích tinh thần ấy sẽ không dừng lại sau ngày hôm nay, mà đi theo các em trong suốt hành trình cuộc đời. Đây sẽ là cảm hứng cho các em tiếp tục hành động với các bạn trẻ đồng trang lứa lại cộng đồng của các em, dù ở nông thôn hay thành thị, để khuyến nghị những biện pháp an toàn tại trường học, đưa bình đẳng giới vào chương trình vận động học đường và phát triển bền vững, cũng như tham dự những nghiên cứu chuyên sâu về phụ nữ và bình đẳng giới.”
 
Ông Đôn Tuấn Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Bền vững (CSDS) cho biết: “Chúng tôi tin tưởng rằng giới trẻ là lực lượng tiên phong, sáng tạo, đầy nhiệt huyết nên khi được kết nối với nhau, các bạn có khả năng học hỏi nhanh, truyền cảm hứng cho nhau và cho cộng đồng vì mục tiêu chung."
 
Bà Đỗ Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia nhấn mạnh: “Chúng tôi rất vui vì trong các nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), vài trò của những tình nguyện viên, đặc biệt là thanh niên tình nguyện luôn xung kích, tiên phong rất quan trọng. Và thật ý nghĩa khi các bạn trẻ đại diện cho 10 nước ASEAN đã có mặt tại Việt Nam, cùng nhau tạo ra các sáng kiến mới để góp phần thúc đẩy đạt được mục tiêu bình đẳng giới tại khu vực”.
 
 
Mohd Faizul Ilham Ibrahim, một trong hai đại diện thanh niên từ Brunei chia sẻ: “Đây là một trong những tập huấn toàn diện nhất mà tôi từng tham dự, ngoài lý thuyết, chúng tôi có cơ hội thực hành và có những trải nghiệm thực tế, cung cấp cho chúng tôi sự hiểu biết toàn diện về các vấn đề giới, những thách thức cản trở bình đẳng giới và nguồn gốc bạo lực giới. Khi trở về Brunei, tôi sẽ dùng kiến thức từ đã có được từ khóa tập huấn này để tăng cường hơn nữa nhận thức và hành động của mọi người về vấn đề này”. 

Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ từ lâu đã nêu bật sự tham gia của giới trẻ như một yếu tố tạo ra thay đổi xã hội về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở cả cấp khu vực và quốc gia. Khóa tập huấn nhằm mục đích đảm bảo thanh thiếu niên ASEAN được trang bị đầy đủ kiến thức về giới và bạo lực giới, từ đó có thể tự tin sử dụng để thực hiện các sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới và loại bỏ bạo lực giới trong cộng đồng của họ. 
 
Chương trình cũng tài trợ một phần kinh phí nhỏ để hỗ trợ thanh niên triển khai các sáng kiến trong cộng đồng địa phương với mục đích mở rộng tác động của dự án và truyền cảm hứng cho các hành động xóa bỏ rào cản đối với bình đẳng giới. Sau chương trình, ít nhất 12 dự án sẽ được thực hiện bởi thanh niên trong cộng đồng các nước ASEAN với sự hỗ trợ về cả tài chính và kĩ thuật từ chương trình nhằm giải quyết thách thức này. 
 
Sự kiện cũng là nền tảng cho việc xây dựng và duy trì mạng lưới các nhà đổi mới - các nhà hoạt động thanh niên vì bình đẳng giới trong khu vực ASEAN, đồng thời khởi động cho một chiến dịch truyền thông rộng khắp trong khu vực nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và thu hút sự tham gia của giới trẻ trong việc giải quyết vấn đề. 

Vân Nhi/ GĐTE