Theo báo cáo tại hội nghị, trong thời gian qua, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định. Năm 2014, cả nước có 106 ngàn người đi làm việc ở nước ngoài, vượt 22,8% so với kế hoạch được giao và 6 tháng đầu năm 2015, đã đưa được trên 56 ngàn người, bằng 102% so với cùng kỳ 2014 và đạt 59% so với kế hoạch năm. Cùng với tăng trưởng về số lượng, thị trường tiếp nhận lao động cũng không ngừng được củng cố và phát triển, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Đài Loan, Nhật Bản. Các thị trường khác cũng đã được khai thác để tăng số lượng người lao động Việt Nam sang làm việc: Ả rập Xê út (năm 2014: 4 ngàn người, 6 tháng/2015: 2 ngàn người); Algeria (2014: 547 người; 6 tháng/2015: 381 người). Cùng với kết quả tăng lên của công tác xuất khẩu lao động, có thêm nhiều doanh nghiệp mới đề nghị cấp giấy phép hoạt động XKLĐ. Trong năm 2014, số lượng doanh nghiệp được cấp giấy phép là 26 và con số này tính đến hết tháng 6/2015 là 25 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp được cấp phép lên 228. Tuy nhiên, cùng với việc tăng trưởng về số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vẫn tồn tại những vấn đề phát sinh trong lĩnh vực này.
Toàn cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tìm kiếm và khai thác các hợp đồng cung ứng lao động đi làm việc ở nước ngoài; trong công tác tuyển chọn, đào tạo lao động để đưa đi làm việc ở nước ngoài cũng như công tác quản lý lao động do doanh nghiệp đưa đi trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nêu những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải và đề xuất những kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước (Bộ LĐ-TB&XH và Cục Quản lý lao động ngoài nước) để hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đối thoại với doanh nghiệp để xuất khẩu lao động hiệu quả hơn
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định vai trò quan trọng của công tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong chiến dịch tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động, và xóa đói, giảm nghèo của cả nước. Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng như đội ngũ các doanh nghiệp trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước một số vấn đề còn tồn tại, Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước và các doanh nghiệp thực hiện quyết liệt các công việc để khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực. Đặc biệt, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước rà soát và chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiêp và có biện pháp đối với những doanh nghiệp không đủ năng lực. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền, công tác tuyển chọn, đào tạo, và công tác quản lý, bảo vệ lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài cũng rất được Bộ trưởng quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm trong thời gian tới.