Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng sự hợp tác hiệu quả giữa người sử dụng lao động, người lao động và các chính phủ là cách tốt nhất để thực hiện các biện pháp An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (ATSKNN) nhằm đảm bảo sinh mạng trong cuộc khủng hoảng hiện tại cũng như các cuộc khủng hoảng sau này.
Báo cáo chỉ ra rằng, bài học rút ra từ những kết quả đạt được trong việc xử lý tình hình đại dịch phức tạp có thể giúp ngăn ngừa hàng triệu ca tử vong do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và cho thấy vai trò của đối thoại xã hội trong việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các biện pháp ứng phó trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo báo cáo Tăng cường đối thoại xã hội hướng tới văn hóa an toàn và sức khỏe, trong thời kỳ đại dịch, những chính phủ ưu tiên sự tham gia chủ động của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác quản lý ATSKNN đã có thể xây dựng và thực hiện các luật, chính sách và biện pháp can thiệp khẩn cấp.
Sự hợp tác giữa các bên trong thế giới việc làm là rất cần thiết để đảm bảo rằng các biện pháp đưa ra được người sử dụng lao động và người sử dụng lao động đồng tình và ủng hộ - và như thế, nhiều khả năng các biện pháp đó sẽ được triển khai hiệu quả hơn trong thực tế.
Ở nhiều quốc gia, sự hợp tác này dẫn tới việc thông qua các yêu cầu pháp lý thuộc các lĩnh vực khác nhau, từ các biện pháp ngăn ngừa và xử lý các trường hợp nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc đến việc tổ chức làm việc từ xa.
Ví dụ như, ở Áo, các đối tác xã hội (tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động) đã thương lượng và đạt được một thỏa thuận về công tác kiểm tra mang tính hệ thống tại nơi làm việc trong các lĩnh vực đặc biệt có nguy cơ cao bị lây nhiễm virus, chẳng hạn như lĩnh vực bán lẻ. Tại Singapore, những thay đổi trong quy định về tiêm chủng đã được áp dụng sau khi tham khảo ý kiến và thảo luận với các đối tác ba bên. Tại Nam Phi, các cuộc thảo luận ba bên (Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động) đã được tổ chức để sửa đổi các biện pháp giải quyết tình trạng lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc.
Đối thoại ba bên giữa các chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động ở cấp quốc gia đôi khi được tiếp tục tham vấn thêm ở cấp khu vực hoặc cấp ngành để có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể.
Ví dụ như ở Phần Lan, công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ để xây dựng các biện pháp cho lĩnh vực du lịch và nhà hàng. Ở Ý, các đối tác xã hội trong lĩnh vực ngân hàng đã thiết lập các nội quy cụ thể về làm việc từ xa, trong đó nêu rõ quyền riêng tư và quyền ngắt kết nối.
Các cơ quan quốc gia ba bên về ATSKNN cũng đã và đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch. Các cơ quan này thường gồm đại diện của chính phủ (Bộ Lao động, các bộ ngành và cơ quan liên quan khác), cũng như các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động và người lao động. Ở nhiều quốc gia, tham gia các cơ quan ba bên còn đại diện của các tổ chức khác như các hiệp hội ATSKNN và các tổ chức học thuật theo cơ chế thường trực hoặc đột xuất.
Trong cuộc khủng hoảng COVID-19, nhiều cơ quan ba bên về ATSKNN ở các quốc gia đã tham gia vào quá trình ra quyết định ở cấp quốc gia; họ cũng tham gia quyết định các biện pháp phong tỏa và hạn chế để kiểm soát dịch bệnh, chiến lược quay trở lại làm việc và các chỉ dẫn hoặc hướng dẫn khác để giảm thiểu tác động của COVID-19.
Tại Guatemala, Ủy ban Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp đã chủ động tổ chức họp trực tuyến trong những tháng đầu năm 2020 để đề xuất các cơ chế về ATSKNN và giảm thiểu hậu quả của COVID-19 tại nơi làm việc. Tại Philippines, các cấu trúc ba bên quốc gia về ATSKNN (Ủy ban Điều hành Ba bên và Hội đồng Công nghiệp Ba bên Quốc gia) đã tham gia thiết kế và thực hiện các hướng dẫn để đảm bảo chất lượng thông gió tại nơi làm việc và giao thông công cộng nhằm phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm COVID-19.
Tổng Giám đốc ILO, ông Guy Ryder, cho biết: “Khi thế giới tiếp tục phải đối mặt với những tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 và quá trình phục hồi không đồng đều, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các biện pháp ứng phó của các quốc gia. Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng này về tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc tăng cường an toàn và sức khỏe ở cấp quốc gia và nơi làm việc cần được áp dụng trong những lĩnh vực khác. Làm như vậy sẽ giúp giảm số ca bệnh tật và tử vong liên quan tới nghề nghiệp hàng năm – hiện đang ở mức quá cao”.