Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đòn hội đồng

 
 
Ảnh minh họa.
 
1. Gần đây, có nhiều thông tin nóng hổi về một vụ việc xảy ra cách đây vài tháng, sự việc thì cũ nhưng cơn sốt nóng thì được hâm lại. Vụ việc xảy ra ở Hà Nội, do nói tục trong giờ học, một học sinh nữ lớp 10A3 (Trường THPT Cao Bá Quát – Gia Lâm) bị cô giáo phạt bằng việc cho hai học sinh nam thay nhau tát vào mồm, như để xử phạt “tội nói tục”. Bị những cái tát sỉ nhục giữa lớp, cháu M. (tên nữ sinh) đã khóc lóc rất nhiều. Cháu không dám đến trường vì sợ cô giáo và xấu hổ với bạn bè, cháu đòi gia đình xin chuyển trường. Gia đình làm đơn gửi nhà trường, đã có những hình thức kỉ luật với cô giáo dạy Hóa, nhưng tâm lý của cháu bị ảnh hưởng nặng nề, gia đình và bạn bè chung nỗi lo sợ cháu sẽ làm điều dại dột ở tuổi nhiều bồng bột. 
 
Ngược dòng thời gian, những xử phạt bằng những cái tát tay của cô giáo với học trò không hiếm. Chỉ vì quên cuốn sổ theo dõi thi đua của lớp, mà một học sinh ở Thái Bình đã bị cô giáo chủ nhiệm trừng phạt bằng cách cho 32 bạn học cùng lớp tát vào mặt để “không quên”. Năm ngoái, vì bị cô giáo tát sỉ nhục trong giờ học, mà một nữ sinh tại Trường THCS Trần Quốc Toản (Nha Trang - Khánh Hòa) có ý định quyên sinh... 
 
Hành hạ trẻ em như một chứng xấu xuất hiện ngày càng nhiều, và một điều dễ thấy, thường xảy ra ở những đô thị, vùng cư dân phát triển cao về đời sống, phương tiện vật chất. Những đòn hành hạ trẻ em diễn ra công khai, làm nhục các em giữa đám đông, kiểu như những trận đòn hội đồng. Một phần bị tổn thương về thân thể, các em bị đòn hành hạ thường dẫn đến những tổn thương tâm lý nặng nề. Hành hạ không chỉ có bạo lực, mà còn là chửi bới, nhiếc móc, làm nhục, khiến nạn nhân trầm uất hoặc có những ý định tự tử. Bạo hành chân tay đôi khi mang tính bột phát, còn hành hạ mang nhiều toan tính, vô cảm và cay độc. 
 
 
Xử phạt bằng những cái tát tay của cô giáo với học trò gây bức xúc trong cộng đồng.  Ảnh: KT
 
2. Tôi hay đi miền núi, nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số vẫn giữ nếp chiều chuộng trẻ, con trẻ được ưu tiên đặc biệt từ bữa ăn hàng ngày. Nồi cơm độn sắn, khoai nhưng bát cơm dành trẻ con bao giờ cũng nhiều phần cơm gạo; thịt con gà, con lợn, miếng ngon để đĩa người lớn không bao giờ gắp. Hồi học phổ thông trường làng, thầy giáo tôi cực kì nghiêm khắc với thói xấu, thói hư. Với những học trò cá biệt hay chưa ngoan, thầy thường đến tận nhà, cùng cha mẹ bảo ban, hoặc thầy mời đến nhà trò chuyện, dành thời gian bảo ban riêng từng học trò. 
 
Những câu chuyện về bạo lực, hành hạ trẻ em như đang có xu hướng đậm đặc hơn ở vùng đô thị hóa, và đa số được thực hiện bởi chính những người thân gần hàng ngày với trẻ (cha mẹ, thầy cô, bạn bè, hàng xóm...). Có rất nhiều lo ngại về khoảng cách lạnh lẽo của người lớn với con trẻ hiện nay. Cha mẹ hình như phôi phai những bữa cơm gia đình ấm cúng, những tâm tình bên con cái; thầy cô ít gần gũi hơn với học trò cả trong giờ học lẫn ngoài giờ học. Khoảng cách đẩy lùi xa bằng những quan hệ sòng phẳng dạy và học. Bạo lực học đường như còn ở xa tầm nhìn đến của thầy cô, nhưng những xử phạt kiểu hành hạ tức thì thì dễ dàng được hành xử. Trẻ em cô đơn từ gia đình đến nhà trường. Chúng ta vẫn sống theo thói quen nghiêm khắc với con trẻ, lo sợ lối sống băng đảng a dua của chúng, nhưng bằng cách hành xử kiểu "những cái tát" trừng phạt kia, đã vô tình đẩy trẻ em vào vòng xoáy của "sỉ nhục hội đồng". Vậy đến bao giờ người lớn mới hành động cho đúng với lương tâm và trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ, để bớt đi những thương tổn không đáng có trong những tâm hồn còn non nớt, nhạy cảm? 

Hồng Lĩnh/Tạp chí Gia đình và Trẻ em