92,6% lao động xuất khẩu làm việc khu vực Đông Bắc Á
Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, số lao động đi làm việc tại khu vực Đông Bắc Á trong năm 2016 là 116.948 người, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng số đưa đi. Trong đó, lao động đi làm việc tại Đài Loan là 68.244 người, chiếm 58,35% số lao động đưa đi trong khu vực này và 54,03% so với tổng số lao động đưa đi các thị trường, tăng 1,7% so với năm 2015. Bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận 5.687 người. Riêng tháng 12/2016, Đài Loan tiếp nhận 9.585 người, tăng 76,45% so với tháng 11. Lao động đưa đi Nhật Bản là 39.938 người, tăng 47,86% so với số lao động đưa đi năm 2015, bình quân 3.328 người/tháng. Trong tháng 12/2016, con số này là 6.345 người.
Đây là con số cung ứng lao động sang thực tập sinh tại Nhật cao nhất trong các năm qua. Và số thực tập sinh cung ứng trong tháng 12/2016 cũng là con số cung ứng đạt mức kỷ lục của một tháng. Bên cạnh đó, lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là 8.442 người, bình quân mỗi tháng Hàn Quốc tiếp nhận 703 người, quy mô tiếp nhận lao động Việt Nam tăng 40,25% so với năm 2015.Đối với thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc, ngày 17/5/2016, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS (MOU). Bản MOU được ký lại sau gần 4 năm bị gián đoạn, mở ra cơ hội đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS cho nhiều lao động Việt Nam.
Tổng Giám đốc TTLC Hoàng Văn Hùng (ngoài cùng bên trái) nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
Có thể nói, Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động trọng điểm của Việt Nam. Thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động đạt 1.000 USD - 1.500 USD. Hiện Việt Nam có hơn 50.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Người lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Hàn Quốc ưa thích tuyển dụng vì sự cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn và nhiều điểm tương đồng về văn hóa, tính cách.
Theo đánh giá của Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, thị trường Nhật Bản vẫn tăng trưởng đều về số lượng do điều kiện làm việc bảo đảm, thu nhập khá cao. Hiện thị trường Nhật Bản còn mở thêm một số nghề như: Bảo dưỡng, dọn dẹp vệ sinh các tòa nhà cao ốc... Nhật Bản cũng đang xem xét sửa luật để nâng thời gian ở lại làm việc lên 5 năm thay vì 3 năm như hiện nay. Sang năm 2017, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc sẽ vẫn là 3 thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam.
Tiếp tục hướng đến thị trường tiềm năng
Năm 2017, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết tiếp tục hướng đến các thị trường trọng điểm là: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản và Hàn Quốc. Cục sẽ nghiên cứu đề xuất những điều kiện đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để bổ sung sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới; đồng thời tổ chức hậu kiểm với các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép để đảm bảo chỉ các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện mới tiếp tục được hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, một số địa phương cũng tăng cường quản lý tuyển dụng lao động đi xuất khẩu tại địa phương.
Là 1 trong 8 công ty vừa được Bộ LĐ-TB&XH trao bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2011 - 2016, bài học mà Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC) rút ra là phải luôn nâng cao khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của Công ty. Muốn vậy, TTLC xác định phải nâng cao chất lượng nguồn lao động trong các khâu.
TTLC nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua đào tạo để có nguồn lao động chất lượng tốt.
Về tuyển chọn, phải bám sát địa bàn, phối hợp tốt với chính quyền địa phương tuyển chọn chính xác theo yêu cầu của đối tác về: Độ tuổi, trình độ học vấn, trình độ tay nghề, giới tính...
Về đào tạo, phải luôn tìm cách nâng cao chất lượng nghề và ngoại ngữ cho người lao động và điều này đã được đối tác ghi nhận khi tiếp nhận người lao động do TTLC đưa đi. Trong quá trình đào tạo, Công ty luôn chú trọng việc Giáo dục định hướng để người lao động hiểu về văn hóa, đất nước, con người nơi người lao động đến làm việc, đặc biệt việc thực hiện theo đúng quy định pháp luật của nước sở tại. Để nâng cao chất lượng phục vụ, TTLC đã đào tạo nghề và tiếng miễn phí trước khi người lao động tham gia thi tuyển; có xe đưa đón người lao động tham gia thi tuyển, đưa đón khi người lao động xuất cảnh.
Cùng với đó, việc quan tâm tới người lao động khi làm việc tại nước ngoài qua cán bộ đại diện tại nước sở tại sẽ giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh; ở trong nước, luôn thăm hỏi động viên gia đình lao động. Khi người lao động hoàn thành hợp đồng về nước, Công ty luôn tạo điều kiện để người lao động được tiếp tục đi làm việc tại nước ngoài nếu có nhu cầu hoặc tư vấn hướng nghiệp cho người lao động một cách cụ thể, bố trí công việc khi người lao động đạt trình độ phù hợp với các đơn vị mà Công ty hợp tác.
Lãnh đạo Công ty TTLC khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy là một doanh nghiệp có uy tín và thương hiệu ở cả trong và ngoài nước. Công ty có nhiều kinh nghiệm đưa lao động đi làm việc tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau như: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Australia, Thụy Điển, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia, Trung Đông, Macau (Trung Quốc), Đông Âu - Cộng hòa Czech, Slovakia, Israel, Nga... Những năm qua, thực tế khai thác thị trường của Công ty TTLC ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khá đa dạng, từ y tá, khán hộ công đến các nghề: Cơ khí, hàn, mộc, xây dựng, may, công nhân nhà máy và các lao động làm trong lĩnh vực khách sạn, du lịch, giúp việc gia đình…
Số liệu của TTLC cho thấy, trong 3 năm từ 2014 - 2016, trong tổng số 5.400 lao động được Công ty đưa đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu vẫn là thị trường Đông Bắc Á với 5.111 người, chiếm 94,64 %, gồm: Nhật Bản, Đài Loan (công xưởng, hộ lý, khán hộ công gia đình, thuyền viên gần bờ - xa bờ), Hàn Quốc (thuyền viên gần bờ, xa bờ).
Trong đó, một số thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản; công việc thuyền viên gần bờ, xa bờ có kinh nghiệm tại Hàn Quốc; Đài Loan, người lao động được công ty TTLC đưa đi đều được phía chủ sử dụng nước ngoài đánh giá cao về năng lực tiếp thu, thông minh và nhanh nhẹn, có chuyên môn tốt.
Muốn nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu lao động Việt Nam tại thị trường Đông Bắc Á, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước về phát triển các thị trường trọng điểm, điều quan trọng là sự chủ động, tập trung đầu tư bài bản của doanh nghiệp nhằm cải thiện tốt hơn chất lượng lao động, nâng cao tính tuân thủ nghiêm túc về ý thức chấp hành việc trở về nước khi hết hạn hợp đồng của người lao động.