Giá tăng vẫn khan hàng
Bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Cty Hồng Thúy - đơn vị nhập khẩu và phân phối vắc xin tại miền Bắc cho biết, thời gian tới một số loại vắc xin dịch vụ được điều chỉnh tăng giá từ 2-7%, gồm: Pentaxim (vắc xin 5 trong 1); Typhim Vi (phòng thương hàn), Pneumo (phòng viêm màng não mủ), Meningo A+C (ngừa viêm não mô cầu).
Hiện Cty đang đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh giá huyết thanh kháng dại Favirab thêm khoảng 8%. Bà Thúy giải thích, mấy chục năm qua hãng phân phối vắc xin của nước ngoài hỗ trợ giá cho Việt Nam với mức hỗ trợ 10%, trừ vào giá vắc xin, đến nay họ không hỗ trợ nữa, vì thế Cty đề nghị tăng giá vắc xin dịch vụ và Bộ Y tế đã đồng ý. Ông Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc Cty vắc xin và Sinh phẩm số 1 xác nhận: “Cty Hồng Thúy đã gửi văn bản thông báo sẽ tăng giá một số loại vắc xin dịch vụ. Hiện chúng tôi vẫn giữ nguyên giá đối với loại vắc xin này, nhưng nếu lô hàng tới đây Cty Hồng Thúy tăng giá thì chúng tôi cũng phải tăng giá theo”.
Tại cơ sở tiêm chủng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, hiện rất nhiều trong số hơn 20 loại vắc xin mà cơ sở này niêm yết giá đều đang hết hàng, trong đó nóng nhất là vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 dịch vụ. Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Trung tâm đã hết vắc xin 5 trong 1 từ hơn một tháng trước, còn loại 6 trong 1 thì từ đầu năm 2015 chưa nhận được liều nào.
Vắc xin 5 trong 1 Pentaxcin sẽ tăng giá mạnh trong thời gian tới.
Tuy vắc xin hết sạch, nhưng vắc xin 5 trong 1 dịch vụ lại là một trong những loại vắc xin có điều chỉnh tăng giá nhiều nhất trong số các vắc xin tăng giá đợt này: Từ giá bán buôn 485.000 đồng/mũi lên 629.000 đồng/mũi. Bên cạnh đó, các vắc xin ngừa viêm màng não mủ, huyết thanh kháng dại cho người, vắc xin phòng thương hàn, thủy đậu... cũng lên giá, chủ yếu ở mức 5 - 10%. Do giá vắc xin thay đổi, các cơ sở tiêm chủng đã điều chỉnh giá tiêm mới, từ 630.000 đồng/mũi vắc xin 5 trong 1 dịch vụ lên 710.000 đồng. Thậm chí mới đây Sở Y tế Hà Nội còn phát hiện một y tá ở quận Ba Đình rao giá tiêm một liều vắc xin 5 trong 1 dịch vụ lên tới 4 triệu đồng, gấp gần 7 lần so với giá tiêm thông thường ở cơ sở tiêm chủng...
Dân có nên ngồi chờ vắc xin dịch vụ?
Trước thực trạng nhiều người dân tiếp tục dừng tiêm vắc xin cho con để chờ vắc xin dịch vụ bằng mọi giá, ông Nguyễn Nhật Cảm khuyến cáo, trong lúc vắc xin dịch vụ vẫn còn khan hiếm, các bậc phụ huynh không nên tiếp tục chờ đợi bởi sẽ làm mất cơ hội phòng bệnh của trẻ. Thực tế, tỉ lệ tai biến sau tiêm vắc xin Quivaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn ở ngưỡng an toàn, từ 2-4 phần triệu, do vậy các phụ huynh không nên quá lo lắng.
Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng khuyến cáo người dân không nên chờ vắc xin dịch vụ trong khi vắc xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn có sẵn, để không bỏ lỡ lịch tiêm chủng của trẻ em.
Theo tiến sỹ Anh, trẻ đã được tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 vắc xin dịch vụ, hoàn toàn có thể chuyển sang vắc xin tiêm chủng mở rộng; chỉ có điều phụ huynh khi đưa trẻ đi tiêm phải cung cấp đầy đủ thông tin về sức khỏe của con mình và theo dõi con chặt chẽ sau khi tiêm, nếu trẻ bị sốt cao, phát ban, thở khó cần đưa ngay đến cơ sở y tế. “Thành phần và các kháng nguyên của vắc xin dịch vụ hiện nay giống với vắc xin Quivaxem đang được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Do vậy, trẻ có thể được tiêm các vắc xin khác nhau mà không ảnh hưởng đến tính an toàn”, ông Anh cho biết.
Dự kiến tháng 10 tới, Công ty Hồng Thúy sẽ nhập được hơn 10.000 liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và đến hết năm, sẽ nhập thêm được 40.000 liều vắc xin nữa, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu. Trong bối cảnh tỷ giá USD tăng, rất có thể nhiều loại vắc xin dịch vụ nhập khẩu sẽ còn tăng giá hơn nữa trong thời gian tới.