Lễ khởi công tổ hợp sản xuất ô tô đầu tiên ở Việt Nam.
Xuất hiện nhiều tỷ phú USD
Kết thúc năm tài chính năm 2018, tạp chí Forbes (Mỹ) đã công bố và cập nhật danh sách tỷ phú thế giới năm 2019. Với việc có thêm 2 đại diện, năm nay Việt Nam đã có 5 tỷ phú USD, gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh. Người giàu nhất Việt Nam trong danh sách của Forbes hiện là tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, ông Vượng có tên trong danh sách này, với tài sản 6,6 tỷ USD, đứng thứ 239 thế giới, tăng 2,3 tỷ USD so với năm ngoái.
Trước đây, ông Phạm Nhật Vượng được xem là tỷ phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ 7/3/2011 với giá trị tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD tại thời điểm đó. Sau hai năm, ông được vinh danh lần đầu là tỷ phú USD của Việt Nam trên bảng xếp hạng Forbes, đứng ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ USD.
Ông Phạm Nhật Vượng đã quá quen thuộc là người tạo lập các dự án bất động sản đình đám và là người đã xây dựng một hệ sinh thái cho cộng đồng người mua sản phẩm Vingroup. Tuy nhiên, năm 2018 mới là cuộc chơi thực sự lớn của ông Vượng. Tuyên bố vào đầu năm ra mắt xe hơi Việt Nam thì đến cuối quý III/2018, người Việt đã mãn nhãn với màn ra mắt xe thương hiệu VinFast tại Paris (Pháp). Ngay sau đó, liên tiếp một loạt sản phẩm mang tính công nghệ gồm xe máy điện VinFast Klara và một loạt mẫu điện thoại Vsmart ra mắt.Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là người giàu thứ 2 theo danh sách này. Đây là lần thứ 3 bà Thảo được Forbes xướng tên trong top tỷ phú thế giới với tài sản 2,3 tỷ USD, đứng vị trí 1.008 trên bảng xếp hạng. Bà đứng thứ 44 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Bà Thảo có ý tưởng ra mắt hãng hàng không giá rẻ khi đang là một thương nhân. Hãng hàng không VietJet Air (VJC) được bà giới thiệu năm 2011 và hiện đã khai thác hơn 40% các chuyến bay của quốc gia. Bà Thảo cũng đầu tư vào vào ngân hàng HDBank và các bất động sản. Năm 2018, Tập đoàn Sovico của bà Thảo tuyên bố bắt tay thăm dò dầu khí với Cty lọc dầu Đài Loan là CPC Corp. Tài sản công khai của bà Thảo gồm 7,3% vốn VJC và 100% vốn Cty Hướng Dương Sunny (đơn vị sở hữu 23,8% vốn VJC). Tổng sở hữu của bà Thảo trên 31% vốn VJC, tương đương hơn 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, bà Thảo còn sở hữu cổ phần tại HDBank, Sovico Holdings...
Đứng ở vị trí thứ 3 là ông Trần Bá Dương. Ông Dương được đưa vào danh sách của Forbes từ năm 2018, hiện sở hữu 1,7 tỷ USD, xếp thứ 1.349 thế giới. Cty Ôtô Trường Hải (Thaco) do ông Dương thành lập ban đầu chỉ bán xe, sau đó dần lắp ráp cho các thương hiệu nước ngoài, như Kia, Mazda và Peugeot và sản xuất xe bus, xe tải thương hiệu Việt.
Hai nhân vật mới trong danh sách tỷ phú USD của Việt Nam là ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Masan và ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank. Bộ đôi này được biết đến là các doanh nhân Đông Âu thành công trong ngành tương ớt, mỳ gói, trước khi đưa công ty trở về Việt Nam và tạo dựng đế chế với Masan và Techcombank.
Theo danh sách, ông Hồ Hùng Anh có tài sản 1,7 tỷ USD, đứng thứ 1.349. Ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.717.
5 tỷ phú USD của Việt Nam năm nay.
Đặt niềm tin vào doanh nghiệp tư nhân
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc Việt Nam có 5 tỷ phú USD nằm trong danh sách của Forbes cho thấy, người Việt không quá thua kém người nước ngoài. Đáng lưu ý, với mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 10 năm trở lại đây, năm 2018 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, cuộc cách mạng về thủ tục, sự quyết liệt trong cải cách môi trường đầu tư, khát vọng về một cộng đồng doanh nghiệp Việt đủ sức ra biển lớn là động lực cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, các DN lớn tiếp tục mở rộng quy mô, nâng tầm vị thế.
Theo TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), với việc Việt Nam có 5 tỷ phú được ghi nhận là điều đáng mừng không chỉ cho cá nhân được ghi nhận, mà còn cho cả đất nước. Điều này thể hiện kinh tế Việt Nam những năm qua tăng trưởng tốt và bền vững nên kinh doanh phát triển. “Thêm tỷ phú tức là việc làm ăn của doanh nghiệp phát triển hơn. Các doanh nghiệp này không chỉ đóng góp thuế vào ngân sách mà còn lan tỏa giá trị, hoạt động kinh doanh sang các doanh nghiệp đối tác, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người. Đồng thời việc chúng ta có thêm tỷ phú cũng lan tỏa động lực khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng tới toàn xã hội, đặc biệt những người trẻ”, ông Đào nói.
Theo ông Đào, để có thêm nhiều tỷ phú của Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới, Nhà nước cần tiếp tục có cơ chế khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thông thoáng, bình đẳng. “Nhiệm kỳ này Chính phủ đẩy phát triển kinh tế tư nhân là đặt vấn đề đã rất đúng và trúng, nhưng khi triển khai cần có sự quyết tâm. Trong đó, việc đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước rất cần tiếp tục triển khai. Nếu vẫn để xảy ra tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, các bộ, ngành vẫn có những “ưu ái” cho các doanh nghiệp “sân sau” của ngành mình thì sẽ rất khó để cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông Đào nhấn mạnh.
Đánh giá về những siêu người giàu của Việt Nam, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Xã hội luôn cần đến tầng lớp người giàu để làm đầu tàu thúc đẩy xã hội đi lên. Do đó, xã hội nên cổ vũ con đường làm giàu chính đáng của những người này, vì sau khi tích lũy tài sản họ sẽ đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển, thịnh vượng của quốc gia. Tuy nhiên, việc làm giàu cần phải chính đáng, đúng pháp luật. Chính sách cũng cần đảm bảo công bằng xã hội, ủng hộ người giàu nhưng cũng phải ưu đãi và hỗ trợ người nghèo.
Theo TS Đặng Đình Đào, các tỷ phú thế giới thường trích một phần tài sản làm từ thiện, chia sẻ với cộng đồng, nhưng việc này ở Việt Nam vẫn chưa mạnh lắm. Do đó, ông Đào kỳ vọng các tỷ phú Việt Nam chia sẻ nhiều hơn với xã hội.