Đồng Nai đang triển khai chi hỗ trợ trước cho những trường hợp là lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Quyết định 2379/QĐ-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 5/8, Sở đã thực hiện rà soát trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ cho trên 27 ngàn lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 với số tiền gần 41 tỷ đồng.
Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phế duyệt cho gần 17 ngàn người với số tiền hỗ trợ trên 25 tỷ đồng. Theo đó, tính đến sáng 6/8, đã có trên 1.200 lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm chi hỗ trợ với số tiền gần 1,9 tỷ đồng.
Các địa phương đã chi hỗ trợ kịp thời cho người lao động, đồng thời tiếp tục rà soát các đối tượng để trình đề nghị hỗ trợ.
Theo ghi nhận của PV, tại UBND phường Quang Vinh (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã có trên 60 người dân làm các nghề bán buôn nhỏ, làm thuê, giúp việc nhà, chạy xe ôm, bán vé số… trên địa bàn (khu phố 1, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa) được nhận hỗ trợ mức 1,5 triệu đồng/người.
Bà Nguyễn Thị Thuận (ngụ ở 109/30/11 khu phố 1, phường Quang Vinh, TP Biên Hòa) sau khi nhận được 1,5 triệu đồng phấn khởi cho biết: "Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra tôi không đi bán bánh mì được. Ở nhà không làm gì nên rất túng thiếu, khó khăn chồng chất khó khăn. Được sự quan tâm của Nhà nước, những người lao động tự do như chúng tôi rất vui mừng. Cán bộ phường Quang Vinh đã thực hiện thủ tục để chúng tôi được nhận tiền hỗ trợ nhanh gọn. Số tiền này sẽ giúp cho gia đình tôi xoay trở phần nào trong thời gian sắp tới".
Ông Lê Thanh Hải - Trưởng khu phố 1 (phường Quang Vinh, TP Biên Hòa) cho biết, đây là đợt đầu tiên người lao động tự do cư ngụ trên địa bàn được nhận khoản tiền hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó có cả những người không có hộ khẩu trên địa bàn vẫn được đưa vào danh sách để xét duyệt hỗ trợ.
"Từ khi khu phố chúng tôi triển khai rà soát và lên danh sách, đến khi người dân được nhận tiền diễn ra trong vòng một tuần. Chúng tôi phải thực hiện rà soát nhanh nhiều người dân trong điều kiện bị cách ly, hướng dẫn họ khai báo chính xác thông tin, tuân thủ 5K nghiêm ngặt…" ông Hải nói.
Cũng theo ông Lê Thanh Hải, hiện còn khoảng gần 200 người lao động tự do trên địa bàn khu phố đang được tiếp tục lên danh sách trình TP Biên Hòa xét duyệt. Khó khăn nhất trong quá trình lên danh sách là người dân đang ở trong vùng cách ly. Nhiều người không nắm rõ thủ tục nên khai sai hồ sơ về tên tuổi, địa chỉ, số CMND, số điện thoại…
Còn tại phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), theo Chủ tịch UBND phường Đoàn Đình Thư, những ngày qua phường đã tiến hành rà soát nhóm lao động tự do gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh và bước đầu ghi nhận được 203 hồ sơ đủ điều kiện. Công tác rà soát và lập danh sách đối tượng được hỗ trợ vẫn đang triển khai. Song song đó, địa phương cũng tăng cường phổ biến chính sách này để người dân có đủ điều kiện biết tham gia, không bỏ sót đối tượng.
Phường Long Bình là phường đông dân thứ hai của TP.Biên Hòa với phần lớn người dân đến từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đến làm ăn, sinh sống. Theo Phó chủ tịch UBND phường Long Bình Trần Văn Thắng, khó khăn trong công tác rà soát đối tượng hiện nay là do nhiều khu phố đang bị phong tỏa. Thêm vào đó, nhiều lao động thuộc diện đủ điều kiện nhận hỗ trợ đã tạm rời địa phương về quê tránh dịch. Vì vậy, tính đến ngày 5/8 phường mới chuyển lên thành phố được 169 hồ sơ, còn khoảng 300 hồ sơ khác đang được hoàn thiện. Sắp tới khi được dỡ bỏ phong tỏa, phường sẽ khẩn trương rà soát để bảo đảm không ai bị bỏ sót..
Được biết, để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai đang đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó Sở đang đẩy nhanh tiến độ cập nhật danh sách, trình UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt để hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Dự kiến, toàn tỉnh sẽ có khoảng 30.00 lao động tự do được nhận hỗ trợ với số tiền khoảng 45 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH cũng đang làm thủ tục hỗ trợ người lao động (NLĐ) tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 8 đơn vị với 419 NLĐ có số tiền gần 1,6 tỷ đồng. Hỗ trợ NLĐ ngừng việc tại 2 đơn vị với 451 người có số tiền là gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có các chính sách hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hơn 10 ngàn đơn vị với gần 755 ngàn NLĐ đã được bảo hiểm xã hội giảm mức 0% và số tiền tương ứng trên 130 tỷ đồng. Hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 3 đơn vị và 239 người lao động với số tiền trên 930 triệu đồng.
Nguồn kinh phí hỗ trợ người lao động được sử dụng từ ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 68/NQ-CP và các nguồn lực huy động khác. UBND tỉnh Đồng Nai giao UBND các huyện, thành phố trực thuộc chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp các đơn vị liên quan chi trả kịp thời, đúng đối tượng, kiểm tra, rà soát đảm bảo việc chi trả công khai, minh bạch, không để trùng lặp.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, theo Nghị quyết 68/NQ-CP, dự kiến tổng kinh phí tỉnh chi hỗ trợ cho 9 nhóm người được hỗ trợ (ngoài nhóm lao động tự do, còn có các nhóm đối tượng khác như: NLĐ trong các công ty, xí nghiệp bị mất việc, ngừng việc; hộ kinh doanh phải đóng cửa do dịch bệnh; NLĐ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi…) là 145 tỷ đồng, trong đó tính riêng nhóm lao động tự do dự kiến chi 45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, khoản chi dự kiến nêu trên có thể tăng hoặc giảm tùy theo số lượng đối tượng thuộc diện được nhận hỗ trợ nhiều hay ít. Các địa phương làm công tác rà soát, xác minh, hoàn thiện hồ sơ và lập danh sách chuyển về UBND tỉnh để xem xét. Hiện Sở LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan đang tích cực đẩy mạnh công tác rà soát, để sớm hoàn thiện hồ sơ các nhóm đối tượng thụ hưởng và nhanh chóng chi hỗ trợ cho người dân.
"Việc triển khai các chính sách hỗ trợ lần này theo hướng giảm tối đa thủ tục, thời gian, để giúp các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nhanh nhất với sự hỗ trợ của Nhà nước. Riêng với đối tượng lao động tự do, các địa phương lập danh sách hỗ trợ cho các lao động tự do đang có mặt trên địa bàn mình và chỉ cần người nhận hỗ trợ ký giấy cam kết không đồng thời nhận hỗ trợ ở nơi khác là được" - bà Hiền cho hay.
PHA LÊ
Bài tuyên truyền theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ