Chủ trì buổi làm việc với đoàn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Hồ Thanh Sơn, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy; Quản Minh Cường, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Cao Tiến Dũng, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và Thái Bảo, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh.
Báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn công tác của Trung ương, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, những năm qua kinh tế của Đồng Nai tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tính theo giá hiện hành đến năm 2021 đạt hơn 390.253 tỷ đồng (tương đương khoảng 16,8 tỷ USD) gấp 1,6 lần so với năm 2015.
Với kết quả đạt được của tỉnh, Đồng Nai được Bộ KH-ĐT đánh giá có đóng góp GRDP vào quy mô GDP quốc gia đứng thứ 4 cả nước (sau TP.HCM, TP.Hà Nội và tỉnh Bình Dương). Do vậy, tốc độ phát triển và quy mô nền kinh tế của Đồng Nai ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế của cả nước là rất lớn.
Báo cáo thêm với Chủ tịch nước và đoàn công tác, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, Đồng Nai cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư hạ tầng xã hội. Đồng Nai có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước nhưng Trung ương để lại số chi trên đầu người của tỉnh Đồng Nai thấp nhất so với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và các tỉnh có đóng góp ngân sách cho Trung ương. Do đó, mặc dù tỉnh muốn chăm lo nhiều hơn cho con người nhưng nguồn lực lại hạn chế, cụ thể như trường học thiếu nên các lớp học ở TP.Biên Hòa có sĩ số rất cao; nếu không sớm xây thêm trường thì một số phường ở Biên Hòa có khả năng phải học ca 3 trong thời gian tới. Ngoài ra, việc đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển và nhu cầu nên hệ thống giao thông ở Đồng Nai kém hơn các tỉnh lân cận.
Một khó khăn khác từ việc thiếu nguồn lực là tỉnh đề ra từ nay đến cuối năm 2025 chỉ đủ khả năng xây dựng 10 ngàn căn nhà ở xã hội, một con số khá khiêm tốn so với con số 1 triệu căn (trên cả nước) mà Thủ tướng đề nghị.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, thời gian tới, Đồng Nai quyết tâm thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ kiên quyết khắc phục những cái sai trong quá trình phát triển “nóng” vừa qua của tỉnh…
Để hỗ trợ cho tỉnh phát triển trong thời gian tới, lãnh đạo Đồng Nai kiến nghị nhiều vấn đề như: xây dựng dự án đường sắt kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành; điều chỉnh Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và sử dụng vốn đã bố trí khi triển khai bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đầu tư thêm tuyến giao thông kết nối với sân bay Long Thành.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã triển khai nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, sát dân, sát cơ sở, đổi mới phương thức lãnh đạo. "Đồng Nai là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2019 với 69/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Chất lượng dịch vụ y tế, giáo dục thuộc nhóm đầu cả nước. Dù tỉnh có nhiều dân nhập cư nhưng an ninh trật tự được đảm bảo", Chủ tịch nói.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn có những nguy cơ, thách thức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu như nhiều năm trước Đồng Nai là “ngôi sao sáng” trong phát triển thì nay cả nước đang có những “ngôi sao” khác nổi lên khiến vị thế của tỉnh bị thách thức. Dù có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhưng lại thiếu những đóng góp nổi bật, mang tính đột phá mở đường, như ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới; đô thị hóa chưa phải là động lực phát triển…
Từ những thách thức trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đồng Nai cần có một tầm nhìn mới, khát vọng mới trong điều kiện khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của đất nước hiện nay. Nếu không giải quyết các bất cập hiện nay, Đồng Nai sẽ tụt hậu trong tương lai gần.
Chủ tịch nước nhấn mạnh thời gian tới, Đồng Nai phấn đấu trở thành nơi có 3 cái đáng - “nơi đáng làm, nơi đáng sống, nơi đáng ở”. Nơi đáng làm có thể đem lại nhiều công việc thu nhập cao cho người dân. Nơi đáng sống là nơi người lao động được thụ hưởng các thiết chế văn hóa, giải trí, cân bằng giữa cuộc sống và công việc và nơi đáng ở là cần có các dự án nhà ở xã hội, giúp 1 triệu công nhân tiếp cận được nhà ở, ổn định cuộc sống và an cư lạc nghiệp.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu Đồng Nai phải tự thân và có sự lan tỏa đến các tỉnh khác, xứng tầm là địa phương trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ và quyền làm chủ của người dân; phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc để người dân hiểu và ủng hộ các chủ trương, dự án của tỉnh.
Đối với các kiến nghị của Đồng Nai, Chủ tịch nước giao Văn phòng Chủ tịch nước tổng hợp và phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ để tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh phát triển.