Hiện, Đồng Nai đã thành lập 32 khu công nghiệp, trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, Khu công nghiệp Công nghệ cao Long Thành đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục về đất đai để xây dựng hạ tầng. Bên cạnh đó, có nhiều khu công nghiệp đang tiến hành mở rộng như: Amata, Giang Điền, Hố Nai, Sông Mây, Ông Kèo, Định Quán…
Ngoài phát triển các khu công nghiệp, tỉnh Đồng Nai cũng có 15/27 cụm công nghiệp đã quy hoạch và có dự án đi vào hoạt động với khoảng 190 dự án. Diện tích đất đã cho thuê là 357 ha, bằng khoảng 38% tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê. Một số cụm công nghiệp cơ bản hoàn thành hạ tầng giao thông, các hạng mục môi trường và thu hút được nhiều dự án đầu tư là: Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh 33 dự án, Cụm công nghiệp Phú Thạnh - Vĩnh Thanh 32 dự án, Cụm công nghiệp Dốc 47 có 27 dự án, Cụm công nghiệp Hố Nai 3 có 24 dự án.v.v…
Mục tiêu của tỉnh Đồng Nai trong năm 2022 và những năm tới là vẫn là ưu tiên phát triển công nghiệp và tăng tỉ trọng ngành này trong cơ cấu kinh tế. Chính vì vậy, địa phương đang có nhiều dự án lớn của quốc gia, vùng, tỉnh về giao thông được gấp rút triển khai để sớm đưa vào khai thác nhằm tạo đột phá cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: cảng hàng không quốc tế Long Thành; cảng Phước An; các đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu… Vì thế, tỉnh trở thành khu vực được nhiều DN trong nước, FDI chú ý và muốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại dịch vụ, bất động sản, logistics, cảng, du lịch. Từ cuối năm 2021, Đồng Nai đã xây dựng các giải pháp để năm nay huy động được dòng vốn lớn vào các lĩnh vực, tăng kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu.
Hiện nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh Đồng Nai là trên 32,4 tỷ USD và vốn đầu tư trong nước hơn 300 nghìn tỷ đồng. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng 8 - 8,5% so với năm 2021 (tương đương trên 23,6 tỷ USD).