Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đông Nam Á đứng đầu thế giới về tỷ lệ ngộ độc thực phẩm

Trung bình mỗi năm tại Đông Nam Á có khoảng 150 triệu người mắc bệnh liên quan đến thực phẩm độc hại, trong đó có 50.000 ca tử vong, phần lớn là trẻ em.

 

Báo cáo sơ bộ về tác hại của thực phẩm bẩn gây ra đối với sức khỏe con người của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm trên thế giới có khoảng 600 triệu người (chiếm 10% dân số thế giới) mắc các bệnh liên quan đến thực phẩm độc hại, trong đó có 420.000 ca tử vong. Điều đáng nói, 1/3 trong số này là trẻ em dưới 5 tuổi. 

Theo WHO, các loại thực phẩm không đạt chuẩn về vệ sinh và an toàn sinh học gây bệnh do nhiễm khuẩn salmonella, các loại virus, ký sinh trùng, các loại độc tố, hóa chất. Các triệu chứng thường gặp khi bị ngộ độc thực phẩm là buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy. 

Ngoài ra, thực phẩm độc hại còn gây ra các bệnh ung thư, suy gan, suy thận, rối loạn hệ thần kinh, động kinh và viêm khớp.

 

Thực phẩm bẩn đang đe dọa sức khỏe toàn cầu (Ảnh minh họa)


Tiến sĩ Kazuaki Miyagishima, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm và bệnh do động vật (Department of Food Safety and Zoonoses) của WHO cho biết: "Báo cáo mà chúng tôi công bố chỉ là ước tính, con số thực tế chắc chắn còn cao hơn nhiều".

Tiến sĩ Miyagishima phân tích, nguyên nhân chính khiến bệnh do ăn thực phẩm độc hại gia tăng trên thế giới là việc xuất, nhập khẩu. "Nếu một quốc gia không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất khẩu thực phẩm sang các nước khác thì toàn bộ hệ thống sẽ bị tác động".

Ngoài ra, thực phẩm đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. "Chúng ta nên đầu tư về tuyên truyền và giáo dục cho những người bán thức ăn trên vỉa hè thay vì đưa ra các hình phạt. Đây là một chiến lược quan trọng để cải thiện tình hình an toàn thực phẩm ở các nước", Tiến sĩ Arie Hendrik Havelaar đến từ trường Đại học Florida (Mỹ) nhận định.

Tỷ lệ người mắc và tử vong do thực phẩm bẩn tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển, tuy nhiên Mỹ và châu Âu cũng không ngoại trừ.

"Kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tham khảo dịch tễ học về gánh nặng bệnh tật do thực phẩm của WHO (Foodborne Disease Burden Epidemiology Reference Group_FERG) cho thấy châu Phi và Đông Nam Á là 2 khu vực ghi nhận về gánh nặng bệnh tật cao nhất do thực phẩm bẩn. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 40% số ca mắc bệnh và 30% trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm", Tiến sĩ Arie Hendrik cho biết. 

Tại châu Phi, mỗi năm có khoảng 91 triệu người mắc, và 137.000 người chết do thực phẩm độc hại. 

Còn tại Đông Nam Á, ước tính có khoảng 150 triệu người mắc và 175.000 người tử vong mỗi năm. Trong số này có khoảng 60 triệu trẻ em mắc và 50.000 trẻ tử vong do thực phẩm bẩn.

WHO cảnh báo thực phẩm độc hại đang đe dọa sức khỏe toàn cầu. Vì thế, báo cáo này sẽ giúp các nước nhận thức rõ hơn về tác hại của thực phẩm bẩn, và cần có các biện pháp kịp thời để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.