Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đồng sáng lập Google và dự án khí cầu bí mật phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo

Sergey Brin đã xây dựng một công ty khí cầu bí mật tên LTA trong suốt 4 năm qua.

Sergey Brin muốn xây dựng một tương lai nơi các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo sẽ được thực hiện thông qua những khí cầu khổng lồ bay trên bầu trời.

Nhà đồng sáng lập Google, với giá trị tài sản ước tính hơn 99 tỷ USD, đã xây dựng một công ty khí cầu bí mật trong hơn 4 năm qua. Được biết đến với tên gọi LTA Research and Exploration - trong đó LTA là viết tắt của "lighter than air" (nhẹ hơn không khí) - công ty này khởi đầu từ Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA vào năm 2017. Trải qua 4 năm, LTA Research đã tìm kiếm những giải pháp để mang tầm nhìn về những cỗ máy biết bay không xả thải của mình ra đời thực.

Dưới đây là câu chuyện về đam mê khí cầu của Brin và mọi thứ chúng ta đã được biết về công ty đặc biệt này của anh.

Brin từ lâu đã yêu thích mọi loại máy bay

Vào năm 2005, Brin và đồng sáng lập Google, Larry Page, thực hiện một cuộc mua bán bất thường: một chiếc Boeing 767-200, máy bay thân rộng với khả năng chở 180 khách. Bộ đôi này đã tân trang lại máy bay để giới hạn số hành khách xuống còn 50 người và dùng nó làm máy bay phục vụ công việc thay vì chiếc Gulfstream thông thường, nhỏ gọn hơn nhiều, vốn thường được yêu thích bởi lãnh đạo nhiều công ty trên thế giới.

Đồng sáng lập Google và dự án khí cầu bí mật phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo - Ảnh 1.

Một chiếc Boeing 767

Theo nhiều tài liệu, Page và Brin đã nhiều lần tranh cãi quanh việc nên đặt loại giường nào lên chiếc "máy bay tiệc tùng" của họ, và thậm chí cả hai còn muốn thêm vào những thứ như võng và cả một quầy cocktail nữa.

Sở thích về máy bay của Brin không dừng lại ở một công ty máy bay: vào năm 2012, trong sự kiện ra mắt Google Glass, Brin đã mời một nhóm vận động viên dù lượn thực hiện cú nhảy từ một khí cầu bay trên bầu trời San Francisco. Nhóm này đã quay phim cú nhảy bằng kính Google Glass và hạ cánh thẳng xuống sân khấu, trao kính lại cho Brin.

Brin còn tiếp quản việc phát triển nhiều loại máy bay trong thời kỳ làm việc tại X, phòng thí nghiệm của Google. Các dự án được X thực hiện bao gồm Loon, một giải pháp truyền tải kết nối internet bằng khinh khí cầu; Makani, cung cấp điện bằng diều; và Wing, drone giao hàng. Loon và Makani hiện đã bị hủy bỏ.

Brin bắt đầu làm việc tại LTA khi anh vẫn còn là chủ tịch của Alphabet, công ty mẹ của Google

Theo một bài báo trên Bloomberg vào năm 2017 của Ashlee Vance, Brin quyết định xây dựng khí cầu của riêng mình vào năm 2014 sau khi ghé thăm Trung tâm Nghiên cứu Ames, vốn nằm gần trụ sở Mountain View (California) của Google.

Đồng sáng lập Google và dự án khí cầu bí mật phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo - Ảnh 2.

Khí cầu USS Macon

Ames trước đó là "nhà" của USS Macon, một khí cầu khổng lồ do Hải quân Mỹ phát triển vào những năm 1930 - đây là thứ đã tạo cảm hứng cho dự án của Brin. USS Macon, còn gọi là "Nữ hoàng bầu trời", sau đó bị rơi xuống Thái Bình Dương, cách bờ biển San Francisco 45 dặm, đặt dấu chấm hết cho chương trình khí cầu của Hải quân Mỹ.

Năm 2017, có thông tin LTA đã trả 131.000 USD để thuê sân đậu máy bay từ Alphabet. Sân đậu này được đặt tại Moffett Field, một sân bay của NASA nằm gần Ames, hiện đang được điều hành bởi Google.

Tháng 12/2019, Brin và Page chấm dứt công việc tại Alphabet.

LTA dự định xây dựng một khí cầu khổng lồ, với chi phí cực kỳ đắt đỏ

Theo một bản tin trên tờ The Guardian vào năm 2017, khí cầu này dự kiến sẽ dài gần 200 mét, tương đương chiều dài của gần 2 sân bóng đá.

Để dễ so sánh, thì khí cầu Hidenburg Zeppelin nổi tiếng dài 245 mét, tức dài hơn cả 3 chiếc Boeing 747 cộng lại.

Nhiều nguồn tin khẳng định LTA lúc bấy giờ đang được tài trợ bởi chính Brin, và số tiền có thể lên đến hơn 100 triệu USD. Cho đến lúc này, chưa rõ Brin đã đổ bao nhiêu tiền vào các dự án khí cầu của anh.

Khí cầu khổng lồ sẽ được sử dụng cho các sứ mệnh cứu trợ nhân đạo

Cụ thể, nó sẽ chuyên chở thực phẩm và các trang thiết bị khác đến những vùng xa xôi hiểm trở của thế giới - bởi khí cầu không cần đường băng sân bay truyền thống để hạ cánh, nên nó về lý thuyết có thể tiếp cận những khu vực mà các phương tiện thông thường "bó tay".

"Với những khí cầu thế hệ mới này, chúng tôi hi vọng sẽ cải thiện được hoạt động vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo và giảm khí thải carbon, đồng thời mở ra cơ hội kinh tế và công việc mới cho người Mỹ" - theo website của LTA.

Brin còn muốn tạo ra những phiên bản khí cầu sang trọng để dùng như một "du thuyền trên không xuyên lục địa" cho bạn bè và gia đình.

Khí cầu của LTA cũng sẽ thân thiện với môi trường hơn máy bay

Theo các số liệu hiện có, khí cầu nhanh hơn tàu thủy chở hàng và sản sinh ra lượng khí thải ít hơn từ 80 - 90% so với máy bay truyền thống.

LTA nói trên website rằng mục tiêu cuối cùng là xây dựng nên "một dòng khí cầu không xả thải".

Các khí cầu như của Goodyear được bơm đầy khí heli kể từ sau thảm họa Hindenburg - khí cầu Hindenburg lợi dụng khí hydro để bay lên khỏi mặt đất, nhưng loại khí này cực kỳ dễ cháy.

Đồng sáng lập Google và dự án khí cầu bí mật phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo - Ảnh 3.

Một khí cầu của Goodyear

Tuy vậy, LTA dường như có ý định sử dụng khí hydro cho khí cầu của hãng. Một thông tin tuyển dụng gần đây của LTA cho thấy công ty đang tìm kiếm một nhà quản lý chương trình hydro - theo TechCrunch, công ty có lẽ muốn phát triển cell nhiên liệu hydro khổng lồ của riêng mình, nhẹ hơn pin lithium-ion và đủ mạnh để đưa khí cầu bay qua các đại dương.

Cũng theo TechCrunch, LTA vẫn sẽ lợi dụng khí heli để giúp khí cầu bay lên khỏi mặt đất.

Khí cầu LTA sẽ cất cánh vào năm 2021

TechCrunch đưa tin LTA đã xây dựng một nguyên mẫu khí cầu tên Pathfinder 1, sử dụng pin lithium-ion, có 12 mô-tơ điện, và có khả năng vận chuyển 14 hành khác. Nó có thể sẽ bay thử ngay trong năm nay.

LTA đang góp sức với chính phủ để ứng phó với COVID-19

Công ty nói trên website rằng đã sử dụng máy cắt laser và máy tin 3D tại các nhà máy ở Mountain View và Akron (Ohio) để sản xuất gần 150 linh kiện cho tấm che mặt mỗi ngày, đóng góp hơn 250.000 tấm che mặt miễn phí cho các bệnh viện, các cơ sở y tế, và các nhân viên cấp cứu trên toàn nước Mỹ trong những tháng đầu của đại dịch.

Về sau, LTA đã hợp tác với các NGO trên thế giới để cung cấp hơn 5 triệu tấm che mặt trên toàn cầu.

Tham khảo: BusinessInsider