Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đồng Tháp đổi đời từ đi lao động ở nước ngoài

Trong giai đoạn được coi là vàng son về hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (gọi chung là xuất khẩu lao động XKLĐ) vào những năm 2003-2005, bình quân mỗi năm Đồng Tháp đưa được 1.300 người đi xuất khẩu lao động. Có 100% xã phường, thị trấn trong tỉnh có người tham gia.


 Điều này, khiến Đồng Tháp trở thành tỉnh dẫn đầu trong khu vực đồng bằng sông Cửu long về XKLĐ và góp phần không nhỏ trong giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững.

          Sau thời kỳ này, hoạt động XKLĐ trở nên khó khăn, từ năm 2006 đến năm 2010 toàn tỉnh chỉ có 461 người và từ năm 2011 đến 2013 chỉ có 87 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nguyên nhân khách quan là do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng còn có những nguyên nhân chủ quan khác sự nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, đoàn thể và người lao động về tầm quan trọng của công tác XKLĐ. Tỉnh chậm ban hành cơ chế chính sách, khuyến khích, hỗ trợ người lao động cùng với đó công tác thông tin, tuyên truyền cũng còn những hạn chế.

Người lao động chuẩn bị để đi lao động tại Nhật Bản

          Từ những nguyên nhân trên, với nhận thức XKLĐ là kênh quan trọng hàng đầu trong giải quyết việc làm ổn định nâng cao đời sống của người dân, Sở LĐ- TB&XH tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập các đoàn đi khảo sát, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tỉnh bạn, nơi có thành tích tốt trong công tác này. Từ đó Sở đã đề xuất để Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 198/CTr/TU ngày 10/10/2014 về việc đẩy mạnh hoạt động XKLĐ với thông điệp mạnh mẽ, thiết thực “Đi làm thuê – Về làm chủ”. Cùng với đó UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 18/11/2014 về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2014-2016. Đồng Tháp cũng xác định đây là 1 trong 3 chương trình trọng tâm của tỉnh để cả hệ thống chính trị cùng triển khai thực hiện.

          Nguồn sinh lực, nguồn gió mới đã thực sự trở lại với hoạt động XKLĐ ở Đồng Tháp. Điểm nhấn là tỉnh có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người lao động vay từ 90 đến 100% (tùy đối tượng) chi phí XKLĐ. Kết quả, từ tháng 8 năm 2014 đến 31/12/2015 tỉnh đã có 447 người đi XKLĐ và còn 650 đang học ngoại ngữ, giáo dục định hướng chuẩn bị ra nước ngoài làm việc. Riêng năm 2015 XKLĐ của tỉnh được 580/576 đạt 100,7% kế hoạch, trở lại dẫn đầu khu vực các tỉnh đồng bằng sống Cửu Long.

          Năm 2016, một bước ngoặt lịch sử, một dấu ấn chưa từng có đối với công tác XKLĐ của tỉnh là chỉ trong 02 tháng đã thực hiện thành công một chuỗi sự việc như tư vấn, tuyển chọn, học định hướng, học tiếng, làm các thủ tục như vay tiền, hộ chiếu, vía, khám sức khỏe và đưa được 400 lao động đi làm việc cho HTC Đài Loan. Điều này thể hiện sự chỉ đạo đúng hướng và quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành, đoàn thể trong hoạt động XKLĐ. Cùng với đó là vai trò tham mưu, tổ chức triển khai thực hiện của Trung tâm DVVL Đồng Tháp. Tính đến giữa tháng 9/2016 toàn tỉnh đã có 1.026 người đi XKLĐ đạt 118,75% kế hoạch, thị trường chủ yếu là những nơi có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt như, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...

Người lao động đi làm việc ở nước ngoài

          Có thể khẳng định Chương trình đưa người đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua ở Đồng Tháp đã có nhiều khởi sắc với những hiệu quả rõ rệt. Có được điều đó ngoài những chủ trương, chính sách đúng phải kể đến sự quyết tâm vào cuộc của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sở, ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Trong các hoạt động cụ thể như đi kiểm tra thực tế thị trường, thăm nơi làm việc, sinh hoạt của người lao động, mời các đối tác thăm làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh, tổ chức cho đối tác phòng vấn tuyển chọn lao động tại tỉnh nhà... Cùng với đó là việc thực hiện tốt và đồng bộ các khâu từ công tác tuyên truyền, khảo sát thị trường, tìm đơn hàng tốt, công tác phối hợp giữa các ngành và địa phương. Việc phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo các cấp....

          “Đi làm thuê – Về làm chủ” không còn chỉ là thông điệp, là khẩu hiệu mà đó chính là mục đích, là mong muốn, sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các nhà chuyên môn và của người lao động cũng như gia đình họ. Đi XKLĐ, người lao động mang về nguồn ngoại tệ cho quốc gia, bản thân cũng tích lũy được số vốn tương đối lớn để làm giàu cho gia đình, bản thân – không chỉ là vì mục đích xóa đói, giảm nghèo như trước đây. Cũng còn là điều kiện để người lao động có thể thực hiện ước mơ, hoài bão lập thân, lập nghiệp cho tương lai. Không những thế, từ việc XKLĐ, người lao động được tôi luyện, học tập, làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, rèn luyện tác phong công nghiệp từ đó nâng cao nhận thức, suy nghĩ, hành động chín chắn, nhanh nhạy và có ý thức trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Nhiều gia đình đổi đời từ việc đi lao động ở nước ngoài

          XKLĐ là hoạt động chuyển dịch lao động từ nông nghiệp trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Đồng Tháp. Thông qua hình ảnh người lao động Đồng Tháp ở nước ngoài, người lao động trở thành “đại sứ” là cầu nối giới thiệu với bạn bè quốc tế về con người, quê hương, hình ảnh Đồng Tháp. Họ đã góp phần không nhỏ cùng với tỉnh quảng bá du lịch, kêu gọi thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội củ tình. Họ có quyền tự hào để nói “Tôi – Người Đồng Tháp”.