UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch đào tạo nghề phi nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp năm 2022. Theo đó, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 13.053 người (trong đó, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 8.452 người, trung cấp 2.414 người, cao đẳng 2.187 người); nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 73,6%; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Đồng Tháp sẽ nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, bảo đảm nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động trong và ngoài nước. Tập trung đào tạo các nghề phi nông nghiệp như kỹ thuật, công nghệ, sản xuất và chế biến, dịch vụ xã hội, tiểu thủ công nghiệp chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và các nghề truyền thống khác...
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho 75.000 người. Chia theo trình độ: Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 47.908 người, trung cấp là 15.552 người, cao đẳng là 11.540 người. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 79%, trong đó, qua đào tạo nghề đạt 57%. Hằng năm, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt tối thiểu 80%.
Trong đó, chú trọng đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, đào tạo các ngành nghề là thế mạnh của địa phương, đào tạo để đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Ưu tiên đào tạo cho các đối tượng là người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm; người chấp hành xong án phạt tù; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an...