Những năm qua, lãnh đạo Huyện Đoàn Cao Lãnh đã chủ động phối hợp với Phòng LĐ – TB & XH huyện xây dựng kế hoạch liên tịch về thực hiện công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho thanh niên. Đây được đánh giá là mô hình được thực hiện với hình thức cơ sở đoàn các cấp phối hợp với chi bộ các cấp và Ban giảm nghèo địa phương (xã, thị trấn) khảo sát, chọn lựa hộ thanh niên nghèo để nhận giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ thoát nghèo trong từng năm. Trên cơ sở đó tiến hành phân công 2 đoàn viên có kinh tế khá, ổn định giúp đỡ 1 hộ thanh niên nghèo, để thường xuyên đến tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và có kế hoạch hỗ trợ giúp đỡ cụ thể, thiết thực.
Nhiều hộ đoàn viên, thanh niên được hỗ trợ vốn nuôi bò vỗ béo, tăng thu nhập
Bằng hình thức này, từ 2011 đến nay Huyện Đoàn Cao Lãnh đã giới thiệu việc làm cho hàng trăm thanh niên thuộc diện hộ nghèo đi làm trong các xí nghiệp và trong các mô hình tổ hợp tác sản xuất ở địa phương. Đó là Tổ hợp tác đa dịch vụ nông nghiệp (xã Tân Nghĩa); Tổ hợp tác xây dựng 167; Tổ hợp tác may mặc Phúc Sơn ( xã Bình Hàng Trung); Tổ hợp cá giống; Tổ hợp tác cá bè và các tổ nông vụ làm ăn hiệu quả khác. Bên cạnh đó nhằm tạo điều kiện cho các hộ thanh niên có nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, Huyện Đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện giải ngân vốn cho hàng chục hộ thanh niên nghèo vay sản xuất, buôn bán nhỏ, với tổng vốn hàng trăm triệu đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng hàng chục căn “Nhà nhân ái”, trị giá hàng trăm triệu đồng cho thanh niên nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Nhiều đoàn viên, thanh niên được học nghề và làm việc tại các doanh nghiệp
Đồng thời đã giới thiệu việc làm cho hàng trăm thanh niên; hướng dẫn cho hàng chục hộ về cách mua bán, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi…Với cách làm, cách hỗ trợ thiết thực ấy đến nay đã có hàng trăm hộ đoàn viên, thanh niên thoát nghèo. Gia đình anh Nguyễn Văn Ca ở ấp 4, xã Tân Nghĩa trước đây thuộc diện nghèo, do thiếu đất sản xuất là một ví dụ điển hình. Được Huyện Đoàn xét hỗ trợ cho vay với số tiền hơn 15 triệu đồng , anh quyết định mua 1 cặp bò về nuôi, sau một thời gian bán bò, anh không chỉ trả được vốn mà còn lời đàn bò đang nuôi hiện nay với giá trị kinh tế hàng chục triệu đồng.
Tại thành phố Cao Lãnh, Thành Đoàn đã phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp tổ chức các lớp tập huấn về mô hình trồng rau mầm, rau sạch theo phương pháp thủy canh, thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia. Đây là một mô hình thiết thực, dễ thực hiện, phù hợp với những hộ đoàn viên, thanh niên sống trong khu vực đô thị, thiếu đất canh tác, giúp họ có cách nhìn, cách làm mới về sản xuất nông nghiệp, để nâng cao thu nhập, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Mô hình trồng rau thủy canh đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ đoàn viên, thanh niên
Bởi mô hình không chỉ góp phần vào việc giảm nghèo ở địa phương nói riêng, của tỉnh nói chung mà còn giúp kinh tế gia đình các hộ thanh niên cùng phát triển đi lên, để từ đó họ tích cực tham gia vào công tác xây dựng tổ chức đoàn ở huyện ngày càng vững mạnh. Hy vọng từ những thành công của những mô hình kể trên, trong thời gian tới các cấp đoàn sẽ có nhiều mô hình hỗ trợ cho nhiều thanh niên có nghị lực và ý chí phấn đấu vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần tích cực vào công tác giàm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở địa phương.