Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Trần Trí Quang làm việc với một số sở, ngành liên quan để bàn phương án hỗ trợ các đối tượng đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp có khoảng 152.000 đối tượng cần được xem xét hỗ trợ gồm: Người lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động (bán vé số, bán hàng rong, xe ôm, bốc vác, phụ hồ), người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Tuy nhiên, đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chưa tiếp nhận được hồ sơ để xem xét, thẩm định. Nguyên nhân là do tỉnh đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên quá trình lập hồ sơ gặp khó khăn.
Để sớm trao số tiền hỗ trợ đến người dân, ông Trần Trí Quang giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, lập danh sách trình UBND tỉnh để xem xét việc hỗ trợ các đối tượng; trong đó chú ý những đối tượng cần được hỗ trợ khẩn cấp để xem xét hỗ trợ sớm.
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có quyết định tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày đối với 7 huyện, thành phố còn lại của tỉnh này từ 0h ngày 14/7.
Tất cả loại hình kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng, người dân hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.
Tỉnh này cũng dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, chỉ hoạt động các cơ sở sản xuất, công trường, công trình giao thông, xây dựng và các cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng thiết yếu… và các ngân hàng, kho bạc, cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ...
Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhiều lao động phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ), nếu không thì phải tạm dừng.