Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đồng Tháp: Nhân rộng mô hình nuôi trăn, phát triển kinh tế gia đình

Cũng như nhiều tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 5 năm trở lại đây, nghề nuôi trăn lấy da xuất khẩu ở Đồng Tháp lại được khôi phục và khởi sắc, đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi.

 

Theo một số nông dân, trước đây vùng Đồng Tháp Mười trăn là loại động vật hoang dã rất phổ biến và quen thuộc với người dân nơi đây. Những cánh đồng mênh mông lau, lác và rừng tràm, với nguồn thức ăn phong phú là môi trường thuận lợi trăn sinh sống và phát triển. Vì thế,  nghề thuần dưỡng nuôi trăn sinh sản và thương phẩm ở Đồng Tháp đã xuất hiện từ lâu. Nhưng từ khoảng năm 2005 trở về trước, khi đầu ra cho sản phẩm da trăn không ổn định, người nuôi trăn bị thua lỗ, nên nhiều nông dân không còn mặn mà với nghề nuôi trăn truyền thống ở địa phương. Từ 2008 trở lại đây, khi thị trường châu Âu bắt đầu tiêu thụ mạnh mặt hàng da trăn (sản xuất hàng thời trang cao cấp), thì giá trăn trên thị trường Việt Nam cũng bắt đầu tăng mạnh và ổn định. Nhờ đó nghề nuôi trăn ở Đồng Tháp, đã có cơ hội hồi phục và trở thành một mô hình đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đây là một mô hình dễ thực hiện, đem lại nguồn lợi nhuận cao cho người nuôi trăn thời điểm hiện nay. Ưu điểm của mô hình này là không cần nhiều diện tích để xây dựng chuồng trại, dễ nuôi, nguồn thức ăn dồi dào dễ kiếm ở địa phương, không đòi hỏi nhiều về khâu kỹ thuật nuôi, chăm sóc và đầu ra đã ổn định, giá thành cao.

Nuôi trăn thương phẩm

 

                                            

Chuồng nuôi trăn cao ráo sạch sẽ

Theo kinh nghiệm của một số hộ nuôi trăn lâu năm, muốn nuôi trăn thành công điều đầu tiên phải nắm vững kỹ thuật, trong đó quan trọng là khâu vệ sinh chuồng trại luôn cao ráo sạch sẽ. Nguồn thức ăn chính cho trăn là chuột, gà, vịt, cá trê và thêm một số loại phế phẩm của gia súc, gia cầm. Nhưng nguồn thức ăn này không khó kiếm, nếu đặt hàng với các cơ sở chăn nuôi gia cầm (mua những loại gà, vịt bị loại thải), hay lò giết mổ gia súc, gia cầm mua phế phẩm thì giá mua rất rẻ. Nhiều hộ nuôi trăn với quy mô lớn, thường kết hợp nuôi thêm gà, vịt, chim cút tạo nguồn thức ăn cho trăn thêm phong phú và giảm chi phí, tăng cao lợi nhuận. Một bữa ăn của trăn tuy hơi nhiều (tùy trọng lượng từng con), nhưng sau bữa ăn đó, nó có thể nhịn 1 – 2 tuần mới cẩn ăn thêm bữa tiếp theo, nên nuôi trăn không quá tốn kém thức ăn.

 

                 

 Nuôi trăn sinh sản 

  Ông Huỳnh Minh Nhật ở thị xã Hồng Ngự, sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi trăn ở Câu lạc bộ nuôi trăn thị xã, đã tận dụng 20 m2 đất gần nhà làm chuồng, nuôi 50 con trăn thương phẩm. Năm 2014, sau 8 tháng nuôi, mỗi con trăn đạt trọng lượng 5 – 6 kg, xuất chuồng bán, trừ mọi chi phí ông thu lợi nhuận gần 80 triệu đồng.

Từ khi mô hình nuôi trăn bắt đầu khởi sắc, với nhiều triển vọng tích cực, góp phần xóa nghèo và vươn lên làm giàu cho nhiều nông dân, Hội nông dân thị xã Hồng Ngự, đã hỗ trợ, tạo mọi điều kiện về vay vốn ngân hàng, tư vấn kỹ thuật để các hộ nông dân tham gia nhân rộng mô hình. Đây là một mô hình, một hướng đi đã và đang đem lại nguồi lợi nhuận cao hơn so với nhiều mô hình chăn nuôi khác ở địa phương, được nhiều nông dân Đồng Tháp lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình.

 

Hiện, trăn thương phẩm loại 5 -6 kg/con (được xếp loại 1) có giá trên 330.000 đồng/kg, loại từ 50 kg – 60 kg/con có giá 310.000 đồng/kg, loại cỡ 20 kg – 30 kg/con. Giá khoảng từ 180.000 đồng/kg – 200.000 đồng/kg. Đối với trăn sinh sản, một con trăn cái nặng khoảng 40 kg, mỗi lứa có thể đẻ khoảng trên 30 – 40  trứng, giá bán trứng là 300.000 đồng/trứng, trăn con giống 500.000 đồng/con, khi trăn cái đẻ xong một chu kỳ vẫn có thể bán được khoảng 13 – 14 triệu đồng/con.