Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đồng thuận với phương án 1 về tăng tuổi nghỉ hưu: phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28

(Dân sinh) - Cho ý kiến hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, đa phần các đại biểu Quốc hội đồng thuận với việc tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1 (nam 62, nữ 60).

Phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28

Cụ thể, Phương án 1 theo Chính phủ trình, quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng phương án này bảo đảm minh bạch, rõ ràng, tuân thủ quy định của Hiến pháp về quyền của "người làm công ăn lương", đáp ứng được yêu cầu quy định cụ thể về lộ trình cho từng năm và xác định được thời điểm hoàn thành.

Ủng hộ phương án này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cho rằng, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 28.

Theo đó, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.

Theo vị đại biểu đoàn Hưng Yên, cùng với sự phát triển của đất nước, có thể thấy rằng sức khỏe của người dân ngày càng được chăm lo tốt hơn, tuổi thọ cũng được nâng lên. Với các lao động trí thức, lao động làm việc trong văn phòng, lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tài chính, y tế… theo bà Mai, có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu, vì họ vẫn còn sức khỏe, kinh nghiệm, độ chín nghề nghiệp để làm việc.

Đồng thuận với phương án 1 về tăng tuổi nghỉ hưu: phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28 - Ảnh 1.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên)

Tuy nhiên đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cũng lưu ý, "việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tính chất, loại hình lao động, đặc thù của mỗi ngành nghề, xu hướng già hóa dân số…", theo đó, bà đề nghị quy định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động... ngay trong Dự thảo.

Lộ trình công khai, minh bạch

Thống nhất cao với phương án 1 như trong dự thảo luật, đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho ý kiến thêm về quy định người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Ông Hùng cho rằng, không nên quy định "có thể nghỉ hưu" ở tuổi cao hơn như dự thảo luật.

"Việc quy định "tùy nghi" như vậy sẽ khó thực hiện cho người sử dụng lao động và người lao động", đại biểu Hùng nói.

Do đó, theo đại biểu đoàn Thái Nguyên, để đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động trong việc lựa chọn trường hợp kéo dài tuổi nghỉ hưu phù hợp với thực tiễn, ông đề nghị sửa theo hướng người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm với điều kiện người lao động có nguyện vọng và được người sử dụng lao động đồng ý.

Đồng thuận với phương án 1 về tăng tuổi nghỉ hưu: phù hợp với tinh thần Nghị quyết 28 - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh)

Với những ngành nghề công việc nặng nhọc, nguy hiểm, nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, ông Hùng cho rằng, cần được đánh giá phân loại danh mục chi tiết. Từ đó, đưa ra quy định giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cho phù hợp với thực tiễn sức khỏe của người lao động mà không giảm lương hưu.

Cũng đánh giá cao và ủng hộ phương án 1, đại biểu Nguyễn Sơn (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị cần có quy định người lao động trong một số ngành nghề có thể nghỉ hưu trước và sau độ tuổi, thậm chí là 10 năm thay vì 5 năm.

"Lộ trình công khai, minh bạch để người lao động biết được độ tuổi phù hợp với ngành nghề của mình. Người làm công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại có thể nghỉ trước tuổi, đồng thời người có trình độ, làm trong lĩnh vực khác có thêm thời gian làm việc, cống hiến" – ông Nguyễn Sơn nêu ý kiến và đề nghị xây dựng danh mục chi tiết trình Quốc hội.

Liên quan đến tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh, ông đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại kỳ họp thứ 7, khi Bộ trưởng cho rằng vấn đề tăng tuổi hưu luôn là điều khó khăn với không chỉ Việt Nam  mà với tất cả các quốc gia.

"Tôi đồng ý với phương án 1 về tăng tuổi nghỉ hưu  nhưng theo tôi nên sửa đổi là tuổi nghỉ hưu nữ nên là 58 tuổi. Trường hợp đặc biệt là được nghỉ sớm tối đa là 10 năm chứ không phải 5 năm. Để tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ thì kéo dài thì không quá 5 năm và phải có sự thỏa thuận", ông Trí nhấn mạnh.