Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

"Dòng tranh dân gian Đông Hồ" - cuốn sách với nhiều tư liệu quý

Đặc sắc – Dòng tranh dân gian Đông Hồ

Tranh dân gian Đông Hồ là một trong ba dòng tranh dân gian nổi tiếng nhất của nước ta (cùng với tranh Kim Hoàng và tranh Hàng Trống). Tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã được nhà nước xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 27/12/2012 và đang đệ trình hồ sơ lên tổ chức UNESCO để xếp hạng di sản văn hóa toàn cầu.



Bộ sách về tranh Đông Hồ và tranh Kim Hoàng của dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa khởi xướng.

Đây là một dòng tranh hội tụ được tâm thức ngàn năm của người Việt chất phác, đáng yêu với những ước vọng nho nhỏ quanh cuộc sống bình dị. Tranh là phương tiện để họ miêu tả cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mình, cũng là phương thức để họ giao cảm với thần linh, thể hiện đời sống tín ngưỡng. Không những thế, tranh Đông Hồ còn là những tác phẩm nghệ thuật thực sự với cách phối màu độc đáo, cách in nét, in mảng đặc trưng. Đấy là những bức tranh quê với một chút sặc sỡ để làm nổi bật trong khung cảnh các nếp nhà tranh giản dị. Tranh Đông Hồ từng là một “món ăn” tinh thần không thể thiếu của gia đình Việt xưa mỗi khi Tết đến xuân về. Và là một trong những mặt hàng văn hóa đại diện cho di sản dân tộc sớm được xuất khẩu sang nước ngoài. Tranh Đông Hồ còn nổi tiếng bởi mỹ cảm trong ca dao và thi ca. Thi sĩ Hoàng Cầm từng viết câu thơ: “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Chính cái “màu dân tộc” và “giấy điệp” đã làm nên thần thái của dòng tranh này.

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ về cuốn sách "Dòng tranh dân gian Đông Hồ"

Cách in tranh Đông Hồ cũng rất đặc sắc, khác biệt: Tranh được in “úp ván” (khuôn tranh và các mảng màu được áp/úp lên trên giấy, không phải giấy được áp lên khuôn), dùng bản gỗ in chồng tách màu. Mỗi màu trong tranh là một lượt in, màu đậm trước, màu nhạt sau. Một bức tranh phải qua bốn đến năm lần in nét và các bản màu khác nhau. “Màu dân tộc” (tất cả là màu lấy từ tự nhiên) và “giấy điệp” (được làm bằng công nghệ đặc biệt của người làng Hồ) đã làm nên “thần thái” của tranh Đông Hồ. Đó cũng là “chất Đông Hồ” nổi bật với các dòng tranh dân gian khác, cùng làm giàu cho kho tàng di sản mỹ thuật Việt Nam.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp trình diễn kỹ thuật làm tranh Trổ giấy

Cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” có dung lượng 231 trang khổ lớn (21 x 29 cm), với hơn 500 hình ảnh (phần lớn được chụp mới). Không chỉ giới thiệu rất kỹ về làng Hồ, về các nghệ nhân, về thăng trầm nghề in tranh của dòng tranh khắc gỗ và vẽ tay đã nổi tiếng, các tác giả cuốn sách còn giới thiệu với độc giả hai thể loại tranh khác cũng của làng Hồ nhưng còn ít người được biết là “tranh Đồ thế” - chủ yếu đáp ứng các nhu cầu tâm linh xưa, và “tranh Trổ giấy” - có tính chất trang trí, lưu niệm. Những loại tranh này chỉ còn một số rất ít nghệ nhân còn nhớ và giữ nghề.

Theo nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa - chủ biên cuốn sách, cuốn sách là kết quả gần 10 năm của bà cùng GS Trịnh Sinh và nhiếp ảnh gia Lê Bích nghiên cứu, điền dã và thực hiện. Đặc biệt, cuốn sách còn nhận được sự hỗ trợ của họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, họa sĩ Vũ Đình Tuấn, thư họa gia Xuân Như - Vũ Thanh Tùng, chuyên gia nghiên cứu đồ họa cổ Vũ Thị Hằng.

“Để làm nên cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ”, chúng tôi đã tham khảo những công trình nghiên cứu về tranh dân gian nói chung và tranh dân gian Đông Hồ nói riêng của các tác giả đi trước. Từ nền cốt đó, chúng tôi đã thực hiện hàng trăm chuyến đi thực tế, về làng Đông Hồ gặp gỡ, trò chuyện với các nghệ nhân.” - nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa nói.

Và những phát hiện mới

Nhiều tư liệu mới được các nghệ nhân hoặc đại diện gia đình các nghệ nhân chia sẻ đã giúp cho cuốn sách này có những nét khác biệt so với nhiều cuốn sách tranh Đông Hồ từng xuất bản trước đây.

Một số tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ

Kết hợp với một số sử liệu khác, nhóm nghiên cứu phỏng đoán, thời gian dòng tranh dân gian Đông Hồ xuất hiện vào khoảng thế kỷ 17 thay vì 16 như các công trình đã công bố trước đây.

Bà Nguyễn Thị Thu Hòa cho biết, một điểm mới khác của cuốn sách là nhóm tác giả đã làm rõ quy trình xử lý điệp thành bột điệp để quét. Làng tranh Đông Hồ hiện nay chỉ vài hộ duy trì nghề làm tranh và phải cỡ 3 năm các hộ mới làm điệp một lần. Cách quét điệp trên tranh dân gian Đông Hồ là độc nhất trên thế giới và chúng tôi cũng may mắn được gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giúp đỡ để có những bức ảnh quý giá về từng công đoạn trong quá trình này.

Phát hiện nữa là làng tranh này không sản xuất đơn lẻ theo các hộ gia đình mà từng có thời gian làm theo mô hình hợp tác xã, Nhà nước đặt hàng sáng tác tranh cổ động. Tranh Đông Hồ không chỉ có các bức: Vinh hoa Phú quý, Đánh ghen… mà còn có các bức tranh cổ động đấu tranh chính trị như: Không có gì quý hơn độc lập tự do, Tải lương ra tiền tuyến…

Nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng cuốn sách có những đóng góp mới trong việc nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật, lịch sử, dân tộc học… Nhưng trước hết nó công bố các tư liệu được hệ thống hóa của dòng tranh nổi tiếng này”. Cuốn sách là tư liệu tốt với những người nghiên cứu (đa ngành) nói riêng và tất cả những ai yêu quý tranh Đông Hồ, yêu quý nghệ thuật truyền thống và mỹ thuật dân gian. Cuốn sách được kì vọng sẽ góp phần bảo tồn những giá trị của một dòng tranh đang có nguy cơ mai một và góp thêm những tư liệu vào quá trình làm hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận tranh dân gian Đông Hồ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian tới.  

“Tôi bất ngờ khi nhận bản thảo của cuốn “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” từ Bảo tàng gốm sứ Hà Nội. Cuốn sách như một bảo tàng thâu tóm được kỹ thuật, tinh hoa đặc biệt của dòng tranh Đông Hồ. Vì vậy, tôi đánh giá đây là một tài liệu quý, đáng tin cậy.” – TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc NXB Thế giới nói.  

Việt Cường / TC Gia đình & Trẻ em