Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dòng văn học trinh thám Việt trở lại


“Dù văn học trinh thám Việt có những thăng trầm, nhưng thực tế, cho đến nay, dòng văn học này vẫn có sức hấp dẫn riêng, vẫn có độc giả riêng” - PGS.TS Trần Văn Toàn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

PGS.TS Trần Văn Toàn, Phó trưởng khoa Ngữ văn - Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
 
Văn học trinh thám Việt Nam - một thời vàng son
 
Theo quan điểm của PGS.TS Trần Văn Toàn, Phó trưởng khoa Ngữ văn - Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì văn học trinh thám gắn với đời sống, gắn với con người (trả thù, phạm tội, xô đẩy trong bóng tối…), gắn với những vụ án, có sự giải mã những nguyên nhân, nút thắt… Chính vì vậy, văn học trinh thám li kỳ, lôi cuốn và có sức hấp dẫn. Độc giả khi đã bị cuốn vào một bí ẩn thì muốn phải tìm cho ra bằng được lời giải. Ban đầu, các tác phẩm trinh thám xuất hiện lẻ tẻ. Thể loại văn học này chỉ thực sự "bùng nổ" khi có sự xuất hiện của các tác giả như Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Phú Đức...
 
“Thám tử Kỳ Phát” là bộ truyện đã làm nên danh tiếng của tác giả Phạm Cao Củng. Giống như Sherlock Holmes, Kỳ Phát luôn đề cao lý trí, lấy suy luận làm phương cách phá án. Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Phạm Cao Củng bắt đầu sự nghiệp viết truyện trinh thám của mình với “Vết tay trên trần” vào năm 1936, khi đang còn học Trường Kỹ nghệ thực hành. Đây là cuốn truyện trinh thám mở đầu cho series “Thám tử Kỳ Phát” vang danh một thời và cũng làm nên danh hiệu “Vua trinh thám Việt” của ông.
 
PGS.TS Trần Văn Toàn chia sẻ, mặc dù học tập và ảnh hưởng từ truyện trinh thám phương Tây, nhưng Phạm Cao Củng đã sáng tạo nên những câu chuyện thấm đẫm đời sống Việt Nam, tính cách Việt Nam. Phá án theo phương pháp suy luận diễn dịch kiểu Sherlock Holmes, song nhân vật của Phạm Cao Củng mang đậm những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông: trọng nghĩa khí, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao, luôn tôn trọng tình cảm, đạo đức.
 
Phạm Cao Củng được nhà văn Vũ Ngọc Phan nhắc đến khá trân trọng: “Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu chuyện ly kỳ của Tây phương rồi cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt, lai Pháp... Nếu xét truyện trinh thám của Phạm Cao Củng trong phạm vi tương đối, người ta thấy đến nay ở nước ta, trong loại này, tiểu thuyết của Phạm Cao Củng vẫn là những tiểu thuyết khá hơn cả”.

 
Văn học trinh thám là một mảnh đất chưa được "khai hoang" nhiều.
 
Mảnh đất cần “khai hoang”
 
Sau suốt thời gian ngắt quãng, chàng thám tử Kỳ Phát từng “hùng bá” một thời trên văn đàn trinh thám Việt Nam, thuở vàng son của những năm 30 - 40 thế kỷ trước, nay đã trở lại với bạn đọc trong series “Thám tử Kỳ Phát” mang diện mạo trình bày đẹp và ấn tượng hơn. Đặc biệt, bộ truyện trở lại ở thời điểm các độc giả trẻ đang quan tâm tới trinh thám Việt nhiều hơn.
 
Series với 5 cuốn "Vết tay trên trần", "Chiếc tất nhuộm bùn", "Kỳ Phát giết người", "Nhà sư thọt", "Đám cưới Kỳ Phát", hi vọng sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho sự trở lại của trinh thám Việt Nam.
 
“Khi nhiều dòng văn học khác đang "bão hòa", trinh thám lại là một mảnh đất tiềm năng về thế mạnh của loại hình. Do vậy, rất có thể, sẽ có thêm nhiều tác giả lựa chọn và đầu tư sáng tạo vào văn học trinh thám”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch giải thích. “Hơn nữa, sự trở lại của các tác phẩm "đình đám" một thời như truyện của Phạm Cao Củng sẽ là một sự động viên rất lớn cho các ngòi bút thế hệ hiện tại. Từ những bộ sách này, họ có thể học hỏi kinh nghiệm để tìm được sự chặt chẽ khi viết, cũng như hiểu được lý thuyết cơ bản để sáng tác văn học trinh thám”.
 
Lần trở lại này, series “Thám tử Kỳ Phát” mang diện mạo của bản trình bày đẹp và ấn tượng hơn với bạn đọc. Đặc biệt, bộ truyện trở lại ở thời điểm các độc giả trẻ đang quan tâm tới trinh thám Việt nhiều hơn.

Việt Cường/TC GĐ&TE