Bà Nguyễn Thị Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa được chủ đầu tư bàn giao nhà vào những ngày cuối năm. Để kịp đón Tết trong căn nhà mới, bà Thành phải chạy đôn chạy đáo thuê người dọn nhà. Gọi điện đến các trung tâm môi giới, bà Thành đều nhận được câu trả lời, hiện trung tâm đã sắp xếp kín lịch cho nhân viên, nếu bà muốn thuê phải chờ nếu có người hủy kế hoạch dọn nhà thì xếp vào.
Sau khi được nhiều người quen giới thiệu những lao động tự do chuyên đi làm giúp việc theo giờ, bà mới thuê được một người đồng ý đến dọn nhà. Tuy nhiên, số tiền bà phải bỏ ra để thuê người giúp việc tăng khá nhiều so với ngày thường. "Do đang cần gấp người dọn nhà nên tôi phải trả với mức giá 500 nghìn đồng/buổi/4 tiếng, tăng gấp đôi so với ngày thường. May còn thuê được người, chứ hai ông bà đều lớn tuổi, các con cuối năm bận rộn nên không thể dọn dẹp được căn nhà để kịp chuyển về đón Tết", bà Thành chia sẻ.
Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, lúc cần thuê giúp việc dọn nhà đón Tết phải "đốt đuốc" tìm, năm nay chị Bùi Lê Na (Âu Cơ, Hà Nội) từ đầu Tháng 12 Âm lịch, chị đã gọi điện đến các Trung tâm đăng ký thuê người dọn nhà vào ngày 22 tháng Chạp, để kịp tổ chức cúng lễ tiễn ông Táo về trời. Tuy nhiên, khi chị gọi đến các công ty dọn dẹp vệ sinh hầu hết đã kín lịch. "Một số khác thì tăng giá cao và yêu cầu làm ngoài giờ vào buổi tối. Mức giá được đưa ra phụ thuộc vào nhà nhiều đồ hay ít đồ, nhà chung cư hay nhà đất... Giá đắt cũng đành phải thuê vì cuối năm hai vợ chồng lắm việc nhưng nhà cửa thì không thể không dọn dẹp để kịp đón năm mới", chị Na cho hay.
Dù đã giữ mối quen biết làm thường xuyên cuối tuần với bà giúp việc theo giờ nhưng đến cuối năm, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (Ba Đình, Hà Nội) vẫn bị "bể kèo". Cứ cuối tuần, gia đình anh Tiến thuê một bà chuyên đến dọn dẹp nhà cửa với mức giá ổn định 50 nghìn đồng/giờ. Trung bình, mỗi lần dọn 4 tiếng với mức giá 200 nghìn đồng. Bà giúp việc hứa làm ổn định, dịp lễ tết mức giá sẽ tăng thêm 100 nghìn đồng/lần.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 12 Âm lịch, người giúp việc không đến làm. Khi gọi điện lúc nhận được câu trả lời đang về quê, lúc báo đang ở xa không về kịp. Anh Tiến tìm hiểu ra mới biết, cuối năm giá dịch vụ tăng gấp đôi, gấp ba lần nên bà bỏ mối quen. Anh Tiến cho hay: "Nếu họ muốn tăng tiền có thể thương lượng lại, đằng này lại lặng lẽ rút lui không giải thích rõ ràng. Vì mối quen nên họ đã quen việc nên muốn giữ, nay đi thuê người mới lại mất công hướng dẫn và không biết có đáng tin tưởng không".
Chị Lan Anh, quê ở Nam Định lên Hà Nội làm lao động tự do, cho hay: "Dọn nhà là việc làm đắt khách nhất dịp cuối năm vì không bị gò bó thời gian mà mức thu nhập cao, lượng việc nhiều làm không xuể. Trung bình mỗi ngày tôi kiếm được hơn 1 triệu đồng, chưa kể những ngày cao điểm cận Tết có giá cao hơn. Nếu biết liệu việc, rủ 3 người thành nhóm làm luân phiên thì ngày kiếm 5 triệu đồng".
Với nhiều gia đình có giúp việc thường xuyên, cuối năm cũng là thời điểm bận rộn nhưng giúp việc thường xin nghỉ từ 22 tháng Chạp để kịp về quê tiễn ông Công ông Táo. Để có người hỗ trợ việc nhà trong mấy ngày Tết, nhiều gia đình chấp nhận chi khoản tiền không nhỏ.
Ngay từ tháng 10, tháng 11 Âm lịch, gia đình chị Nguyễn Minh Ánh (Long Biên, Hà Nội) đã nhờ người thân tìm người giúp việc từ 22 tháng Chạp đến Rằm tháng Giêng. Tiền công để trả giúp việc trong mấy ngày Tết gấp 3 lần ngày thường vẫn khó thuê người và khó tìm được người thạo việc. Theo đó, 7 ngày Tết, mỗi ngày trả 1 triệu đồng, còn những ngày cận Tết mức giá 500 nghìn đồng/ngày. "Chi phí đắt đỏ nhưng nhà có con nhỏ, tôi lại bận rộn nên không thể thiếu giúp việc. Vì thế, năm nào cuối năm giúp việc về quê tôi cũng phải chạy đôn chạy đáo từ tháng 11 nhờ người thuê giúp việc trong mấy ngày Tết. Những ngày này, hầu hết người giúp việc về quê nên rất khó tìm người để thuê", chị Minh Ánh cho biết.
Với nhiều gia đình rất cần có sự hỗ trợ của người giúp việc, đặc biệt là dịp Tết công việc bận rộn. Tuy nhiên, các gia đình cần cảnh giác với những lao động thời vụ, lao động không qua các trung tâm giới thiệu uy tín,… để tránh tình trạng lừa đảo đã từng xảy ra.