TP Bạc Liêu trở thành đô thị loại II
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, TP Bạc Liêu phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhất là hạn chế về nguồn lực đầu tư cho phát triển. Song với quyết tâm vượt khó, Đảng bộ thành phố đã vận dụng sáng tạo nhiều quyết sách đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, huy động và tranh thủ nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển, giải quyết kịp thời những khó khăn, thách thức và đưa thành phố trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh.
Trong 5 năm qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thành phố đạt gần 8.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên 3.437 tỷ đồng, với trên 200 công trình, dự án được đầu tư xây dựng (tăng gần 3 lần so với giai đoạn 2005 - 2010); còn lại trên 5.000 tỷ đồng là vốn đầu tư từ trong nhân dân và các thành phần kinh tế khác.
Một góc TP. Bạc Liêu hôm nay.
Hầu hết các công trình, dự án trọng điểm hiện đại phục vụ sự phát triển đô thị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đã được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng có hiệu quả, qua đó làm cho diện mạo đô thị của thành phố ngày càng thay đổi sâu sắc và hiện đại hơn. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thành phố đã lát gạch vỉa hè 100% tuyến đường nội ô; nâng cấp, mở rộng và làm mới 78 tuyến hẻm; mở rộng lộ giao thông nông thôn; mắc đèn chiếu sáng 128 tuyến hẻm, tổng kinh phí trên 28 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, thành phố còn đầu tư chỉnh trang, nâng cấp 5 khu dân cư trong nội ô, hình thành và phát triển 8 khu dân cư, khu đô thị mới đạt chuẩn theo quy định, quy hoạch và mở rộng không gian đô thị thành phố ở các phường, xây dựng và phát triển thêm một số phố thương mại, mua bán về đêm phục vụ phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch...
Đặc biệt, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự đóng góp tích cực của doanh nghiệp, nhân dân, Thủ tướng Chính phủ quyết định “Công nhận TP Bạc Liêu là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bạc Liêu” vào tháng 4/2014. Thành phố đã “về đích” trước 1 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đề ra. Đó là kết quả của sự chung sức, chung lòng vì một đô thị loại II, thành phố xanh - sạch - đẹp và văn minh.
TP Bạc Liêu được công nhận là đô thị loại II có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới, vượt bậc về kinh tế - xã hội của thành phố nói riêng và của tỉnh nói chung. Đây chính là tiền đề để TP Bạc Liêu tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn ở những năm tiếp theo.
Khai thác tiềm năng du lịch
Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất của Bạc Liêu trong nhiệm kỳ qua là việc Tỉnh ủy Bạc Liêu ban hành Nghị quyết 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Có thể nói, từ khi Nghị quyết 02 ra đời, bức tranh du lịch của tỉnh như bừng lên một gam màu sáng. Bởi từ đây, những công trình của Bạc Liêu được hình thành và phát triển thành những điểm du lịch tiêu biểu như Cụm văn hóa Quảng trường Hùng Vương, Khu biển nhân tạo tại Nhà Mát, khu nhà công tử Bạc Liêu...
Bên cạnh đó, Bạc Liêu còn khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển hệ thống nhà hàng, khách sạn, mở thêm nhiều điểm vui chơi giải trí mới phục vụ người dân và du khách. Nhờ vậy, lượng du khách tăng nhanh, năm sau luôn cao hơn năm trước. Lượng khách tăng bình quân hàng năm gần 19% và cho tổng doanh thu dịch vụ từ du lịch tăng trên 20%. Riêng năm 2013, TP. Bạc Liêu đón hơn 560.000 lượt du khách, trong đó có khoảng 17.500 lượt khách quốc tế, cho tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt hơn 560 tỷ đồng.
Với khẩu hiệu “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch” đã dấy lên phong trào làm du lịch sôi nổi. Đất vườn tạp bỏ hoang trước đây được nông dân các xã vùng ven cải tạo thành vườn cây ăn trái, phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị như: Trồng hoa kiểng, nuôi cá kiểng để phục vụ nhu cầu tham quan và cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh.
Một nội dung rất quan trọng của Nghị quyết 02 là cùng với phát triển hệ thống thương mại - dịch vụ, còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống từ các di tích. Bạc Liêu đã tổ chức lễ đón bằng công nhận nhiều di tích cấp tỉnh trên địa bàn thành phố, gồm các căn nhà cổ số 25, 16, 174, 56, 32, 29, 369, 59, 57, tòa nhà cổ Tham biện, nhà cổ của ông Khưu Hải Chiêu, trụ sở Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Bạc Liêu... Ngoài ra, Nghị quyết 02 còn giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, tự hào với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc từ việc tôn tạo các di tích, phát huy giá trị các “địa chỉ đỏ”, các loại hình nghệ thuật độc đáo của ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer phục vụ phát triển du lịch.
Nhìn chung, những kết quả mà Nghị quyết 02 mang lại đã mở ra hướng đi mới cho du lịch Bạc Liêu bứt phá.
Quyết tâm trở thành “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp của cả nước
Khi nói đến con tôm công nghiệp là người ta nghĩ ngay đến Bạc Liêu, bởi vùng đất này đã trở thành điểm sáng và tiên phong cho nhiều mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất hiện nay. Phát huy thế mạnh này, Bạc Liêu sẽ tập trung đầu tư cho con tôm với quyết tâm trở thành “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp của cả nước.
Thu hoạch tôm trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc.
Năm 2015, trong khi ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) của cả nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thì Bạc Liêu lại trở thành địa phương điển hình và đột phá về các mô hình nuôi tôm. Đó là mô hình nuôi tôm sạch siêu thâm canh trong nhà kính của Tập đoàn Việt - Úc tại Bạc Liêu. Đây là dự án đầu tiên được triển khai tại huyện Hòa Bình với diện tích 50ha, nhưng hiệu quả mang lại vượt ngoài dự đoán. Với năng suất đạt 40 - 80 tấn/ha/vụ, tương đương 120 - 240 tấn/ha/năm, mô hình nuôi tôm này đã phá vỡ cách nuôi truyền thống và sản lượng tăng từ 10 - 15 lần.
Với quyết tâm làm giàu từ con tôm và đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ” nuôi tôm công nghiệp của cả nước, trong năm 2016, Bạc Liêu sẽ tập trung đầu tư xây dựng ngành NTTS theo hướng hiện đại, không ngừng nâng cao giá trị gia tăng, có khả năng cạnh tranh cao. Để thực hiện mục tiêu chiến lược này, UBND tỉnh đã ban hành Đề án tái cơ cấu ngành NTTS theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030.
Bên cạnh đó, Bạc Liêu cũng sẽ đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc đầu tư xây dựng những cánh đồng tôm theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đặc biệt, xây dựng khu sản xuất, nuôi tôm công nghệ cao và phát triển mạnh mô hình thực hành thủy sản tốt có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic.
Theo Sở NN&PTNT Bạc Liêu, năm 2016 Bạc Liêu sẽ huy động các nguồn lực để đầu tư cho con tôm. Trong đó, ưu tiên đầu tư cho phát triển hạ tầng, xây dựng các trung tâm nghiên cứu thủy sản và đẩy mạnh thu hút đầu tư, không chỉ đưa Bạc Liêu trở thành “mỏ tôm” sạch chất lượng cao của cả nước, mà còn là trung tâm cung cấp con giống chất lượng hàng đầu của khu vực ĐBSCL và cả nước.
Có thể thấy rằng, bằng sự quyết tâm, đoàn kết, năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của mình, Bạc Liêu đang từng ngày "thay da đổi thịt". Với những gì đã làm được, tin rằng Bạc Liêu sẽ còn tiến nhanh và xa hơn nữa trên lộ trình phát triển của mình.