Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dự án 1.000 nhà vệ sinh thuộc Chương trình "Điều ước cho em" giúp học sinh cải thiện sức khỏe, yên tâm học tập

Theo thống kê cả nước có 188.000 nhà vệ sinh học sinh ở các cấp học, từ mầm non đến THPT, trong đó có 67% nhà vệ sinh kiên cố. Trong đó, nhà vệ sinh ở cấp tiểu học có tỷ lệ kiên cố thấp nhất với chỉ gần 58%; tiếp đến là THCS hơn 67%, mầm non hơn 70% và THPT cao nhất, hơn 80%. Ở một số địa bàn còn nhiều khó khăn, nhà vệ sinh trường học đôi khi chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Học sinh có tâm lý e ngại thậm chí sợ đi vệ sinh vì bẩn hoặc thiếu kín đáo.

Chương trình “Điều ước cho em” kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình “Điều ước cho em” kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chung tay xây dựng nhà vệ sinh cho các trường học vùng sâu vùng xa có ý nghĩa rất lớn. Các em học sinh có điều kiện, cơ sở vật chất cơ bản để yên tâm học tập và phát triển toàn diện bản thân; từ đó, trở thành những con người có ích cho xã hội.

Được khởi công vào đúng ngày tổ chức Lễ phát động Chương trình “Điều ước cho em”, 3 công trình đầu tiên của Dự án 1.000 nhà vệ sinh thuộc Chương trình "Điều ước cho em" đã chính thức hoàn thành sau 3 tháng thi công. Đó là các nhà vệ sinh của trường Mầm non A Dơi (xã A Dơi, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), điểm trường Sa Tuông thuộc trường TH&THCS Ba Tầng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) và trường Mầm non Păng Dê (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái). Việc đưa 3 công trình này vào sử dụng đã giúp cho 405 em học sinh ở hai tỉnh Quảng Trị và Yên Bái có cơ hội được sử dụng nhà vệ sinh sạch sẽ, thân thiện và an toàn. Đây cũng là điều kiện để các em cải thiện sức khỏe và yên tâm học tập.

Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Đề án Hệ tri thức Việt số hoá thực hiện nhằm giới thiệu, lan tỏa và kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ học sinh và giáo viên tại các địa bàn khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ 06 nhóm “điều ước” cũng chính là nhu cầu bức thiết hiện nay: Hỗ trợ đầu tư xây dựng các điểm trường, nhà công vụ, phòng học cho các trường học địa bàn vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ xây mới hoặc cải tạo nhà vệ sinh; Hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện, nước sạch; Hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh bán trú để cải thiện dinh dưỡng học đường; Hỗ trợ trang thiết bị, đồ dùng học tập và sinh hoạt cho học sinh (Sách vở, dụng cụ học tập, quần áo,…); Hỗ trợ thiết bị nâng cao thể chất cho học sinh (sân chơi, dụng cụ tập luyện thể dục thể thao…).

Chương trình nhằm vận động, kết nối nguồn lực, sẻ chia và lan tỏa các giá trị nhân ái trong cộng đồng và xã hội để hỗ trợ học sinh, thúc đẩy phát triển giáo dục tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thúc đẩy sức khỏe học đường và nâng cao thể chất cho học sinh.

Empty
Empty

Trung tâm Thông tin Nguồn lực Tình nguyện Việt Nam (hay còn gọi là Trung tâm Tình nguyện Quốc gia - TTTNQG) được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao làm đơn vị thường trực, điều phối và tiếp nhận nguồn lực triển khai Chương trình "Điều ước cho em". Theo kế hoạch được thống nhất giữa TTTNQG và Quỹ Vì Tầm Vóc Việt, dự kiến sẽ có khoảng 27 công trình nhà vệ sinh được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2021 nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của hàng nghìn học sinh bậc học mầm non và tiểu học ở các địa bàn khó khăn trên khắp cả nước.

Trong các năm tiếp theo dự kiến mỗi năm sẽ có khoảng 100 nhà vệ sinh được khởi công để đạt mục tiêu hoàn thành 1.000 nhà vệ sinh vào năm 2031.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk cho hay, bà rất hạnh phúc khi được góp phần hỗ trợ cho các em học sinh có môi trường học tập tốt hơn. Bên cạnh việc cam kết đồng hành cùng chương trình với 1.000 nhà vệ sinh, bà Thái Hương cho biết, từ việc đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chương trình Sữa học đường, bà đeo đuổi làm thế nào đóng góp cho những điều ước lớn hơn của các em, để các em có đủ trí lực, bay cao và bay xa.

“Chúng tôi muốn làm toàn diện hơn nữa là bữa ăn học đường, sức khỏe học đường. Chúng tôi đã thực nghiệm tại 10 tỉnh chương trình sức khỏe học đường với nhiều góc độ như dinh dưỡng học đường, hoạt động thể chất, vệ sinh... Tôi rất mong muốn các bộ, ban, ngành chung sức, làm bài bản, có nghiên cứu và từ sau 10 tỉnh thử nghiệm có thể làm chính thức chương trình này. Chúng tôi cam kết sẽ cùng đồng hành với chương trình. Tôi nghĩ sẽ nhiều nhà hảo tâm sẵn sàng cùng làm,” bà Thái Hương nói.