Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dự án bất động sản nợ thuế: Người mua nhà chịu thiệt

Cục Thuế Hà Nội vừa công bố danh sách các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) nợ thuế, trong đó có nhiều dự án đã bán nhà cho khách hàng. Thông tin ngành thuế đưa ra khiến người mua nhà lo lắng bị ảnh hưởng quyền lợi…

Bán được hàng vẫn nợ thuế 

Theo số liệu từ Cục Thuế Hà Nội, 28 dự án BĐS hiện đang nợ thuế với tổng số tiền lên đến gần 2.000 tỷ đồng, trong số đó, nhiều dự án đang bán hàng rất tốt. Điển hình, Cty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội nợ số tiền lên đến gần 116 tỷ đồng tại dự án Trung tâm thương mại và nhà ở C1, khu Trung Hòa - Nhân Chính (còn gọi là Diamond Flower Tower). Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Năm 2014, dù dự án được mở bán với giá khá cao, khoảng 32 triệu đồng/m2, nhưng vẫn gây sốt trên thị trường, tiền chênh khách hàng phải trả để sở hữu căn hộ tại đây có khi lên tới 300 triệu đồng/căn so với giá gốc. Hiện sản phẩm căn hộ dự án đã được bán hết, nhưng nghĩa vụ thuế lại không được chủ đầu tư thực hiện.

Một dự án khác trong danh sách nợ thuế là Khu chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (62 Nguyễn Huy Tưởng), có tên gọi khác là Chung cư Mỹ Sơn, của Cty cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn. Đầu năm 2015, căn hộ tại đây được bán với giá từ 22 - 24 triệu đồng/m2. Đến nay, các căn hộ dự án đã được tiêu thụ hết, nhưng theo số liệu từ Cục Thuế Hà Nội, chủ đầu tư vẫn nợ thuế đến 76,4 tỷ đồng.

Người mua nhà cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dự án.

Có mặt trong danh sách chây ỳ thuế năm 2015 còn có Cty cổ phần Đầu tư xây dựng số 9 (Hanco 9) với số nợ 99,7 tỷ đồng tại dự án Beriver tại phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hiện dự án đang được hoàn thiện, còn sản phẩm đã được bán hết từ vài năm nay. Điều đáng nói, chủ đầu tư có dấu hiệu chây ỳ nghĩa vụ thuế từ năm này sang năm khác. Được biết, trong năm 2014, Hanco 9 cũng có mặt trong danh sách doanh nghiệp chây ỳ thuế, với số tiền khoảng 100 tỷ đồng.

Dự án Tòa nhà hỗn hợp và ở kết hợp dịch vụ thương mại, văn phòng (tên gọi khác là Sapphire Palace) của Cty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh BĐS Hà Nội Sông Hồng có mặt trong dách sách chây ỳ thuế, với số thuế còn nợ là 10,5 tỷ đồng. Dự án từng được chủ đầu tư bán ra thị trường với giá khoảng 22 triệu đồng/m2, tiền chênh ngoài hợp đồng mua bán khoảng 4 triệu đồng/m2. Đến nay, chủ đầu tư cơ bản đã bán hết hàng, dự án cũng chuẩn bị hoàn thiện phần thô.

Cty cổ phần Sông Đà Thăng Long cũng được nhắc đến trong danh sách nợ thuế, với số tiền chưa nộp lên đến 375 tỷ đồng. Số tiền thuế tăng mạnh so với số thuế Cty nợ theo công bố của Cục Thuế Hà Nội trong năm 2013 (280 tỷ đồng).  Sông Đà Thăng Long được biết đến là chủ đầu tư của Dự án Khu đô thị Văn Khê và Dự án tổ hợp Usilk City tại Hà Nội. Hiện Dự án Khu đô thị Văn Khê đã hoàn thiện, trong khi tổ hợp Usilk City phần lớn vẫn còn “đắp chiếu”…

        Phối cảnh khu đô thị Phú Lương

        Ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng     

Theo luật hiện hành, các dự án khi chủ đầu tư chưa thực hiện xong các nghĩa vụ tài chính thì không thể cấp sổ đỏ, quy định này đồng nghĩa với việc vô hiệu hoá các quyền chuyển nhượng, quyền thế chấp sử dụng hợp pháp. Đây là lo lắng lớn nhất của khách hàng trót mua nhà tại những dự án nợ tiền thuế đất!

Giống như hàng nghìn khách hàng khác hiện đang ngồi trên đống lửa khi biết mình mua nhà tại những dự án mà chủ đầu tư đang nợ thuế, anh Phi Khắc Tiệp (Hà Đông), khách hàng mua nhà tại dự án khu đô thị Phú Lương, cho hay: “Gia đình đã phải xoay xở, chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền mua một căn hộ ở dự án Phú Lương, nay mới điết đơn vị này đang nợ thuế. Chủ đầu tư nợ thuế thì sẽ bị treo sổ đỏ, mình muốn nhượng lại cho người khác cũng khó”. Anh Tiệp cho biết, đóng thuế là việc giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế. Khi bán dự án ra thị trường, chủ đầu tư hiếm khi công khai chuyện đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước hay chưa. Bên cạnh đó, khi mua nhà trong hợp đồng cũng ghi chung chung sau bao lâu thì có sổ đỏ, sổ hồng chứ không công khai việc nộp tiền sử dụng đất.

“Tích cóp, vay mượn được tiền mua nhà, chúng tôi chỉ biết chọn những dự án vừa túi tiền lại thuận tiện trường học của con hoặc cơ quan bố, mẹ. Có chăng là quan tâm dự án bao giờ hoàn thành đưa vào sử dụng chứ chuyện chủ đầu tư nợ thuế làm sao có thể biết. Chưa kịp vui vì sắp có chỗ “chui ra chui vào”, nay lại nơm nớp lo quyền lợi của mình không được đảm bảo”, chị Dương Thu Hương, khách hàng mua nhà tại dự án Phú Lương lo lắng.

Theo khuyến cáo của các luật sư, khi ký hợp đồng góp vốn hoặc mua bán căn hộ cũng như đất nền tại các dự án, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các chứng từ, giấy tờ chứng minh việc đã hoàn tất nghĩa vụ với Nhà nước để tránh những rủi ro về sau. Để người mua nhà không bị rơi vào thế kẹt “có nhà nhưng không thể thế chấp, cầm cố”, cơ quan chức năng cần siết lại quy định chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trước khi mở bán.