Tôi công tác ở Sở Văn hóa Thông tin từ năm 2001, báo cáo của Sở cho biết chủ trương xây nhà hát giao hưởng có từ năm 1999, Sở năm lần bảy lượt báo cáo về các giải pháp triển khai thực hiện nhưng chẳng lần nào xong.
Có lần, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã đồng ý cho mời đơn vị tư vấn có kinh nghiệm quốc tế để tổ chức thi kiến trúc bên trong và bên ngoài nhà hát, cho phép một công ty của Đức báo giá thiết bị đàm bảo tối ưu nguyên tắc âm học. Đến đó thì tưởng như nhà hát đã sắp từ mơ chuyển thành thực. Nhưng rồi, lời phán của lãnh đạo thành phố khi ấy đã dập tắt mọi hi vọng “Gì mà kinh phí dự trù lên tới 1.000 tỷ đồng! Lớn tiền quá, giảm, tối đa 400 tỉ thôi!”. Số tiến ấy không nhỏ đối với ngân sách, nhưng đối với một nhà hát yêu cầu đặt ra là phải đạt chuẩn quốc tế về nhiều mặt thì chỉ tạm đủ cho tổ chức thi quốc tế về thiết kế kiến trúc. Các đơn vị ra đi không trở lại. Và nhà hát tiếp tục nằm trên giấy cho đến ngày tôi về hưu, cách nay đúng 10 năm.
Những đơn vị nghệ thuật và quản lý nghệ thuật có khoanh tay thụ động chờ nhà hát đạt chuẩn quốc tế không? Không. Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức sự kiện âm nhạc hàn lâm hàng năm vào tháng 8, mang tên “Giai điệu Mùa thu” với mục đích chính là thu hút các nhân tài âm nhạc là người Việt Nam đang học tập và làm việc tại các nước phát triển để họ tham gia biểu diễn định kỳ tại Việt Nam trước và sau khi có nhà hát.
Khu đất nơi TP.HCM dự định xây dựng nhà hát tầm cỡ quốc tế, nằm liền kề dự án Nhà triển lãm TP.HCM hiện đang được thi công. Ảnh: Tuấn Kiệt
Thành phố cũng đã chi tiền ngân sách mua mới gần như toàn bộ nhạc cụ loại tốt cho dàn nhạc và đã tạo điều kiện để Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (HBSO) được nhiều lần giao lưu biểu diễn và trao đổi nghề nghiệp tại các nước phát triển. Các chương trình giao hưởng, múa và hợp xướng mà HBSO nỗ lực “sáng đèn” mỗi tháng từ hai đến ba lần được đánh giá ngày càng có chất lượng hơn.
Bằng tài năng cá nhân và sự hỗ trợ của cơ quan có thẩm quyền về quản lý, đào tạo, nhiều tên tuổi trẻ nổi bật đã xuất hiện trong những năm qua: Tăng Thành Nam, Nguyễn Phúc Hùng, Trần Nhật Minh, Thanh Tuyền, Anh Bằng…, tạo niềm tin cho những người luôn kỳ vọng vào sự phát triển của âm nhạc hàn lâm non trẻ của thành phố lớn bậc nhất ở phía nam đất nước. Những cố gắng kể trên đều là hướng tới mục tiêu khi có nhà hát đạt chuẩn quốc tế của thành phố là có nghệ sĩ, nhạc cụ và chương trình từng bước ngang tầm.
Thế thì, có vấn đề gì ở nhà hát 1500 tỷ đồng mà HĐNDTP HCM vừa thông qua trong phiên họp bất thường ngày 8/10/2018? Theo tôi, có mấy vấn đề sau đây.
Thứ nhất, thực hiện một dự án nhà hát đã kéo dài gần 20 năm từ khi có chủ trương thì có gì cấp bách đến mức phải tổ chức một phiên họp bất thường khiến cho mối quan tâm của xã hội lẽ ra bình thường đã trở nên “bất thường”? Bất thường ở chỗ, nhiều năm qua dư luận và công luận đã nhiều lần nhắc đến dự án nhà hát giao hưởng như một món nợ khó đòi của chính quyền thành phố.
Biết bao lời chì chiết đã ném đi “đầu tư cho thương mại thì nặng, đầu tư cho văn hóa thì nhẹ - nhẹ cả cơ sở vật chất lẫn đào tạo nhân lực”, “một thành phố lớn như thành phố HCM mà bao nhiêu năm không xây nổi một nhà hát xứng tầm”! Nói cho công tâm, những câu ấy nói ra vào lúc đời sống của số đông khó khăn, eo hẹp hơn bây giờ nhiều chứ? Vậy mà có ai bảo vì cơm chưa no thì không nên xây nhà hát! Nay, với việc HĐNDTP HCM bất thường thông qua dự án nhà hát giao hưởng thì dường như bao nhiêu nỗi niềm cay đắng về việc đầu tư không đâu vào đâu cho văn hóa – trong đó có cơ sở vật chất, đã biến cả thành sự chỉ trích cay độc cho việc xây cái nhà hát này. Số tiền 1500 tỷ để xây dựng nhà hát đạt chuẩn quốc tế đáng băn khoăn thật, nhất là lấy từ tiền bán công sản 23 Lê Duẩn.
Nhưng điều đáng băn khoăn hơn số tiền lớn kia lại chính là những người được giao trọng trách thực hiện có làm đúng quy chuẩn để có một thiết chế văn hóa đạt chuẩn quốc tế không, từ việc chọn lựa vị trí xây nhà hát ít bị ảnh hưởng địa chấn nhất đến kiến trúc, thiết kế âm học, thiết kế không gian biểu diễn nhiều loại hình, kể cả tổ chức thư viện âm nhạc hàng đầu phục vụ tra cứu, nghiên cứu…
Thứ hai, có đúng là vì dồn tiền cho việc xây nhà hát giao hưởng rồi nên thành phố không còn tiền để xây thêm trường học, xây thêm bệnh viện cho trẻ em, cho bệnh nhân ung bướu?
Thứ ba, Nhà hát đạt chuẩn quốc tế này dứt khoát phải xây theo tiêu chuẩn biểu diễn của loại hình nghệ thuật đỉnh cao là giao hưởng, nhưng nó cũng đồng thời là nơi mà các loại hình nghệ thuật khác, yêu cầu thấp hơn, có thể biểu diễn. Như vậy, vừa tránh được lãng phí trong sử dụng mặt bằng, vừa thỏa mãn được nhu cầu giao lưu quốc tế giữa các dàn nhạc trên thế giới khi đến Việt Nam biểu diễn. Và như vậy, thay vì gọi tên theo loại hình nghệ thuật là nhà hát giao hưởng, tại sao không gọi nhà hát này bằng một cái tên khác dung dị hơn, dễ gần hơn đối với cả nghệ sĩ và khán giả? Nhà hát Bến Nghé chẳng hạn. Ở Nga có nhà hát ba lê mang tên Ban Sôi. Ở Singapore có nhà hát Esplanade.
Thứ tư, tại sao lại chọn thời điểm công bố xây nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ ở Thủ Thiêm đúng vào lúc Thủ Thiêm đang nóng bỏng nỗi oan ức nặng nề của người dân suốt hai mươi năm bị đối xử bất công? Vào lúc mà các câu hỏi về bảo tồn di sản kiến trúc tôn giáo có giá trị ở đây chưa có lời giải đáp rõ ràng? Vào lúc mà những con người và cơ quan có trách nhiệm cụ thể đối với tình hình đen tối ấy chưa một ai chính thức bị khoác vào người ít nhất một án kỷ luật?
Đấy, vấn đề là ở chỗ: không phải tại cái nhà hát 1.500 tỷ đâu. Nó bị oan đấy. Và nó thực sự vẫn cần cho sự phát triển đời sống tinh thần của người dân như các công trình dân sinh khác. Vấn đề theo tôi là tại sao ở Thủ Thiêm và tại sao lúc này.
Theo Nguyễn Thế Thanh / Vietnamnet.vn