Hội An đang thu hút du khách từ sự hấp dẫn của đô thị cổ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Tại hội thảo quốc tế "Đầu tư vào đô thị hoá bền vững" diễn ra tại Đà Nẵng ngày 22/11, bà Lê Thị Kim Phương - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng, đã giới thiệu dự án tàu điện Đà Nẵng - Hội An đến các nhà đầu tư quốc tế.
Bà Phương cho biết, sự gia tăng phương tiện cá nhân ở thành phố Đà Nẵng và Hội An (Quảng Nam), cùng với việc thiếu phương tiện giao thông công cộng kết nối hai địa phương là lý do đầu tư tàu điện.
Theo đề xuất, tuyến tàu điện có chiều dài 33 km, hai chiều đi và đến hướng từ sân bay quốc tế Đà Nẵng qua trung tâm thành phố đến phố cổ Hội An, theo tuyến đường ven biển.
Hình thức đầu tư ODA hoặc PPP, thời gian thực hiện 2019-2025, tổng mức đầu tư từ 7.500 tỷ đồng đến 15.000 tỷ đồng, tương đương 330 đến 660 triệu USD tùy gia đoạn.
Trong đó, thành phố kêu gọi vốn ODA từ 6.700 tỷ đồng đến 13.400 tỷ đồng. Phía Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ đối ứng khoảng 750 đến 1.500 tỷ đồng. Còn PPP thì kêu gọi hình thức BT, BOT...
Trao đổi với VnExpress, bà Phương thông tin, qua hội thảo một số nhà đầu tư trong và ngoài nước bày tỏ quan tâm đến dự án, nhưng phải chờ sau 2020 vì thành phố đang có nhiều dự án trọng điểm khác. Các nhà đầu tư nghiêng về hình thức PPP.
Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cho biết, chủ trương đầu tư tuyến tàu điện đã được chính quyền Đà Nẵng và Quảng Nam thống nhất từ năm ngoái. Tuy nhiên phía thành phố Hội An chưa thống nhất về hướng tuyến. Số vốn cụ thể sẽ được xác định khi có báo cáo khả thi.
Ngoài kêu gọi vào dự án tàu điện, Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư vào sáu dự án khác, gồm cảng Liên Chiểu; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn; Di dời ga đường sắt và đối mới đô thị tích hợp; phát triển giao thông phi cơ giới và ứng dụng hệ thống thông minh trong quản lý điều hành giao thông; xây dựng thành phố thông minh; xây dựng mới các khu công nghiệp.