Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

  2. Pháp luật

Dự án thi công gây hư hại nhà cửa, nhiều hộ dân bất an

Trong suốt thời gian vừa qua, hàng chục hộ dân sống dọc bờ sông Như Ý, thuộc địa phận 2 phường Xuân Phú và Phú Hội (TP Huế) không khỏi thấp thỏm, lo sợ khi nhà cửa của họ bị nứt nẻ, sụt lún do quá trình thi công dự án kè bờ sông. Nỗi sợ của người dân càng nhân lên khi miền Trung đang trong mùa mưa lũ.

Dự án bờ kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý ở TP Huế

Dự án bờ kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý ở TP Huế

Dự án bờ kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý có chiều dài gần 1,6 km, chạy qua 2 phường Phú Hội và Xuân Phú, TP Huế. Dự án được khởi công từ tháng 6/2023, do Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP Huế làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 260 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản. Đơn vị thi công dự án là liên danh nhà thầu Công ty CP Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế và Công ty CP Xây dựng 568 - Hà Nội.

Để thực hiện dự án nói trên, các đơn vị thi công đã tiến hành đóng hơn 1.600 cọc bê tông dẹp, với chiều dài từ 12 - 22m xuống khu vực sát bờ sông theo phương pháp ép cọc bằng thủy lực; đồng thời đóng nhiều cọc bê tông trụ tròn để gia cố bờ sông. Quá trình nhà thầu thi công ép cọc đã gây ảnh hưởng đến nhà cửa, công trình của gần 40 hộ dân sống dọc đường Nguyễn Công Trứ (phường Phú Hội) và đường Nguyễn Lộ Trạch (phường Xuân Phú).

Trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nhà của gia đình ông Nguyễn Tấn Đức (57 tuổi, tại số 57, đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú). Theo ông Đức, trong quá trình thi công dự án, do tác động của máy móc, sức rung của việc đóng cọc bê tông đã làm nhiều hạng mục, như: bức vách, tường ngăn, trụ, dầm, mặt nền, móng nhà của gia đình ông bị nứt nẻ, sụt lún nghiêm trọng. Lo sợ các hạng mục này có thể sập xuống bất cứ lúc nào, hiện nay, gia đình ông Đức và nhiều hộ dân khác phải mua gỗ, sắt về chống đỡ tạm tại những vị trí bị hư hỏng. “Nhà cửa chúng tôi ở ổn định lâu nay, được xây dựng kiên cố, là nơi sinh hoạt chung của nhiều thế hệ, như gia đình tôi còn có mẹ già và 2 con nhỏ nên rất lo lắng. Đặc biệt đợt mưa lũ lớn vừa qua (từ 13 - 16/11), chúng tôi không dám ở trong nhà”, ông Đức kể.

Tường nhà của gia đình ông Nguyễn Tấn Đức bị nứt nẻ nghiêm trọng do thi công dự án kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý

Tường nhà của gia đình ông Nguyễn Tấn Đức bị nứt nẻ nghiêm trọng do thi công dự án kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý

Tương tự là trường hợp của gia đình ông Lê Văn Thu (54 tuổi, ở số 53, đường Nguyễn Lộ Trạch, phường Xuân Phú) cũng bị hư hỏng ở nhiều vị trí do quá trình thi công dự án kè bờ sông Như Ý. Tại thửa đất nhà ông Thu có 2 hộ với 10 nhân khẩu, trong đó có cụ già 80 tuổi và 1 trẻ em, nên cả gia đình rất lo lắng, bất an. Hay như nhà của anh Trần Công Quang (số 61, đường Nguyễn Lộ Trạch) xuất hiện nhiều vết nứt chạy dài ở phần tường nhà, các công trình phụ, phần sân sau bị sụt lún,…“Nửa đêm đang nằm lại nghe tiếng xé tường, tiếng sắt trong các lõi cột, dầm bê tông bị giãn ra kêu bần bật, không sao ngủ được. Đợt vừa rồi, việc thi công dự án còn làm đứt gãy hệ thống cấp nước sinh hoạt của gia đình nhà tôi, dẫn đến tiền nước tăng lên một cách đột biến”, anh Quang cho biết.

Theo người dân sống dọc bờ sông Như Ý, khi dự án bờ kè và đường đi bộ dọc sông được thi công, họ rất ủng hộ vì nó sẽ góp phần làm đẹp thêm cho thành phố, đồng thời chống sạt lở. Tuy nhiên khi các đơn vị thi công triển khai thực hiện dự án, gây hư hỏng, ảnh hưởng đời sống người dân nhưng lại chậm chạp trong vấn đề hỗ trợ, đền bù, khắc phục khiến họ bức xúc. Trước thực trạng đó, hơn 10 hộ dân ở đường Nguyễn Lộ Trạch (từ nhà số 45 đến số 71) đã có đơn kiến nghị gửi cho UBND phường Xuân Phú, chủ đầu tư dự án cũng như kêu cứu đến các cơ quan báo chí.

Người dân chống đỡ tạm những vị trí bị hư hỏng nặng bằng gỗ, nhưng luôn phải sống trong phập phồng lo sợ công trình sập xuống bất cứ lúc nào

Người dân chống đỡ tạm những vị trí bị hư hỏng nặng bằng gỗ, nhưng luôn phải sống trong phập phồng lo sợ công trình sập xuống bất cứ lúc nào

Trong đơn, người dân cho biết, mỗi lần đơn vị thi công đóng cọc bê tông khiến nhà cửa rung lên như động đất, xuất hiện các vết nứt chạy dài càng ngày càng rộng và nhiều hơn. Người dân nhiều lần kiến nghị và đơn vị thi công cũng đã cử người trực tiếp ghi nhận thực trạng. “Tuy nhiên đã hơn một tháng trôi qua, các hộ dân chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo hay có phương án gì xử lý, điện thoại nhiều lần thì trả lời vòng vo và đến nay thì tắt máy, nhiều lần không liên lạc được”, trích đơn kêu cứu của người dân.

Empty
Sân, hè nhà dân bị nứt toác, sụt lún do thi công dự án kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý

Sân, hè nhà dân bị nứt toác, sụt lún do thi công dự án kè và đường đi bộ dọc sông Như Ý

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh - Giám đốc Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường nước TP Huế (chủ đầu tư dự án) cho biết, trước khi thi công, các đơn vị cũng đã lường trước được sẽ xảy ra rung chấn gây ảnh hưởng đến những hộ dân có nhà cửa sát bên bờ sông Như Ý. Theo ông Tuấn Anh, qua khảo sát thực tế, đơn vị xác định được tình trạng sạt lở ở mức độ thiếu an toàn, nhiều đoạn bờ sông tạo thành hàm ếch, bên dưới nước sâu từ 4 - 5m dọc bờ sông Như Ý. Quá trình sạt lở đã diễn ra từ rất nhiều năm, nên bờ sông ngày càng sát vào nhà dân, làm nền móng yếu cộng thêm việc thi công dự án gây ra tình trạng sụt lún, nứt nẻ tường nhà.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, ngay sau khi nắm bắt thông tin, chủ đầu tư đã cử cán bộ chuyên môn phối hợp với đơn vị thi công, chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, ghi nhận thực tế. Qua kiểm tra, các đơn vị thống kê sơ bộ có 39 nhà dân bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau. “Vừa qua, chúng tôi đã mời các đơn vị liên quan, đơn vị thi công, bảo hiểm họp bàn phương án bồi thường, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Để có phương án xử lý phù hợp nhất, chắc chắn phải trưng cầu một đơn vị tư vấn, giám định độc lập để tính toán mức độ thiệt hại của từng hộ dân. Chúng tôi cũng đang làm việc hết sức khẩn trương, trách nhiệm và hy vọng trong tháng 12/2023 này sẽ có phương án bồi thường cho người dân”. Đại diện chủ đầu tư khẳng định, trách nhiệm bồi thường thuộc về đơn vị thi công. Còn nếu đơn vị thi công đã mua bảo hiểm thì bảo hiểm sẽ tính toán khắc phục cho nhà thầu. Trường hợp nhà thầu trốn tránh trách nhiệm, chủ đầu tư sẽ dựa trên kết quả giám định thiệt hại để khấu trừ vào khối lượng nghiệm thu thanh toán hoặc lấy từ nguồn bảo đảm dự án để bồi thường cho người dân.

Empty
Người dân mong muốn các đơn vị liên quan sớm có phương án khắc phục để họ ổn định cuộc sống, nhất là đảm bảo tính mạng trong mùa mưa lũ này

Người dân mong muốn các đơn vị liên quan sớm có phương án khắc phục để họ ổn định cuộc sống, nhất là đảm bảo tính mạng trong mùa mưa lũ này

Liên quan sự việc, ông Văn Viết Thành - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng thủy lợi Thừa Thiên Huế cho biết: liên danh nhà thầu đang phối hợp với phía bảo hiểm xác định thiệt hại và có hướng khắc phục cho người dân. Đối với những trường hợp nằm ngoài phạm vi bảo hiểm thì nhà thầu sẽ phối hợp với chủ đầu tư và chính quyền địa phương tìm  phương án hỗ trợ thêm để người dân sớm ổn định cuộc sống.