Tuyến đường từ văn phòng điều hành vào công trình thủy điện Khe Thơi.
“Vừa hành quân, vừa xếp hàng”
Dự án Nhà máy thủy điện Khe Thơi (gọi tắt là thủy điện Khe Thơi, tại xã Lạng Khê, huyện Con Cuông) do Công ty Cổ phần thủy điện Khe Thơi làm chủ đầu tư. Theo Giấy chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An chứng nhận thay đổi lần thứ nhất, ngày 6/4/2016, thì thủy điện Khe Thơi có qui mô 12 MW với lưới điện sản xuất trung bình hàng năm khoảng 37,15 triệu Kwh. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu (22/4/2010). Tổng mức đầu tư của dự án là 397,2 tỷ đồng. Công trình được khởi công tháng 11/2015, vận hành và phát điện lưới quốc gia tháng 4/2018.
Trong quá trình triển khai, dự án đã được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An tại Quyết định số 4175/QĐ-BCT năm 2014. Tại Quyết định này có thay đổi các thông số chính của dự án, như: Diện tích lưu vực, mực nước dâng bình thường, mực nước chết, công suất lắp máy... nên thiết kế xây dựng và thực địa mặt bằng xây dựng có sai khác so với Quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định 1781/QĐ-UBND.ĐT năm 2008. Trên cơ sở này, ngày 13/7/2016, UBND tỉnh Nghệ An đã ký Quyết định số 3387 /QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng tỷ lệ 1/2000 và 1/500 công trình thủy điện Khe Thơi.
Khu vực trạm trộn đá hoạt động trong công trình thủy điện Khe Thơi.
Trước và sau khi dự án thủy điện Khe Thơi được điều chỉnh, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện chủ đầu tư thiếu một số thủ tục nhưng vẫn tiến hành xây dựng. Cụ thể, ngày 27/4, UBND huyện Con Cuông giao Phòng TN&MT, Công thương và xã Lạng Khê tiến hành kiểm tra, qua đó ghi nhận tại hiện trường có khoảng 40 công nhân đang làm việc, công ty đang tổ chức thi công tuyến đường từ văn phòng (bên QL 7) vào đập trữ nước có chiều dài 3,8 km, rộng 5m và các công trình nhà ở cho công nhân,… Các công việc này chưa có tác động tới nguồn nước nhưng đã có tác động tới môi trường sinh thái rừng và đất đai. Tại cuộc làm việc, chủ đầu tư cũng chưa có ĐTM. Từ ngày 26 đến 27/7, Sở Công thương Nghệ An chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra tại các công trình thủy điện, trong đó có thủy điện Khe Thơi. Qua kiểm tra cho thấy, một số phần việc trong hạng mục chính đã và đang được thi công, như: Đào xong phần đất hữu cơ vai trái đập, hố móng công trình dẫn dòng, đang tiến hành đào phần đất hữu cơ vai phải đập,… Tại thời điểm này, công trình chưa có phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công, giấy phép xây dựng và ĐTM. Đoàn kiểm tra kiến nghị, chủ đầu tư phải hoàn chỉnh đầy đủ các hồ sơ pháp lý thì mới được triển khai thi công các hạng mục chính của dự án.
Cần cẩu đã được dựng lên tại nơi được xác định là thân đập.
Điều chỉnh giấy tờ không kịp?
Ngày 8/9/2016, UBND huyện Con Cuông tiếp tục có văn bản gửi Công ty Cổ phần thủy điện Khe Thơi, yêu cầu dừng ngay việc thi công xây dựng các hạng mục công trình của dự án khi chưa đảm bảo đầy đủ các điều kiện, thủ tục theo qui định của pháp luật. Văn bản này nêu rõ: Sau khi bổ sung, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục theo qui định thì chủ đầu tư mới được thi công các hạng mục tiếp theo. Trước khi thi công phải báo cáo chính quyền địa phương được biết và theo dõi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi vào chiều 16/11 và sáng 17/11 vừa qua, công trình thủy điện Khe Thơi vẫn thi công bình thường. Tuyến đường từ văn phòng điều hành vào công trình đã được san ủi khá bằng phẳng. Tại nơi được xác định là vị trí thân đập, một trục cần cẩu lớn đã được dựng lên, phía dưới hàng chục công nhân đang làm việc. Lui về phía hạ nguồn Khe Thơi khoảng 100 m là khu vực trạm trộn đá đang hoạt động, tiếng ồn và bụi bay trắng một góc núi…
Một đoạn Khe Thơi đã được san lấp một bên để thi công công trình. (ảnh chụp chiều 16-11).
Khi chúng tôi thông tin công trình thủy điện Khe Thơi vẫn đang thi công, ông Vi Văn Quý, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Con Cuông “xin thông cảm”, vì lực lượng mỏng nên không thể giám sát được, mặt khác khi muốn kiểm tra phải có các ban ngành liên quan. Theo ông Quý, nếu chủ đầu tư tiếp tục không thực hiện yêu cầu của huyện và tỉnh thì sẽ kiến nghị xử phạt nặng theo qui định. Còn ông Phan Thanh Hùng, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện cho rằng, giấy tờ của chủ đầu tư thủy điện Khe Thơi không phải là không đầy đủ, mà là “điều chỉnh không kịp thời”. Tuy nhiên, ông Hùng cũng kiến nghị chủ đầu tư: “Một là bổ sung hồ sơ, hai là tạm dừng, vì anh chưa đủ hồ sơ thì không nên hoạt động”.