Đường đi của cơn bão số 4, dự báo thời tiết sẽ diễn biến bất thường khi cơn bão đi qua đất liền từ Thanh Hóa đến Quảng Bình.
Dự báo thời tiết ngày 25/7, cơn bão số 4 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 16h ngày 25/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,4 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Nghệ An-Quảng Bình khoảng 130km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 9-10.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, biển động) từ vĩ tuyến 16,50N đến 20,00N; phía Tây kinh tuyến 113,00E. Vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5m; biển động mạnh.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới này tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng thấp trên khu vực Trung Lào. Đến 16h ngày 26/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 103,1 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ), giật cấp 7.
Do ảnh hưởng của bão số 4, từ sáng hôm nay 25/7, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5m.Chiều 25/7, trên vùng biển khu vực Nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-3m. Biển động mạnh.
Cũng theo dự báo thời tiết từ trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ sáng 27/5, vùng mưa lớn sẽ mở rộng khắp các khu vực từ Sơn La, Hòa Bình, đồng bằng Bắc Bộ xuống tới Bắc Tây Nguyên. Trong đó, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế sẽ là trọng tâm mưa, với tổng lượng mưa cả đợt có thể từ 100-250mm, các khu vực khác trong đó có Hà Nội, lượng mưa từ 100-150mm. Thời gian mưa nhiều nhất vào chiều tối và đêm ngày 25/7.
Mưa dồn dập trong thời gian trước và trong bão có thể gây sạt lở đất, lũ quét, ngập úng, nguy cơ cao ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình, các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Bắc Tây Nguyên. Hiện, các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có khả năng xuất hiện một đợt lũ.
Ngoài mưa lớn, do ảnh hưởng của bão số 4, vùng biển phía Tây Bắc huyện đảo Hoàng Sa gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.
Trước nguy cơ về bão số 4, ngay sáng 24/7, ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã họp khẩn, triển khai các biện pháp ứng phó. Ban chỉ đạo yêu cầu, các địa phương nằm trong khu vực ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 4 cần chủ động các biện pháp phòng chống lũ quét, sạt lở và chống úng kịp thời cho diện tích nông nghiệp. Người dân phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của địa phương, nhất là 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, sơ tán tại vùng nguy hiểm khi có hiệu lệnh.
Từ 17h chiều 24/7, các địa phương từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã thực hiện lệnh cấm biển, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt cá, đồng thời tìm nơi tránh trú an toàn trong khi bão số 4 đang tiến gần đất liền, thời tiết nhiều nguy hiểm.
Được biết, UBND Nghệ An đã họp trực tuyến với 21 huyện, thành phố, thị xã và các sở, ban ngành để sẵn sàng ứng phó bão số 4.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 2, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường hướng dẫn, sắp xếp việc neo đậu đảm bảo an toàn đối với các tàu thuyền đã về bến neo đậu; đồng thời nghiêm cấm tất cả các loại tàu, thuyền, kể cả tàu vận tải và tàu du lịch ra khơi, nhằm tránh thiệt hại cho người dân. Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ứng trực, sẵn sàng tổ chức sơ tán dân, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm...
Hiện các địa phương từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đang phát huy phương châm 4 tại chỗ nhằm giảm thiểu thấp nhất hậu quả do mưa bão gây ra.
Dự báo thời tiết những ngày bão số 4 sẽ có nhiều hiện tượng bất thường, người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin dự báo thời tiết mới nhất để có kế hoạch lưu trú an toàn.