Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Đủ chiêu đối phó với ép bia rượu

Trước văn hóa "mặc cả” với nhau từng chén rượu, ly bia để thể hiện tình bằng hữu, rất nhiều chiêu trò đối phó được không ít người bày ra để "đỡ chén nào hay chén nấy".

 

Trong bàn tiệc, dễ dàng thấy từng ly rượu, lon bia được rót liên tục bởi những lời mời mọc, kích bác, mặc cả... Đôi khi nhìn vậy mà không phải vậy, rượu bia được rót ra tưởng là qua miệng đi vào dạ dày nhưng thật ra lại đi theo nhiều cung đường khác ra ngoài với không ít chiêu chiêu đối phó.

Nguyễn Ngọc Hà, 23 tuổi, nhân viên truyền thông làm việc ở quận 2 TP Hồ Chí Minh cho hay, từ hồi sinh viên cho đến khi đi làm cô bắt đầu quen với văn hóa giao tiếp bằng bia rượu. Từ họp mặt, lễ lạt, tết nhất rồi đi làm gặp gỡ đồng nghiệp, đối tác, khách hàng... hiếm cuộc vui nào mà thiếu rượu bia. Mà đã có men là kiểu gì cũng nhiệt tình mời nhau mà theo Hà rất khó từ chối.

Trong môi trường đó, cô gái trẻ “dắt lưng” rất nhiều cách để không mất lòng mọi người, vẫn nâng ly mà không say. Hà tiết lộ một số chiêu cô thường dùng như khi ngồi vào bàn tiệc, cô luôn có chiếc khăn mùi soa bên mình, gọi nhiều khăn giấy... vừa uống vừa quan sát chờ “đối phương” sơ hở là ôm khăn nhả rượu bia từ trong miệng ra.

Ngoài ra, với những bữa tiệc “nặng đô”, Hà còn hay chuẩn bị sẵn một cái ca, lâu lâu lại nhả vào, hoặc lấy cớ vào vệ sinh để... phun. “Thật ra bước vào giai đoạn ép nhau, nhiều người đã ngà ngà không mấy để ý. Họ nhiệt tình rót, còn mình tích cực tuôn ra”, cô gái bộc bạch.

 

Có hàng nghìn lí do ép bia rượu thì cũng có từng đó cách để "trốn" uống. 


Cử nhân công nghệ thông tin tốt nghiệp ĐH Công nghiệp TPHồ Chí Minh Nguyễn Đình Mạnh kể, tửu lượng mình kém nên rất sợ bị ép uống. Nhưng sợ là việc của cậu, ép lại là việc của mọi người trong bàn nhậu, nhiều khi Mạnh từ chối không được.

Cách Mạnh hay áp dụng là khi đi nhậu cậu luôn gọi sẵn vài chai nước suối hoặc trà đá. Trong cốc của mình Mạnh bỏ thật nhiều đá lạnh rồi khi uống cậu tích cực châm thêm trà đá hoặc rót thêm nước suối vào nên thành ra... bia rượu vào bụng không bao nhiêu.

Lê Minh Nhân, nhân viên bất động sản ở Thủ Đức, TPHồ Chí Minh cho hay, nhiều người thường viện cớ phải ngồi vào bàn nhậu mới hợp tác làm ăn được thật ra chỉ là cái cớ để mua chuộc hoặc để dẫn dụ nhau.

Nhân từng nhiều phen suýt chết vì nhậu, cậu sớm tỉnh và biết đều đà chẳng mấy chốc rượu sẽ uống mình. Tuy nhiên, việc từ chối không hề dễ dàng, nhất là với những người nặng quan niệm bằng hữu phải bắt đầu từ chén rượu. Nhân vẫn uống nhưng căn khoảng 1/3 bữa tiệc, khi chỉ mới vài ly đầu môi là cố tình... say. Có khi Nhân vờ nằm vật ra dù đang tỉnh hoặc nói vài ba câu lè nhè rồi xin phép rút lui.

“Chắc máu mình xấu, uống chút vào đỏ mặt tía tai nên mọi người cũng dễ tin. Sức uống của tôi không dở nhưng từ khi áp dụng chiêu này giờ đã có tiếng là... kém tắm”, Nhân nói.

Theo Nhân, việc tửu lượng chưa uống đã say của mình nhiều khi làm bạn bè mất hứng, nhiều cuộc vui của mọi người cũng ngại gọi anh. Nhưng so với hậu quả từ nhậu mà ra, các mối quan hệ đổ vỡ, có khi gây lộn, ẩu đả... thì việc không nhậu tốt hơn nhiều.

Còn phải kể đến tình trạng nhiều người ngồi ké vào bàn nhậu, nói đến thanh toán là lờ đi mà vẫn hồn nhiên, nhiệt tình ới ời gọi bia, khui bia, đổ bia bằng tiền của người khác như thể mình sản xuất được bia. Lãng phí của mình đã là cái tội, phung phí túi tiền của người khác còn là vô đạo đức.

Chỉ vì cái sự ép uống, xem bia rượu là văn hóa giao tiếp đã sản sinh ra những chiêu qua mặt nhau trong bàn nhậu, bằng cả sự lãng phí hay là không thành thật với nhau dù vẫn cầm chai hô hào "Anh em ta là một gia đình".

Người Việt tiêu thụ bia rượu top đầu thế giới là có cơ sở. Ngoài rượu bia đi vào ruột kéo theo bao nhiêu hệ lụy kinh hoàng thì rượu bia được tưới ra ngoài, khui rồi bỏ trong chai... cũng chiếm vô kể.

Nghèo mà hoang!