Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Du học sinh Việt trước sắc lệnh của ông Trump

Giới sinh viên quốc tế theo học tại Mỹ đang lâm vào tình trạng hoang mang, vì sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump cũng như tin đồn về các sắc lệnh khác.

“Phòng chiến tranh” ở trường luật của Đại học Yale, nơi xử lý khối lượng thư điện tử từ mọi nơi nhằm kêu gọi sự hỗ trợ cho đơn kiện của trường về sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump. LAW.YALE.EDU

Trong vài ngày qua, anh N.M.Q, 21 tuổi, sinh viên Việt Nam đang lưu trú tại Quận Cam, cảm thấy vô cùng may mắn vì năm nay không quay về Việt Nam đón tết dù rất nhớ nhà. Nhờ sự cảnh báo của người quen ở thành phố Buena Park, anh Q. quyết định hoãn chuyến đi để chờ các chính sách mới sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng từ ngày 20/1. Sau khi quan sát tình hình hỗn loạn những ngày qua do sắc lệnh về di dân và nhập cư của ông Trump, sinh viên Việt Nam này cho rằng tốt nhất là không đi đâu cả cho đến khi có sự bảo đảm chắc chắn rằng mình vẫn có thể quay lại trường sau đó.

“Cố thủ” tại Mỹ

Trường hợp trên không phải cá biệt. Dù sắc lệnh hành pháp do tân tổng thống ban hành vào ngày 27/1 về mặt lý thuyết không ảnh hưởng đến những sinh viên quốc tế đến từ Việt Nam hay đại đa số các nước khác trên thế giới, nhưng họ vẫn không muốn rời Mỹ trước nguy cơ có thể bị từ chối nhập cảnh trở lại. Anh Q. đã cung cấp cho Thanh Niên thư thông báo từ Trường đại học Stanton ở California, với tựa đề là “Tư vấn hành trình dành cho sinh viên và học giả quốc tế liên quan đến Sắc lệnh hành pháp về di trú của tổng thống”.

“Một sắc lệnh hành pháp của tổng thống đã chỉ thị các cơ quan chính quyền Mỹ về cách thức triển khai những chính sách và quy trình cụ thể. Sẽ cần có thời gian để các cơ quan như Bộ An ninh nội địa và Bộ Ngoại giao tìm hiểu cách thức diễn dịch và áp dụng một cách chính xác sắc lệnh này”, theo bức thư. Giới quản lý trường đề nghị các sinh viên quốc tế nằm trong danh sách 7 nước liên quan là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nên ngừng mọi kế hoạch hành trình ra ngoài nước Mỹ.

Nỗi lo lắng rõ rệt đến nỗi đa số những người Việt được Thanh Niên phỏng vấn đều yêu cầu viết tên tắt toàn bộ hoặc một phần vì sợ rắc rối. Anh N.Đ.Đ, người có thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) tại Mỹ đang sống tại thành phố Santa Rosa thuộc bang California, cho biết anh và nhiều người gốc Việt khác cũng cảm thấy lo lắng trước sắc lệnh di trú mới của Tổng thống Donald Trump, mặc dù sắc lệnh này không nhằm vào Việt Nam. Theo Đ, anh cũng như bạn bè đã dặn dò người thân đang ăn tết tại Việt Nam khi quay trở lại Mỹ thì không nên ký vào mẫu đơn I-407 về việc “từ bỏ tư cách thường trú nhân”.

Còn chị Quyên Nguyễn sống ở thành phố Chico thuộc bang California cho hay nhiều bạn bè của chị tuy có thẻ thường trú nhân song không dám đi du lịch ra khỏi nước Mỹ vì lo sợ không nhập cảnh lại được. Theo chị N.B.N đang làm việc cho Hãng Google tại thành phố Mountain View thuộc bang California, nhiều đồng nghiệp của chị hiện không dám về nước thăm người thân vì họ là công dân của 7 quốc gia có trong “danh sách đen” và họ cũng chỉ mới có thị thực làm việc tại Mỹ.

Tờ Chicago Tribune ngày 31/1, dẫn kết quả khảo sát của Viện Giáo dục quốc tế phi lợi nhuận cho biết, có hơn 17.000 sinh viên từ 7 nước trên theo học tại Mỹ trong năm 2015 - 2016. Các trường như Đại học Illinois, Đại học Tây Bắc, Đại học Purdue, Đại học DePaul, Đại học Notre Dame... đang thúc giục các sinh viên, nhân viên quốc tế không nên ra khỏi Mỹ trước khi có sự đánh giá trọn vẹn hơn về chính sách mới. Tờ China Daily dẫn lời cô Anna Zhou, tốt nghiệp từ nhóm trường Ivy League danh giá và đang làm việc ở thành phố New York, cho biết cũng nhận được cảnh báo tương tự từ luật sư riêng và bạn bè có cha mẹ hành nghề luật. Thế là Zhou hủy bỏ chuyến du lịch qua Mexico đã được lên kế hoạch từ lâu và “cố thủ” ở Mỹ.

Đó không phải là những lời đe dọa suông. Nguồn tin của Thanh Niên cho hay cô Bùi Bảo Châu, sinh viên Đại học California Fullerton vừa đoạt giải thưởng về đầu tư quỹ hoán đổi danh mục Portfolio Challenge 2016, cũng bị mắc kẹt hơn 4 giờ tại phi trường quốc tế Los Angeles khi quay lại từ Pháp vào ngày 28/1. Lý do rất đơn giản: toàn bộ nhân viên di trú, hải quan ở đó cùng nghỉ việc và tham gia biểu tình, dẫn đến hậu quả là không có ai làm việc tại cửa khẩu, theo thầy hướng dẫn của cô Châu là tiến sĩ Châu Nhật Tân của Học viện Voviology. Trong lúc bị giữ tại sân bay, cô Châu kể lại có thấy một số người bị còng tay, có dấu hiệu bị trục xuất.

Nỗi lo dự luật H-1B

Nếu các sinh viên quốc tế tại Mỹ như anh Q. chưa quá lo ngại về sắc lệnh hành pháp trên, thì họ đặc biệt lưu tâm đến các tin tức mà báo đài Mỹ loan tải trong vài ngày gần đây liên quan đến dự thảo về các sắc lệnh hành pháp nhằm cải tổ các chương trình thị thực việc làm. Theo Hãng tin Bloomberg, đáng chú ý nhất trong số này là dự thảo về chương trình Đào tạo thực tiễn tùy chọn (OPT), cho phép sinh viên nước ngoài đạt bằng cấp cao được quyền lưu trú từ 12 đến 29 tháng để làm việc tại Mỹ, và thị thực H-1B là phương tiện chính của các công dân thế giới đến Mỹ làm việc. Hiện chỉ tiêu H-1B mỗi năm là 85.000 chỗ, theo trang tin Quartz.

Trong lúc giới sinh viên quốc tế hồi hộp theo dõi sát sao diễn biến từ Nhà Trắng, Điện Capitol cũng đang nghiên cứu các giải pháp cải tổ vấn đề thị thực. Trả lời Thanh Niên, anh T.Trương bày tỏ lo lắng về dự luật do thượng nghị sĩ Zoe Lofgren ở Thung lũng Silicon đề xuất, vốn yêu cầu một lao động nước ngoài cần phải kiếm được hoặc nhận được đề nghị trả thu nhập hơn 130.000 USD/năm nếu muốn được cấp thị thực H-1B. Anh Trương cho biết mình tự tin có thể đảm bảo được mức lương xin thị thực H-1B hiện tại là tối thiểu 60.000 USD/năm, được áp dụng từ năm 1989, sau khi tốt nghiệp bằng đại học chuyên ngành y tá.

Tuy nhiên, tình hình sẽ khác hoàn toàn trong trường hợp dự luật do bà Lofgren đề xuất được thông qua, vì viễn cảnh trục xuất có thể trở thành hiện thực đối với phần đông sinh viên quốc tế đang theo học tại Mỹ. “Nếu dự luật đó thành luật, sau này toàn bộ sinh viên quốc tế sẽ rất khổ”, theo anh Trương.

Mỹ chưa điều chỉnh danh sách 7 nước

Về các tin đồn cho rằng Nhà Trắng chuẩn bị mở rộng danh sách hạn chế di trú sang các nước khác, Hiệp hội Luật sư di trú Mỹ (AILA) ngày 2/2 dẫn thông báo từ Bộ Ngoại giao nước này cho hay không có bất kỳ phụ lục, phụ chương hoặc điều chỉnh nào theo hướng bổ sung tên các nước khác vào danh sách này. Một ngày trước, tờ Philippine Star gây náo loạn khi dẫn nguồn từ Công ty luật Hammond Group LLC ở bang Ohio cảnh báo sắc lệnh hành pháp của ông Trump có thể điều chỉnh để thêm các nước/vùng lãnh thổ như Ai Cập, Li Băng, Afghanistan, Pakistan, Colombia, Venezuela, miền nam Philippines, Mali. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh không có chuyện này và đề nghị AILA hỗ trợ dập tắt tin đồn thất thiệt.

T.M

52 đơn kiện ông Trump trong 13 ngày

Theo Đài NBC News ngày 2/2, tên của Tổng thống Trump đã xuất hiện trong 52 đơn kiện liên bang tại 17 tiểu bang khác nhau kể từ khi nhậm chức. Theo trang law.yale.edu, My Khanh Ngo, sinh viên trường luật của Đại học Yale, cũng có mặt trong đội ngũ lập đơn kiện của trường này về sắc lệnh di trú. Cô Ngo cho biết các giáo sư, sinh viên và cựu sinh viên đã nhanh chóng thành lập “phòng chiến tranh” ở trường, xử lý khối lượng thư điện tử khổng lồ tràn về từ mọi nơi nhằm kêu gọi sự hỗ trợ. Như trường hợp một nữ nghiên cứu sinh người Iran từng giành được học bổng Fulbright đã đến New York và bị tạm giữ trước khi bị đưa lên máy bay về nước vào 1 giờ sáng. “Thế là chúng tôi gọi điện cho hãng hàng không, gọi TSA (Cơ quan An ninh giao thông), CBP (Hải quan và bảo vệ biên giới)...”, cô Ngo nhớ lại. Sau nhiều tràng quát tháo qua điện thoại, họ cũng thuyết phục được máy bay quay lại New York. Liên quan đến việc kiện tụng, AFP ngày 3/2 đưa tin một tòa án ở thành phố West Palm Beach thuộc bang Florida (Mỹ) đã ra phán quyết buộc tổng thống Mỹ nộp phạt gần 6 triệu USD vì vi phạm hợp đồng với khách hàng tại câu lạc bộ golf của ông. Một nhóm gồm 65 người từng là thành viên của Câu lạc bộ golf Trump tại thị trấn Jupiter thuộc bang Florida hồi tháng 5.2013 đã khởi kiện tổng thống Mỹ. Nguyên nhân là câu lạc bộ golf trên từ chối trả lại tiền phí thành viên cho những người này, vốn không muốn chơi nữa sau khi ông Trump mua lại nơi đây vào năm 2012. Theo quy định trong hợp đồng, các hội viên của câu lạc bộ sẽ vẫn được phép chơi tại đây cho đến khi có hội viên mới và họ được trả tiền hội phí khoảng 18.000 USD/năm. Tuy nhiên, ông Trump đã thay đổi các điều khoản trong hợp đồng, không trả lại tiền ký quỹ. Các nguyên đơn nói ông Trump đã nợ họ tổng cộng 4,85 triệu USD. Trong phán quyết công bố ngày 1/2, thẩm phán Kenneth Marra đã cộng thêm gần 1 triệu USD tiền lãi, nâng mức phạt lên tổng cộng 5,7 triệu USD. Theo AP, Tổ chức Trump đã ra thông báo dọa kháng cáo vì không đồng ý với phán quyết của tòa án.