Hàng quán dọc bãi biển Vinh Thanh tan hoang trong năm 2016
Những tháng ngày lao đao với biển
Ngồi trò chuyện với chúng tôi về những chuyện xảy ra một năm vè trước, đôi mắt ông Trần Văn Tri (thôn 2, xã Vinh Thanh, Phú Vang, Thừa Thiên Huế) chủ quán Tri Phượng tại bãi tắm Vinh Thanh không ngừng hướng về phía biển với những đợt sóng liên tục dạt bờ. Trên khuôn mặt ông, tôi nhìn thấy những nếp nhăn đã dày hơn so với lần gặp trước. Âu đó cũng là quy luật của thời gian và tạo hóa, của những toan tính cho cuộc sống mưu sinh và trong đó có thêm nỗi trăn trở về biển quê ông, về biển miền Trung, nhất là sau sự cố môi Formosa năm 2016. Người đàn ông ở cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần ấy tự nhận là người có duyên với biển nên những cung bậc từ sung sướng, thỏa mãn nhất cho đến đau khổ, chán ngán tột cùng cũng gắn với biển. Ông bảo: “Tôi là một người con của quê biển, lớn lên từ biển và từng làm nghề đi biển. Gia đình tôi khá giả được, có của ăn của để là nhờ biển; thậm chí trước đó tôi chưa bao giờ phải đi vay tiền ngân hàng, nhưng sau sự cố môi trường biển, tôi đã biết nợ ngân hàng là như thế nào”.
Gia đình ông Tri là một trong những hộ mở quán kinh doanh ăn uống tại bãi tắm Vinh Thanh lâu đời. Sau khi giã từ nghề đi đánh bắt, năm 2007, khi chính quyền địa phương quy hoạch bãi tắm Vinh Thanh, gia đình ông đấu thầu được một lô mặt tiền tại đây để kinh doanh. Trước thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển năm 2016, quán của ông nhanh chóng ăn nên làm ra, với tổng thu nhập hàng năm lên đến hơn 1,5 tỷ đồng. Không những thế, cơ sở kinh doanh của gia đình ông còn góp phần giải quyết việc làm hiệu quả cho người lao động địa phương. Theo ông Tri cho biết, thì cứ vào mùa du lịch biển (khoảng 5 – 6 tháng), quán của ông có trên 20 lao động thường xuyên.
Tại bãi tắm Vinh Thanh có 10 hàng quán phục vụ ăn uống, nếu tính bình quân mỗi một quán có 15 nhân viên phục vụ cộng thêm chủ quán thì số lượng lao động được giải quyết việc làm thời điểm đó cũng là một con số khá ấn tượng đối với 1 xã ven biển như Vinh Thanh.
Mọi việc đang trôi chảy êm đẹp thì đùng một cái, sự cố môi trường biển xảy ra vào trung tuần tháng 4/216 đã để lại những hậu quả của nặng nề: hàng triệu người dân liên quan đến nghề biển, kinh doanh dịch vụ biển,…ở các tỉnh nói trên rơi vào cảnh lao đao. Ngành du lịch biển trong năm 2016 ở 4 tỉnh miền Trung cũng vì thế mà “chết lâm sàng”; các bãi biển nổi tiếng như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Thạch Hải, Kỳ Ninh (Hà Tĩnh), Nhật Lệ, Đá Nhảy (Quảng Bình), Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy (Quảng Trị), Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Lăng Cô, Vinh Thanh, Bình An (Thừa Thiên Huế),…trở nên vắng tanh, không một bóng người dân, du khách đến tắm; hàng ngàn lao động trong ngành du lịch biển mất việc, các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ tại các bãi biển bổng chốc trắng tay, nợ nần…
Cuộc đời ông Tri gắn bó với biển nên moi cung bậc của cảm xúc tử biển ông đều đã nếm trải
“Hàng năm, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các công ty mỗi khi tổ chức chương trình nghỉ mát đều đến với biển Vinh Thanh và vào ăn uống tại các quán tại đây. Khách du lịch và người dân địa phương cũng đến tắm, nghỉ mát và ăn uống nườm nượp. Tuy nhiên, trong năm 2016, hầu hết các chủ cơ sở kinh doanh du lịch biển đều trắng tay, bị thiệt hại nặng nề do sự cố Formosa. Nhiều chủ quán đã bỏ nghề đi làm phụ thợ nề, đi làm thuê”, ông Tri cho biết. “Trong năm, do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, lượng khách đến với bãi tắm Vinh Thanh sụt giảm mạnh, thậm chí có thời điểm không có khách. Tiền đấu thầu ở đây mỗi một năm là 130 triệu đồng đối với các lô mặt tiền, còn các lô ở phía trong cũng từ 50 – 70 triệu đồng.Việc không thể kinh doanh đã gây ra những thiệt hại lớn cho chúng tôi”, theo lời chị Thúy Hằng, chủ quán Thuận Thành.
Biển Bình An (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) những ngày vắng khách
Tâm sự của ông Trần Văn Tri, của chị Thúy Hằng cũng là nỗi niềm chung của hàng trăm chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch biển tại 4 tỉnh miền Trung. Anh Bảo Huy, chủ nhà hàng Hương Biển, một trong 2 nhà hàng lớn nhất tại bãi biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) nhớ lại: “Cuối năm 2015, huyện Phú Vang quy hoạch lại bãi tắm Thuận An, gia đình tôi đấu trúng 1 trong 2 lô mặt tiền của bãi. Đầu năm 2016, theo đúng chủ trương thì các lô mặt tiền, chủ thầu phải đầu tư xây dựng nhà hàng lớn để làm bộ mặt cho khu du lịch. Gia đình đã bỏ tiền nhà và đi vay thêm tiền ngân hàng để đầu tư. Khi đó nhà hàng mới làm được khoảng 90% thì xảy ra sự cố biển. Cả năm 2016, hàng quán ế ẩm, may mà được ngân hàng cho miễn tiền lãi trong vòng 6 tháng. Sang năm 2017, với những tín hiệu hồi phục tích cực của biển, gia đình tôi đã đầu tư thêm để hoàn thiện nốt những phần còn lại của nhà hàng, tính tổng chi phí cũng hơn 2 tỷ đồng đấy”.
Tín hiệu lạc quan
Sau các biện pháp khắc phục và khảo sát nghiên cứu, quan trắc môi trường biển thường xuyên của các cơ quan chức năng, các địa phương, nhất là sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường chính thức khẳng định, biển ở bốn tỉnh miền trung bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động vui chơi, du lịch, đánh bắt hải sản thì lượng khách đến các bãi tắm vui chơi, nghỉ dưỡng đang dần trở lại và ngày càng đông. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhiều bãi biển ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã bị quá tải do lượng khách đến ngoài dự đoán. “Mấy ngày lễ đó, nhà hàng của tôi và cũng như tất cả các nhà hàng, quán ăn uống tại đây đều bị cháy hàng. Khách đến đông và họ gọi các món hải sản như: mực, cua, ghẹ, các loại cá,…liên tục khiến nhân viên của chúng tôi không kịp phục vụ”, anh Bảo Huy, chủ nhà hàng Hương Biển cho hay.
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Phó Chủ tịch thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) cho biết, trong dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, biển Thuận An đã đón hơn 30.000 lượt khách. Còn ngày thường, từ ngày đầu hè đến giờ, bình quân một ngày biển Thuận An đón từ 3.000 – 4.000 lượt người dân, du khách đến tắm biển, nghỉ mát và ăn hải sản.
Biển Thuận An đông khách trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua
Để có được sự hồi sinh tích cực đó của du lịch biển là cả sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, của các cơ quan chức năng, các địa phương trong việc khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển năm 2016. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã có nhiều biện pháp kích cầu, thu hút du khách đến với biển. Tại Biển Thuận An vào đầu tháng 5, đã diễn ra Giải Vô địch đá cầu bãi biển toàn quốc năm 2017 do Sở Văn hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên Huế đã đăng cai tổ chức với hàng trăm vận động viên, huấn luấn viên tham gia. Vào tháng 6 tới đây, cũng tại bãi biển Thuận An, sẽ diễn ra Giải Bóng đá bãi biển toàn tỉnh năm 2017,…Mặt khác, các hoạt động khác như Tuần lễ vàng kích cầu du lịch, Festival nghề truyền thống Huế 2017,…cũng góp phần thu hút du khách đến với Huế với biển Huế.
Riêng huyện Phú Vang, địa phương có các bãi biển nổi danh như Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh,…UBND huyện này đã có chủ trương miễn thu tiền mặt bằng và tiền thuế trong 1 năm (2017) đối với các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại các bãi biển.
Video người dân và du khách tắm biển tại biển Thuận An: