Rất đông người dân và du khách đến biển miền Trung nghỉ mát và ăn hải sản trong dịp 30/4 và 1/5 vừa qua
Sự thật nào sau dịp lễ?
Đi dọc các bãi biển tại Thừa Thiên Huế sau dịp lễ 30/4 – 1/5, ngoại trừ biển Thuận An vẫn đông người đến tắm, ăn hải sản (với lượng khách bình quân đạt từ 3.000 – 4.000 lượt) thì các bãi tắm khác đều chung cảnh khách thưa thớt, chủ yếu là người dân bản địa ra tắm. Thực tế này có vẻ như sự tăng trưởng khách đến với biển trong dịp lễ vừa qua chỉ mang tính nhất thời, không bền vững.
“Như quán của mình, tuy mới mổ rộng, nâng cấp nhưng lượng khách vẫn chưa đạt yêu cầu. Hơn nữa, do quán mình đã có 1 lượng khách truyền thống từ trước khi xảy ra sự cố, nên khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố các chỉ số an toàn, thì số khách này lại trở về với quán. Tuy nhiên ở những nhà hàng, quán mới khác hoặc không có được vị trí đặc địa thì lượng khách rất ít vào những ngày thường”, anh Bảo Huy cho biết.
“Sau một thời gian bỏ đi làm nghề khác, khi thấy những tín hiệu lạc quan từ dịp lễ 30/4 vừa rồi, nhiều chủ quán đã trở lại với nghề. Tuy nhiên với thực trạng như hiện tại thì không biết các cơ sở dịch vụ ở đây sẽ tồn tại như thế nào. Ngay như quán của tôi, trước kia phải thuê 20 nhân viên vào mùa du lịch biển thì đến giờ tôi cũng chỉ mới kêu 2 người làm do lượng khách còn ít”. Ông Trần Văn Tri, chủ quán Tri Phượng (biển Vinh Thanh) nói. “Biển đã hồi sinh nhưng nó không còn như cô gái thời xuân thì nữa. Vì vậy, muốn phát triển bền vững du lịch biển trong tương lai, các cấp chính quyền, cũng như chính chúng tôi cần phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để thu hút khách hàng hơn nữa”, vẫn lời ông Tri.
Từ đầu hè đến nay, bình quân một ngày có từ 3.000 đến 4.000 lượt người đến với biển Thuận An
Họ tỏ ra thoải mái, phấn khích sau nhiều ngày mới được trở lại với biển
Niềm hy vọng cho du lịch
Sau một năm gián đoạn do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, khách sạn, nhà nghỉ ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên -Huế đạt từ 60% - 95% công suất phòng. Tại Thừa Thiên Huế, 3 tháng đầu năm 2017, địa phương này đã đón trên 790 ngàn lượt khách, tăng 2,77%. Trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 313 ngàn lượt, tăng 13,09%, khách nội địa đạt 477 ngàn lượt. Khách lưu trú đón được 457 ngàn lượt, tăng 4,07%; trong đó khách quốc tế 220 ngàn lượt, tăng 11,04%. Doanh thu du lịch 3 tháng ước đạt trên 807 tỷ đồng, tăng 6,5% so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 4, tỉnh này đã đón hơn 319 ngàn lượt khách. Cũng trong quý I năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị đạt 346.166 lượt, trong đó khách quốc tế 37.458 lượt; khách nội địa 308.708 lượt. Khách lưu trú tại khách sạn chuyên ngành đạt 145.500 lượt (khách quốc tế 18.969 lượt và khách nội địa 126.531 lượt). Tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 313 tỷ đồng (tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó doanh thu lưu trú và lữ hành của các doanh nghiệp du lịch chuyên ngành là 78 tỷ đồng (tăng 4,0% so với cùng kỳ năm 2016).
Các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí được tổ chức tại bãi biển Thuận An
Sự tăng trưởng khách du lịch cả quốc tế lẫn nội địa đã giúp cho ngành du lịch của 2 tình này có những khởi sắc nhất định. Vì lẽ đó, mà người làm trong nghề cũng được hưởng lợi nhất định, nhất là các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch nằm dọc bờ biển.
Chị N. T. L, nhân viên chạy bàn tại một nhà hàng ở biển Thuận An (Thừa Thiên Huế) đã trở lại với công việc quen thuộc sau 1 năm chủ sử dụng lao động cho nghỉ vì hàng quán ế ẩm. Với sự hồi sinh tích cực của biển, thu nhập của những người làm công ăn lương như chị L. cũng được cải thiện từng ngày theo đà tăng trưởng khách hàng của quán. “Mùa du lịch biển ở Thừa Thiên Huế có sự khở sắc từ đầu năm đến nay. Tuy mới đầu mùa hè, nhưng lượng khách đến Thuận An đã được cải thiện rất nhiều so với năm ngoái. Chính vì thế, nhân viên tại các hàng quán cũng bắt đầu có thu nhập”, chị L. cho biết.
Ông Trần Văn Giàu, Phó Chủ tịch thị trấn Thuận An, Phó Ban quản lý bãi tắm Thuận An cho biết, “mỗi năm vào mùa du lịch, biển Thuận An góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương từ 150 - 200 người. Tuy nhiên trong năm 2016, do ảnh hưởng của sự cố Formosa đã khiến những người lao động này mất công ăn việc làm. Do đó, khi ngành du lịch, nhất là du lịch biển khởi sắc đã giúp chính quyền hoạch định cơ sở để tạo việc làm cho người dân”.
Thừa Thiên Huế luôn xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Ở đây có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như có hệ thống công trình di sản thế giới, có các danh lam thắng cảnh nổi tiếng và có đường bờ biển dài,… Năm 2016, Thừa Thiên Huế là 1 trong 4 tỉnh nằm trong vùng bị ảnh hưởng của sự cố môi trường biển. Tuy nhiên, so với các tỉnh còn lại thì Thừa Thiên Huế không bị thiệt hại quá nặng nề. Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, những thiệt hại do sự cố môi trường biển gây ra chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch nằm dọc bờ biển, trong khi hoạt động du lịch biển chỉ chiếm khoảng 6,6% hệ thống dịch vụ du lịch toàn tỉnh. Đây cũng là một lợi thế để ngành du lịch tỉnh này phục hồi nhanh chóng.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định: Mục tiêu chương trình phát triển du lịch - dịch vụ năm 2017 của Thừa Thiên Huế là tập trung phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sự đột phá cho giai đoạn 2017-2020. Theo đó, tỉnh phấn đấu năm 2017 đạt khoảng 3,5 - 3,7 triệu lượt khách, tăng khoảng 10 - 12% so với năm 2016, (trong đó khách quốc tế chiếm từ 45- 50 %) khách lưu trú đạt khoảng 2 triệu lượt, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch tăng khoảng 15% so với năm 2016, ước đạt 3,7 - 3,8 nghìn tỷ đồng.
Để đạt được các mục tiêu trên, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển du lịch; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng như văn hoá di sản, phát triển các loại hình sản phẩm mới dựa trên tiềm năng thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch theo hướng phù hợp với thực tế; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch với việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho các doanh nghiệp, cộng đồng nhằm hướng tới sự chuyên nghiệp, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho khách du lịch. Mặt khác, hoàn thiện môi trường du lịch và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch dịch vụ,…
Video người dân và du khách ăn hải sản tại biển Thuận An: