Đất Mũi linh thiêng
Nhằm quảng bá những điểm đến độc đáo, ý nghĩa, hấp dẫn trong hành trình “Khám phá nét đẹp cực Nam Tổ Quốc”, từ ngày 10/6 - 14/6/2023, Sở VH-TT&DL Cà Mau phối hợp cùng hãng hàng không Bamboo Airways đã tổ chức đoàn Presstrip khảo sát những điểm đến tiềm năng hấp dẫn du khách của tỉnh Cà Mau.
Đoàn Presstrip khám phá Hương sắc Cà Mau.
Đền Lạc Long Quân và tượng Mẹ
Những điểm đến linh thiêng, mang dấu ấn lịch sử đoàn đến là đền Lạc Long Quân và tượng Mẹ, điểm cuối đường Hồ Chí Minh; Con thuyền biểu tượng mũi Cà Mau cực Nam Tổ quốc; Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau; Mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001; biểu tượng cua Cà Mau; Khu căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước; Tượng đài chiến thắng CM-12; Tượng đài bảo vệ an ninh Tổ quốc; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Nhà trưng bày chiến thằng Kế hoạch CM-12…
Cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau
Mốc đường Hồ Chí Minh điểm cuối Cà Mau, km 2436
Cùng với đó, đoàn đã tham gia tuyến du lịch xuyên rừng – bãi bồi tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Trải nghiệm đi ca nô len lỏi trong rừng đước và cùng người dân bản địa trải nghiệm bắt nghêu, chế biến tại bãi biển và ngắm hoàng hôn, cụm đảo Hòn Khoai, tham gia trải nghiệm bắt vọp, soi ba khía, cùng người dân bơi xuồng đi đặt lợp cua, giăng lưới bắt cá tại vuông tôm. Trải nghiệm điểm du lịch cộng đồng trong Vườn quốc gia U Minh Hạ, đầm Thị Tường, tìm hiểu nghề gác kèo ong và đi vào rừng lấy mật ong; các hoạt động gắn với sinh kế của người dân địa phương.
Trải nghiệm đi ca nô len lỏi trong rừng đước
Những ngôi nhà không cửa trong rừng Đất Mũi rất độc đáo
Tín hiệu khởi sắc từ đường bay thẳng
Theo số liệu thống kê từ Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, Quý 1/2023, Cà Mau đón 565.433 lượt khách, tăng 104% và tổng thu đạt 713,8 tỷ đồng, tăng 123% so cùng kỳ năm trước.
Chỉ tính từ ngày 29/4 đến 3/5 vừa qua, lượng khách đến Cà Mau đạt hơn 222.770 lượt, tăng hơn 267% so với cùng kỳ năm 2022 (83.000 lượt khách), tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch đạt hơn 163 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 chỉ hơn 77 tỷ đồng.
Theo ông Tiêu Minh Tiên – Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, một trong những nguyên nhân khách du lịch đến Cà Mau đông hơn do đường bay của Bamboo Airways nối liền Cà Mau – Hà Nội và ngược lại được khai trương, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ miền Bắc đến vùng đất tận cùng của Tổ quốc và các công ty lữ hành cũng tiện hơn khi sắp xếp lịch trình tham quan nghỉ ngơi cho khách hàng của mình.
Đại diện Bamboo Airways cho biết, sau khi khai thác từ ngày 29/4, đường bay thẳng Hà Nội – Cà Mau của Bamboo Airways ghi dấu lần đầu tiên trong lịch sử có đường bay thẳng kết nối thủ đô Hà Nội và cực nam Tổ quốc. Đường bay Hà Nội – Cà Mau có thời gian bay hơn 2 giờ, tần suất 3 chuyến khứ hồi/tuần. Hai khung giờ khởi hành là 6h55 cất cánh từ Hà Nội và 9h55 cất cánh từ Cà Mau, trong các ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Tần suất chung sẽ tăng dần tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu của hành khách.
Tuyến đường Hà Nội - Cà Mau là một trong những hành trình đường bộ dài nhất cả nước, với khoảng cách lên đến gần 2.000km. Với việc Bamboo Airways đưa vào khai thác đường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau bằng phản lực Embraer hiện đại, hành khách có thể rút ngắn thời gian, di chuyển gần 2.000 km chỉ còn hơn 2 tiếng.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải và Lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Bamboo Airways chào đón các du khách đầu tiên trên đường bay thẳng Hà Nội – Cà Mau ngày 29/4/2023.
Ngay từ những ngày đầu mở đường bay thẳng Hà Nội – Cà Mau, Bamboo Airways đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân địa phương nói riêng và đông đảo hành khách khách nói chung.
Sau hơn 1 tháng đi vào khai thác, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu của người dân, dịch vụ bay mới trên tuyến Hà Nội – Cà Mau của Bamboo Airways còn được kỳ vọng góp phần hỗ trợ địa phương gia tăng liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của cả ngành Hàng không. Hãng ghi nhận nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa khá cao. Hãng chuyên chở hàng ngàn hành khách với lượng khách di chuyển hai chiều ổn định. Đối với vận chuyển hàng hóa, dù mới triển khai từ ngày 20/5 song hãng ghi nhận nhu cầu khá lớn. Đến nay, hàng ngàn kg hàng hóa đã được vận chuyển trên đường bay này, chủ yếu là chiều Cà Mau – Hà Nội. Hàng hóa được vận chuyển đa phần là hải sản tươi sống, đặc sản của Cà Mau.
Phát triển thương hiệu du lịch bền vững
Là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, ba mặt giáp biển, với đường bờ biển dài hơn 254km, Cà Mau sở hữu 02 Vườn Quốc gia (Mũi Cà Mau, U Minh hạ) được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển và khu Ramsa thế giới. Các hệ sinh thái rừng cùng với những nét văn hóa độc đáo của địa phương giúp Cà Mau có tiềm năng du lịch trải nghiệm, khám phá rất lớn.
Bên cạnh đó, địa phương này sở hữu 12 di tích Quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh; hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận. Trong đó có 03 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục văn hóa phi vật thể Quốc gia, gồm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và 2 loại hình tri thức dân gian: Nghề thủ công truyền thống Gác kèo ong và Nghề thủ công truyền thống Muối ba khía.
Cà Mau hiện có 84 cơ sở lưu trú với 2.682 phòng; trong đó có 18 cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1-5 sao với 1.045 phòng và 41 cơ sở được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch với 940 phòng. Địa bàn tỉnh có 24 khu, điểm và hộ làm du lịch cộng đồng, trong đó có hai khu du lịch cấp tỉnh.
Con thuyền biểu tượng mũi Cà Mau cực Nam Tổ quốc.
Theo ông Tiêu Minh Tiên, Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Cà Mau năm 2023 đã được Chủ tịch UBND tỉnh kí ban hành. Theo đó, Cà Mau dự kiến thu hút 1,75 triệu lượt khách trong năm 2023. Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu trên, đặc biệt là giữ chân và hài lòng du khách, tạo dựng thương hiệu du lịch uy tín của Cà Mau, ông Tiêu Minh Tiên cho biết, địa phương đang tập trung thực hiện các chương trình kích cầu du lịch; chú trọng tuyên truyền, quảng bá gắn với tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, đảm bảo an toàn cho du khách trong phạm vi quản lý.
Cơ quan chức năng tăng cường nhắc nhở đơn vị kinh doanh lữ hành nghiêm túc thực hiện kinh doanh theo quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ chương trình hoạt động của các đoàn khách và hướng dẫn viên du lịch.
Tỉnh đẩy mạnh chương trình liên kết hợp tác với các tỉnh, lựa chọn một số địa điểm khảo sát hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch; tiếp tục xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và nhiệm vụ Quy hoạch chung Khu Du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau.
Biểu tượng cua Cà Mau.
Đồng thời, Cà Mau đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch thông qua các nền tảng số hỗ trợ hoạt động du lịch như, ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel,” nền tảng “Quản trị và kinh doanh du lịch,” Hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam, hệ thống thẻ-vé điện tử, thẻ du lịch thông minh, hệ thống thuyết minh đa phương tiện (multimedia guide), kênh truyền thông trên các nền tảng số
Địa phương tiếp tục duy trì, phát triển trang web du lịch Cà Mau và các trang mạng xã hội (Facebook, fanpage “Du lịch Mũi Cà Mau”); hỗ trợ hộ làm du lịch cộng đồng quảng bá dịch vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Phó Giám đốc Sở Tiêu Minh Tiên nhấn mạnh: “Điều quan trọng là doanh nghiệp và người dân phải thực sự vào cuộc, đảm bảo thực hiện các điều kiện về quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch, đảm bảo vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn…”.
Du khách trải nghiệm tại Vườn sinh thái du lịch Cộng Đồng tại huyện U Minh, Cà Mau
Đồng thời, nâng cấp, sửa chữa các khu vệ sinh đảm bảo đạt chuẩn phục vụ khách du du lịch. Tuân thủ nghiêm các quy định về đăng ký, niêm yết công khai giá bán hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết đối với các sản phẩm, dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan, trải nghiệm và ẩm thực của du khách; không tùy tiện tăng giá, ép khách, gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch. Khuyến khích các đơn vị làm du lịch chủ động có chính sách kích cầu, thu hút khách du lịch thông qua các hình thức như: giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng kế hoạch kết nối, khai thác tour, tuyến phục vụ khách du lịch được hiệu quả.