Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Du lịch Huế vẫn chưa hết khó khăn về nguồn nhân lực sau đại dịch

Chiều 3/3, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023 đồng thời gặp mặt, đối thoại doanh nghiệp du lịch cùng lãnh đạo tỉnh.

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi đối thoại với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh

Ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế phát biểu tại buổi đối thoại với doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh

Ông Phạm Bá Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2022, ngành du lịch bắt đầu có sự hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh dinh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, buồng phòng, các sản phẩm dịch vụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ khách hàng. Các đơn vị cũng tập trung nghiên cứu xây dựng những sản phẩm du lịch mới, như: Du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch sức khỏe; xây dựng các chương trình, sản phẩm du lịch dịch vụ trọn gói hấp dẫn, giá cả ưu đãi, tăng thêm tiện ích và dịch vụ gia tăng cho khách đến Huế.

Hội Lữ hành và  các Doanh nghiệp Lữ hành tại Thừa Thiên Huế cũng xây dựng các gói kích cầu cho từng thời điểm, từng điểm đến, và từng sản phẩm. Trong đó đặc biệt là sản phẩm “Du lịch xanh - Huế”, để quảng bá sản phẩm du lịch Huế an toàn, thân thiện và hấp dẫn, nhằm thu hút khách; mở đường bay mới, khôi phục thị trường nội địa sau Covid-19, tổ chức các Sự kiện, Lễ hội lớn. 

Năm 2022, Du lịch Thừa Thiên Huế đón 2,05 triệu lượt khách, tăng 189% so với năm trước; trong đó có hơn 260 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt hơn 4.500 tỷ đồng, vượt 12,5% kế hoạch. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nhất là mảng khách sạn, nhà hàng, lữ hành đã dần phục hồi và có các bước tiến triển trong thời gian qua. 

Theo ông Hùng, dù tác động từ đại dịch Covid-19 đã tạm lắng, thị trường đang có những dấu hiệu phục hồi nhưng những khó khăn vẫn đang bủa vây các doanh nghiệp du lịch. Cụ thể là những tác động tiêu cực từ tình hình lạm phát, những bất ổn về chính trị và ảnh hưởng của thiên tai cực đoan làm cho các nỗ lực khôi phục càng khó khăn và các doanh nghiệp vẫn chật vật xoay xở để cân đối các hoạt động kinh doanh. Sau Covid-19, nguồn nhân lực có tay nghề cao của ngành du lịch đã bị dịch chuyển sang các ngành nghề khác, cũng như các địa phương khác, nhân lực tay nghề cao tại Huế đang thiếu hụt.

Đại diện doanh nghiệp trao đổi ý kiến, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

Đại diện doanh nghiệp trao đổi ý kiến, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

Bà Đinh Thị Xuân Thanh,Tổng Giám đốc Khách sạn Midtown Huế cho biết, bên cạnh thiếu nguồn kinh phí hoạt động, sự hỗ trợ vốn vay của ngân hàng còn hạn chế thì doanh nghiệp du lịch gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực. Theo bà Thanh, do đội ngũ nhân lực du lịch cũ chuyển nghề dẫn đến các doanh nghiệp phải tuyển lại lao động mới, nhưng lực lượng này còn thiếu tính chuyên nghiệp, năng lực tay nghề chưa cao. Trong khi đó, số sinh viên mới ra trường hoặc là chưa đáp ứng được yêu cầu công việc hoặc không lựa chọn ở lại Huế.

Ông Hồ Đặng Xuân Lân,T ổng Giám đốc Khách sạn Parkview thì cho rằng, sau đại dịch, nhu cầu và thói quen của khách du lịch có sự thay đổi lớn. Do đó, các doanh nghiệp du lịch gần như phải “khởi nghiệp” lại, phải thay đổi tư duy phục vụ thì mới đáp ứng được.

Được biết, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 14.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch và hơn 30.000 lao động gián tiếp. Sau khi đại dịch xảy ra, nhân lực ngành du lịch của địa phương này giảm gần 1 nửa. Nhiều nhân sự cao cấp, trung cấp trong ngành giờ đã ổn định với công việc mới.

Khi du lịch mở cửa trở lại, ngành du lịch Thừa Thiên Huế có nhiều giải pháp chuẩn bị nhân lực như kết nối với các trường đại học, cao đẳng có ngành du lịch để đào tạo nhanh; đồng thời hợp đồng ngắn hạn với những người có chuyên môn cao khi cần. Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã thường xuyên phối hợp tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực quản lý cho các thành viên; phối hợp mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ Sales-Marketing, nghiệp vụ buồng phòng, quản lý khách sạn; tập trung cho các khóa đào tạo, đào tạo lại nhằm bỗi dưỡng kỹ năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (CEO, sale marketing,..), cán bộ quản lý cấp trung gian cho các doanh nghiệp. Kết hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ du lịch, kiến thức đảm bảo an ninh, các khóa tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm cho các doanh nghiệp, cho động đồng,…

Để có đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu vận hành, phát triển ngành du lịch trong thời gian tới, ông Đinh Mạnh Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Hiệp hội sẽ chủ động phối hợp với Sở du lịch, các trường đào tạo du lịch trên địa bàn tỉnh triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ngoại ngữ và trình độ quản lý cho cán bộ và nhân viên các đơn vị, doanh nghiệp hội viên. Trọng tâm là các kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và kinh doanh trên từng lĩnh vực hoạt động du lịch để thích ứng với hoạt động kinh doanh trong điều kiện bình thường mới; chủ động bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Thừa Thiên Huế sẽ chú trọng hình thành đội ngũ lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng, nghiệp đoàn xích lô, taxi, tiểu thương,các lớp đào tạo e-marketing cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh trong các năm tới.

Trong vấn đề này, các doanh nghiệp du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn lãnh đạo tỉnh có các giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch thu hút nguồn nhân lực, cũng như hỗ trợ trong việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực. 

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân là thiếu nguồn lao động

Ngành du lịch Thừa Thiên Huế vẫn chưa thoát khỏi khó khăn do nhiều yếu tố, trong đó có nguyên nhân là thiếu nguồn lao động

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế khẳng định, tỉnh luôn quan tâm triển khai các biện phái, giải pháp tối ưu nhất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển du lịch. Ông Lưu cho rằng, cốt lõi của du lịch cũng như các ngành nghề kinh tế khác đó là giúp cho doanh nghiệp phát triển ổn định, qua đó giải quyết việc làm cho người lao động, giúp người dân giàu lên, bảo đảm an sinh xã hội. Đối với công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch, ông Lưu yêu cầu các doanh nghiệp, Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện tốt nhiệm vụ này. “Chúng ta muốn xây dựng, phát triển du lịch chất lượng cao mà chất lượng phục vụ không đáp ứng thì làm sao phát triển được. Do đó, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao cho không chỉ ngành du lịch mà cho tất cả các ngành nghề khác là rất quan trọng”, ông Lưu nhấn mạnh.