Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Du lịch tận thu ở Hạ Long: Khách đến một lần không trở lại

 
Vịnh Hạ Long xinh đẹp nhưng dịch vụ thì quá tệ.
 
Thanh toán trước vẫn không có phòng
 
Những ngày cuối tuần, Hạ Long, Tuần Châu, Bãi Cháy kín người, các khách sạn, nhà nghỉ kín phòng. Giá thuê phòng tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi. Nhiều đoàn khách đã đặt phòng trước thông qua các đại lý, đến nhận phòng thì khách sạn trả lời đã hết phòng nhưng quên không báo lại đại lý để khóa mã đặt. Chuyện thật như bịa khi mà thời đại marketing online lên ngôi và các dịch vụ book vé, đặt phòng, thanh toán qua mạng đã trở nên quá quen thuộc trong lĩnh vực du lịch. Khách sạn sẽ lịch sự giới thiệu cho bạn một khách sạn tương đương về giá cả nhưng kém xa về chất lượng. Khách hàng hầu như không còn sự lựa chọn nào khác vì trải qua nhiều giờ bay hoặc ngồi nhiều tiếng trên xe ô tô, khi tới Hạ Long thì nhu cầu đầu tiên của họ là cần được nghỉ ngơi. Hơn nữa, vào những lúc cao điểm của mùa du lịch, nếu không đặt phòng trước thì cho dù có lang thang cả ngày ở TP. Hạ Long hay đảo Tuần Châu, bạn cũng khó lòng mà kiếm được phòng ở. Chi bằng, cứ theo gợi ý của khách sạn. Và rồi, nhiều người đã vỡ mộng khi phải trả 1-1,5 triệu/ngày để ở trong một căn phòng hôi hám, buffer sáng mấy món lèo tèo chỉ phục vụ đến 9h sáng, xuống chậm chỉ còn đồ ăn thừa lạnh lẽo.
 
Chặt chém, chuyện thường ấy mà
 
“Chặt chém” khách hàng vào mùa du lịch là chuyện diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố du lịch, nhưng “kinh hoàng” nhất là ở Sầm Sơn (Thanh Hóa). Tuy nhiên đó là chuyện cách đây đã 2 - 3 năm. Hiện nay, tình trạng “chặt chém” và chèo kéo khách ở Sầm Sơn đã giảm rõ rệt khi lãnh đạo và người dân Thanh Hóa cùng quyết tâm thay đổi. Còn ở Hạ Long hay Tuần Châu, tình trạng chặt chém khách du lịch chẳng những không thuyên giảm, mà ngày càng gia tăng với tốc độ chóng mặt.
 
Một trái dừa xiêm 50.000 đồng, một chai nước lọc Lavie 20.000 đồng, một gói bim bim 20.000 đồng là chuyện… bình thường. Việc bán hàng đắt gần 3 - 5 lần giá trị thực của các sản phẩm khiến nhiều du khách bất bình. Khách du lịch thấy vô lý, cự nự lại người bán thì nhận được câu trả lời: Ở đây ai cũng bán thế cả, chị mua thì mua, không mua thì đi chỗ khác cho người ta còn bán hàng. Đi du lịch tiền triệu không tiếc lại tiếc mấy chục nghìn…
 
Trên đất liền, dưới bến thuyền, tất cả đều diễn ra tình trạng “chặt chém.” không thương tiếc. Chúng tôi đặt ăn trọn gói cho cả đoàn hơn chục người là 3,5 triệu đồng và đã thanh toán trước, vậy mà trước khi lên bờ, chủ tàu đòi thêm 200.000 đồng tiền nước nấu ăn. Chuyện thật như đùa, bạn đặt ăn trọn gói, và người ta đòi tiền nước đun nấu. Tận thu đến thế là cùng. Hạ Long trở nên xấu xí đi trong mắt du khách vì những cái lợi tầm thường. 
 
Và Hạ Long càng xấu xí hơn khi du khách phải chờ đợi trong mệt mỏi tại các bến tàu. Sự bất cập trong quản lý và quy hoạch kiến trúc khiến cho bến tàu bên vịnh nước trong xanh lúc nào cũng lộn xộn, huyên náo như một cái chợ. 
 
 
Đảo Ti Tốp đẹp và nhưng các dịch vụ khá đắt.
 
Tắm biển mất tiền!!! 
 
Việt Nam với 3.260km bờ biển mà để ra biển, du khách phải nộp tiền thì đúng là thực nực cười và buồn thay cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Quảng Ninh nói riêng. Khi đến đảo Tuần Châu và đảo Ti Tốp phải mất tiền để mua vé vào cửa (không cần biết du khách có tắm hay không), tôi cũng như nhiều người, vô cùng kinh ngạc.
 
40.000 một vé vào cửa Bãi tắm Tuần Châu. Lý do: Đây là bãi biển nhân tạo do một công ty xây dựng nên họ có quyền kinh doanh. Lạ thật, Tuần Châu là đảo, bốn bề là biển, tại sao chúng ta phải tắm ở một bãi biển nhân tạo mà không phải một bãi biển tự nhiên? Nhân viên bán vé nói, với 40.000 đồng/vé vào cửa, du khách sẽ được chơi các trò chơi miễn phí, ngồi ghế miễn phí, tắm tráng miễn phí, gửi đồ miễn phí, nhưng tìm đỏ cả mắt, nhiều người vẫn không thể thấy được khu vui chơi ở đâu, tìm thấy rồi thì cũng chẳng thể chơi được.
 
Bãi biển Tuần Châu nhỏ, dốc, đi chưa tới chục mét đã thấy nước ngập đến cổ nên trẻ con thường chỉ men men ven bờ, nước đục ngầu, trời nắng như thiêu như đốt mà chỉ có vài cái ô che nắng đã kín người ngồi. Nhiều người vào tới nơi, thấy cảnh tượng chen chúc trên bãi biển hẹp, đành ngồi dưới mấy gốc cây nghỉ ngơi, không còn hứng thú lội chân xuống biển.
 
Đó là trên bãi biển, còn ở khu vực tắm tráng, quả thực tôi thật sự kinh ngạc với cảnh tượng cả trăm con người trong một khu tắm tráng chật hẹp. Ở mỗi khu vực nam, nữ có khoảng chục phòng tắm tráng, 2 - 3 người cùng tắm chung một vòi hoa sen chảy yếu, 3 - 4 người đứng sẵn ở cửa phòng để chờ đến lượt tắm, các phòng tắm không có cửa. Phía ngoài, chỗ rửa tay, rửa chân, rất đông người xếp hàng để chờ đến lượt tắm. Cảnh tượng như một cái chợ xô bồ, trẻ con người lớn chen lấn nhau chỉ để tráng người. Nhiều đoàn khách du lịch quá kinh sợ đành thất thểu quay ra, họ thà mặc quần áo ướt lên ô tô về khách sạn chứ không thể chấp nhận tắm tráng tại đây.
 
Đảo Ti Tốp nước sạch, trong veo, cát trắng xen vàng và 50.000 đồng vé vào cửa (không cần biết du khách có tắm hay không); 30.000 đồng một ghế ngồi trên bãi biển; 15.000 đồng/chai nước. Mất khoảng 100.000 đồng/người để bạn có thể ngồi ngắm vịnh Hạ Long từ đảo Ti Tốp.
 
Đi ngắm biển mà phải mất tiền mua vé vào cửa khiến nhiều du khách mất vui và khó chịu. Nha Trang, Phú Quốc cũng sở hữu nhiều hòn đảo lớn nhỏ, nhiều tàu thuyền chở du khách ra các đảo Hòn Mun, Hòn Mây Rút Trong, Hòn Móng Tay…, bạn muốn tắm bao lâu tùy thích, nước biển xanh ngắt, trong veo và chả mất một đồng xu nào.
 
Vịnh Hạ Long xinh đẹp, đó là điều không thể phủ nhận. Nhưng ngành du lịch Quảng Ninh tận thu mọi ngóc ngách bờ biển và thói quen “chặt chém” khó bỏ của người dân nơi đây khiến cho nhiều du khách khiếp sợ.
 
Cách đây 10 năm, khi đến Hạ Long, tôi vô cùng ngạc nhiên về tốc độ phát triển nhanh chóng của thành phố du lịch này. Cảm giác lênh đênh trên vịnh ngắm nhìn Hòn Trống Mái thật là thi vị và khoan khoái. Giờ đây, Vịnh Hạ Long vẫn còn đó, xinh đẹp, Hòn Trống Mái vẫn còn đó, thật nên thơ, nhưng kiểu làm du lịch tận thu của Quảng Ninh khiến cho nhiều du khách không còn muốn quay lại đây một lần nữa. Chúng tôi không tiếc mấy chục nghìn vé vào cửa các bãi tắm, chúng tôi tiếc cái công mình vất vả đường sá xa xôi đến đây để được hưởng một dịch vụ tồi và thái độ kém văn minh ở một nơi được mệnh danh là di sản thiên nhiên của thế giới. 

Thanh Huyền/Tạp chí Gia đình và Trẻ em