Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Du lịch Việt định vị trên bản đồ du lịch thế giới

Với sự thân thiện của con người Việt Nam và vẻ đẹp cảnh quan đất nước, hình ảnh du lịch Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn, với du khách khẳng định vị trí và vai trò mạnh mẽ trên bản đồ du lịch thế giới.

Du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Sức hút của du lịch Việt Nam

Mới đây, chuyên trang du lịch The Travel của Canada đã lựa chọn 10 quốc gia lý tưởng hàng đầu có giá cả phải chăng để làm việc từ xa trên toàn thế giới, Việt Nam góp mặt ở vị trí thứ 7 trong danh sách này.

The Travel nhận định, không có nơi nào cung cấp đầy đủ mọi thứ du khách như Việt Nam với những món ăn nổi tiếng thế giới, người dân thân thiện, mến khách. Các cơ sở lưu trú có giá cả phải chăng, đi kèm chất lượng dịch vụ tốt. Đến với Việt Nam, du khách có cơ hội khám phá thiên nhiên tươi đẹp với những địa điểm tham quan nổi tiếng thế giới như vịnh Hạ Long, Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Phú Quốc… Nếu đang tìm kiếm những “viên ngọc ẩn”, những tín đồ du lịch chắc chắn không thể bỏ qua Phú Yên, Quy Nhơn, đảo Phú Quý hay Yên Bái, Cao Bằng, Kon Tum… đều là những địa điểm nguyên sơ còn ít được biết đến với du khách quốc tế.

Theo báo cáo của Google Destination Insights, Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều thứ 7 trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 6 vừa qua. Đây là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20 điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất. Còn với công cụ tìm kiếm du lịch Explore Worldwide (Anh) đã phân tích dữ liệu tăng trưởng từ Google, thống kê những điểm đến thịnh hành nhất cho khách đi du lịch một mình. Thủ đô Hà Nội đứng đầu danh sách này, Thành phố Hồ Chí Minh xếp vị trí thứ 6. Tương tự, Giải thưởng Travel+Leisure Luxury Awards Asia Pacific 2023 đã vinh danh 10 thành phố hàng đầu châu Á năm 2023, trong đó Hà Nội, Huế lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và thứ 8.

Trang báo điện tử TravelDailyNews khu vực châu Á và Thái Bình Dương đã đề xuất Việt Nam là điểm đến tuyệt vời dành cho những tín đồ yêu thích trải nghiệm bằng xe máy ở khu vực Đông Nam Á. Trang báo này nêu rõ: Việt Nam là một đất nước sở hữu cảnh quan thiên nhiên nền văn hóa đa sắc màu. Du khách sẽ được trải nghiệm đủ loại sắc màu của Việt Nam khi chạy xuyên đất nước bằng xe máy.

Theo Tổng cục Du lịch, riêng trong tháng 6/2023, Việt Nam đã đón 975.010 khách du lịch quốc tế, tăng 6,4% so với tháng 5/2023. Tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 5,57 triệu lượt khách, đạt xấp xỉ 70% chỉ tiêu năm (8 triệu lượt khách). Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, các thị trường có lượng khách quốc tế đến Việt Nam lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Malaysia, Nhật, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Australia. Với kết quả này, Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Các nước còn lại xếp ở vị trí thấp hơn khá nhiều: Indonesia (18), Thái Lan (19), Malaysia (21), Philippines (23), Singapore (30).

Tính đến nay, cả nước có 3.423 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. So với cuối năm 2022, số doanh nghiệp lữ hành quốc tế được phép trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng thêm 475 doanh nghiệp. Cơ sở vật chất của ngành du lịch phát triển nhanh chóng. Các khách sạn, cơ sở lưu trú từ chỗ chỉ có chủ yếu ở Hà Nội, nay xuất hiện khắp các vùng miền trên cả nước, nhất là ở các địa phương trọng điểm du lịch như Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh. Cả nước hiện có 235 cơ sở lưu trú du lịch hạng 5 sao với 77.895 buồng và 354 cơ sở lưu trú du lịch hạng 4 sao với 47.502 buồng...

Du khách chèo thuyền Kayak tại động Phong Nha, Quảng Bình.

Du khách chèo thuyền Kayak tại động Phong Nha, Quảng Bình.

Làm gì để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu, đến năm đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm ba quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.700 - 1.800 nghìn tỷ đồng (tương đương 77 - 80 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 13 - 14%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 12 - 14%; tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 12 - 14%/năm. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững. Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Tổng thu từ khách du lịch đạt 3.100 - 3.200 nghìn tỷ đồng (tương đương 130 - 135 tỷ USD), tăng trưởng bình quân 11 - 12%/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15 - 17%. Tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm, trong đó có khoảng 3 triệu việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 8 - 9%/năm.

Mới đây, Quốc hội đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần và nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng đông hơn.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc sửa các luật về xuất nhập cảnh theo hướng nới lỏng chính sách visa đã mở ra cơ hội cho du lịch Việt Nam, tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải làm gì để tận dụng được cơ hội đó.

"Chúng ta cho phép khách du lịch nước ngoài có thể lưu trú đến 45 ngày nhưng khi họ ở lại 45 ngày đó thì phải lo lắng họ trải nghiệm gì, thưởng thức gì để họ thực sự thích thú ở lại? Phải có sự chuyển biến để thích ứng", ông Vũ Thế Bình nói.

Theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, để có sự chuyển biến thì không thể chỉ phụ thuộc vào một bên nào mà phải có sự chung tay, nỗ lực của các cơ quan quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương, của chính quyền các cấp và của các doanh nghiệp du lịch. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, phải liên kết nhiều ngành, nhiều vùng. Nếu không có một hệ thống thống nhất trên cả nước thì một ngành không thể làm được.