Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng.
Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang tập trung sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh ưu đãi NCC với các mạng nhằm mục tiêu ngày càng nâng cao đời sống NCC. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đã có những chia sẻ với Báo LĐ&XH.
*Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng được ban hành năm 1994, đến nay đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần. Vậy xin, Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của việc sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng lần này?
- Theo chương trình công tác của Chính phủ, tháng 9/2019 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ trình chính phủ dự án Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến thông qua vào tháng 11/2019.
Việc sửa Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng lần này nhằm khắc phục những hạn chế bất cập và bổ sung những quy định mới trong pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng năm 2012 đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NCC với cách mạng và thân nhân của họ. Đồng thời, tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng thời tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ, minh bạch, thống nhất, đảm bảo công bằng, hợp lý, tạo sự đồng thuận cao của xã hội trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC và thân nhân của họ; Huy động sự tham gia đóng góp tích cực hơn nữa của xã hội, của các tổ chức, cá nhân để cùng với nhà nước chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công; Xác định cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên Người có công với cách mạng và gia đình vươn lên phát triển kinh tế, gìn giữ và phát huy truyền thống cách mạng tại nơi cư trú, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
*Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới trong nội dung dự thảo Pháp lệnh ?
- Với chủ trương không bỏ sót đối tượng thụ hưởng chính sách, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách NCC để trục lợi, gây bức xúc dư luận xã hội, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự án Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) nhằm sửa đổi toàn diện để thay thế Pháp lệnh hiện hành, tháo gỡ các vấn đề còn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đó, Dự án Pháp lệnh ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung:
Quy định về nguyên tắc hưởng chế độ ưu đãi, tránh giải quyết trùng lặp; về điều kiện tiêu chuẩn xác nhận (xác nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 1.1.1945; xác nhận liệt sĩ, thương binh; xác nhận bệnh binh). Sửa đổi tên gọi của một số đối tượng người có công, một số thuật ngữ: Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đổi thành người hoạt động kháng chiến bị mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày đổi thành người tham gia cách mạng, người tham gia kháng chiến, người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày…
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng trò chuyện với các đại biểu người có công đến thăm Bộ.
*Vậy so với bố cục của Pháp lệnh ưu đãi NCC năm 2012, nội dung dự thảo Pháp lênh sẽ có những thay đổi như thế nào thưa Thứ trưởng?
Dự thảo Pháp lệnh gồm 7 chương, 59 điều (tăng 2 Chương, 11 điều so với Pháp lệnh hiện hành). So với Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành, dự thảo Pháp lệnh tập trung sửa đổi các nội dung cơ bản sau:
-Về quy định chung: Dự thảo Pháp lệnh bổ sung 01 điều quy định về đối tượng áp dụng của Pháp lệnh, bao gồm: người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Điều 3 của dự thảo Pháp lệnh đã quy định rõ hơn về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi, cụ thể: (i) Đối tượng liên quan đến nhiễm chất độc hóa học theo hướng quy định người hoạt động kháng chiến mắc bệnh có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin thuộc đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi (thay vì quy định người bị nhiễm chất độc hóa học là chưa đảm bảo về mặt khoa học); (ii) Quy định rõ đối tượng người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày như sau “Người bị địch bắt tù, đày là người bị địch bắt tù, đày do tham gia cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế”.
Để đảm bảo cách hiểu thống nhất đối với một số từ ngữ, dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung 01 điều (Điều 4) để quy định về giải thích từ ngữ đối với “người có công với cách mạng”, “người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”, “nhiệm vụ quốc phòng, an ninh”, “dũng cảm”, “người có công nuôi liệt sĩ”, “thân nhân người có công với cách mạng sống cô đơn không nơi nương tựa”.
- Về điều kiện, tiêu chuẩn: Dự thảo Pháp lệnh đã sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chuẩn đối với 11 đối tượng người có công, trong đó tập trung vào một số vấn đề cụ thể như: Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xét xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (gọi là Cán bộ Lão thành cách mạng).
Điều 11 dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung, quy định cụ thể hơn điều kiện, tiêu chuẩn Cán bộ Tiền khởi nghĩa, cụ thể: bổ sung điều kiện phải là người tiếp tục tham gia một trong hai cuộc kháng chiến (trừ trường hợp do yêu cầu giảm chính, phục viên hoặc không đủ sức khỏe) đối với đối tượng đã tham gia trong các tổ chức cách mạng, lực lượng vũ trang từ cấp huyện hoặc cấp hành chính tương đương trở lên trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và đối tượng đã hoạt động ở cơ sở trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Việc công nhận Cán bộ Tiền khởi nghĩa sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương. Dự thảo Pháp lệnh đã chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận liệt sĩ, thương binh trong thời chiến và thời bình.
- Về chế độ chính sách: Dự thảo Pháp lệnh đã: Bổ sung chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân Cán bộ Lão thành cách mạng, Cán bộ Tiền khởi nghĩa còn sống; Bổ sung quy định vợ (chồng) liệt sĩ lấy chồng (vợ) khác nhưng đã có trách nhiệm chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và được nhà nước mua bảo hiểm y tế;
Nâng quy định trợ cấp 01 lần đối với thân nhân Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến trong trường hợp được truy tặng hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi tại Nghị định số 31/2013/NĐ-CP thành nội dung quy định tại Pháp lệnh; bổ sung trợ cấp 1 lần đối với thân nhân của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi;
Sửa đổi quy định thân nhân liệt sĩ được hưởng tối đa 3 định suất theo hướng thân nhân liệt sĩ được hưởng đầy đủ số định suất tuất tương ứng với số liệt sĩ;
Mở rộng phạm vi giải quyết chế độ ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bị địch bắt tù (sau 30/4/1975); bổ sung chế độ trợ cấp người phục vụ và nâng quy định điều chỉnh trợ cấp từ văn bản của Chính phủ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã hưởng chế độ trước ngày 01/9/2012 cho phù hợp, thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Thống nhất tên gọi chung người hoạt động cách mạng bị địch bắt tù đầy, bao gồm: người tham cách mạng, người tham gia kháng chiến; người tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Về công trình ghi công liệt sĩ: Dự thảo Pháp lệnh đã bổ sung một Chương (Chương III, gồm 03 điều) quy định về công trình ghi công liệt sĩ. Theo đó: Điều 41 quy định chung về công trình ghi công liệt sĩ, đó là công trình lịch sử, văn hóa và tâm linh, được xây dựng bảo đảm mỹ quan, bền vững, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương (nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm liệt sĩ, đền thờ liệt sĩ, nhà bia ghi tên liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ khác); Điều 42 và Điều 43 quy định về việc xây dựng, quản lý mộ liệt sĩ và quản lý, chăm sóc công trình ghi công liệt sĩ. Dự thảo Pháp lệnh tập trung quy định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý nhà nước về ưu đãi người có công với cách mạng phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh mới.
Về nguồn lực thực hiện ưu đãi người có công với cách mạng: Dự thảo Pháp lệnh quy định rõ: (1) Nguồn lực thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công, (2) Ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ chi, (3) Huy động nguồn lực xã hội thực hiện các hoạt động đầu tư và chăm sóc người có công với cách mạng, (4) Quỹ đền ơn đáp nghĩa.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!