Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Điểm mới đáng chú ý

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 xin ý kiến góp ý rộng rãi từ nay đến 17/5/2023. Điểm mới đáng chú ý của dự thảo thi tốt nghiệp THPT từ 2025 là thí sinh thi 4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện, có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính.

Theo dự thảo, trong số các môn của kỳ thi, Lịch sử sẽ là môn thi bắt buộc. Bên cạnh các môn thi bắt buộc, học sinh vẫn được chọn thi một số môn. Các ý kiến nhận định ban đầu cho thấy, phương án thi không gây sốc và cơ bản bảo đảm mục tiêu học gì thi nấy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT áp dụng đến năm 2024, mỗi thí sinh dự 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) thì Bộ GD&ĐT dự kiến từ năm 2025, mỗi học sinh thực hiện ít nhất 6 bài thi. Trong đó, có 4 môn bắt buộc gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn từ các môn như: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), ủng hộ phương án thi 4 môn bắt buộc vì đã học cần phải thi. Tuy nhiên, TS Lâm kiến nghị, với 2 môn lựa chọn, Bộ GD&ĐT nên kết hợp với các trường ĐH để xây dựng thành những mã ngành phù hợp yêu cầu tuyển sinh nhằm giúp học sinh thuận lợi trong lựa chọn.

“Ví dụ, cùng với 4 môn bắt buộc kết với với 2 môn tự chọn nào sẽ ra kết quả những ngành nghề tuyển sinh nào như khối A, B, C, D lâu nay. Việc này cần được triển khai sớm và duy trì ổn định, tránh biến động hằng năm”, TS Lâm nói.

Về phương thức thi, dự thảo của Bộ GD&ĐT cũng đưa ra lộ trình thực hiện, trong đó giai đoạn 2025 - 2030 sẽ vẫn thi trên giấy, đồng thời tăng cường ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin nhằm từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện. Có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính. Và giai đoạn sau năm 2030, phấn đấu để tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Một số ý kiến cho rằng, xu hướng tổ chức thi các môn trắc nghiệm trên máy tính là xu hướng tất yếu, không tránh khỏi nhưng Bộ GD&ĐT cần có lộ trình, kế hoạch rõ ràng hơn. Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi chung trên toàn quốc, nếu có địa phương thi trên máy, địa phương thi giấy liệu có đảm bảo công bằng giữa các thí sinh?

TS Lâm nói rằng, tiến tới phương thức tổ chức thi trên máy tính là phù hợp, thuận lợi cho học sinh trong quá trình học và thi cử. Khi thi các môn trắc nghiệm trên máy, sẽ được trả kết quả nhanh và chính xác. Vấn đề ở chỗ, các địa phương sẽ phải chuẩn bị nguồn lực, máy móc đủ nhiều, đáp ứng nhu cầu của thí sinh dự thi ra sao.

“Có thể vùng thuận lợi triển khai trước, còn địa phương khó khăn thí điểm theo từng huyện, thị xã. Khi đó, học sinh ở những trường khó khăn sẽ phải di chuyển đến nơi thuận lợi để dự thi. Đây là vấn đề điều kiện, kỹ thuật mà các địa phương có thể khắc phục được”, ông Lâm nói.

Góp ý cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi, đổi mới đề thi, TS Lâm cho rằng, cần phải tăng cường tỉ lệ câu hỏi vận dụng lên từ 30-40% thay vì 25% như hiện nay. Làm như vậy sẽ thúc đẩy học sinh vận dụng kiến thức vào thực tiễn, thay vì chỉ ghi nhớ kiến thức một cách máy móc.

Các điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện theo sự tiến bộ của người học, bảo đảm nhu cầu học tập suốt đời phù hợp với hội nhập quốc tế chưa đồng đều giữa các địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện để thực sự đồng bộ và hệ thống, bảo đảm là điều kiện để thi, kiểm tra đánh giá khách quan, công bằng.

Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa cấp bộ, cấp địa phương và cấp trường trong thi, kiểm tra đánh giá.