Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Dù tức giận đến đâu, cha mẹ cũng không nên phê bình con trong 7 tình huống

Cha mẹ cần học cách làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lời lăng mạ xúc phạm đến lòng tự ái của trẻ.

Trong quá trình nuôi dạy con, nhiều cha mẹ hay bực bội cáu gắt khi con không vâng lời và đôi khi có những lời nói và hành động gây tổn thương đến trẻ. Tuy nhiên, dù tức giận đến đâu, cha mẹ cũng không nên phê bình con trong 7 tình huống này.

Cha mẹ cần học cách làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lời lăng mạ xúc phạm đến lòng tự ái của trẻ em. (Ảnh minh họa)

Cha mẹ cần học cách làm chủ cơn giận dữ của mình, tránh những lời lăng mạ xúc phạm đến lòng tự ái của trẻ em. (Ảnh minh họa)

1. Đừng phê bình con ở nơi công cộng

Nhiều bố mẹ cho rằng la mắng con trước mặt người khác cũng là hình thức giáo dục con. Điều đó sẽ giúp con nhận ra khuyết điểm và từ đó có ý chí mạnh mẽ để phấn đấu trở nên tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý, việc phê bình con trước mặt mọi người lại mang tác dụng ngược. Không chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, mà còn khiến trẻ trở nên ương bướng, khó chỉ bảo. Nhiều đứa trẻ cho biết điều mà chúng sợ nhất, hình phạt nặng nề nhất với chúng chính là bị mất mặt.

Tuy nhiên, không trách mắng con nơi công cộng không có nghĩa là dung túng, đồng lõa cho sự sai trái. Nếu là sai như vô cớ đánh bạn, mất bình tĩnh, ăn vạ thì cha mẹ nên ngăn chặn ngay, nghiêm khắc nói rằng hành vi như vậy là không thể chấp nhận được. Ngay lập tức đưa trẻ đến một nơi yên tĩnh và giúp trẻ phân biệt đúng sai kịp thời.

2. Đừng phê bình khi con đã hối hận thật lòng

Nếu trẻ đã biết xấu hổ, hối hận về lỗi lầm của mình thì người lớn không nên trách móc mà phải cố gắng bao dung, tha thứ. Khi con đã chủ động xin lỗi mà cha mẹ tiếp tục chỉ trích, khiển trách sẽ làm thui chột lòng tự trọng của trẻ.

Cha mẹ thông minh sẽ kịp thời khen ngợi tinh thần cầu thị của con, đồng thời nhấn mạnh rằng con không nên lặp lại những sai lầm tương tự là đủ. Điều này sẽ giúp trẻ xóa bỏ mặc cảm, cảm nhận được tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ, từ đó có thái độ sống tích cực, lạc quan hơn.

3. Đừng phê bình con trước khi đi ngủ

Đừng phê bình trẻ trước khi đi ngủ buổi tối, bởi sẽ khiến trẻ sẽ lên giường với tâm trạng u uất, hoặc mất ngủ, hay gặp ác mộng. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tác động tiêu cực đến tinh thần của trẻ.

4. Đừng phê bình con khi đang ăn

Dân gian có câu: “Lôi Công không đánh người đang ăn cơm”, hay còn được biết đến nhiều với biến thể: “Trời không đánh người đang ăn cơm”, "Trời đánh tránh bữa ăn”. Câu này ngụ ý rằng bậc làm cha mẹ đừng la mắng con cái trong những bữa ăn.

Những lời trách móc của cha mẹ thường sẽ khiến cho tâm trạng của đứa trẻ trở nên tồi tệ, khiến trẻ cảm thấy chán ăn hơn. Nếu trẻ đang trong giai đoạn phát triển về thể chất, trước khi ăn mang một tâm trạng không tốt thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chiều cao, sức khỏe.

Ngoài ra, việc này sẽ khiến trẻ cảm thấy ăn cơm cùng bố mẹ là một điều khổ sở, gây tâm lý chán nản và ngày càng xa cách nhau. Nếu đứa trẻ mắc lỗi, có thể tìm thời gian sau bữa ăn và từ từ giáo dục, hướng dẫn.

5. Đừng phê bình khi con đang vui

Khi người ta vui vẻ, khí huyết trong kinh mạch đều ở trạng thái thông suốt, nếu đột nhiên mắng mỏ đứa trẻ, khí huyết sẽ lập tức bị tắc, gây ra tác hại đối với cơ thể trẻ. Bạn có thể nhắc nhở nhẹ nhàng, hoặc giả vờ kéo trẻ lại, phân tán sự tập trung để trẻ chấm dứt hành vi sai trái.

6. Đừng phê bình khi con đang buồn

Nghiên cứu tâm lý cho thấy khóc là quá trình cần thiết để trẻ chữa lành vết thương tình cảm. Nếu cha mẹ đổ lỗi cho trẻ lúc này, trẻ sẽ cảm thấy mình tồi tệ hơn, chìm trong tâm trạng thấp thỏm, tự ti. Một khi con đã khóc đủ và cảm thấy ổn định trở lại, lúc này cha mẹ có thể nói chuyện với con mình.

7. Đừng phê bình khi con đang bệnh

Ốm đau là thời điểm con người dễ bị tổn thương nhất. Lúc này, con cái cần được cha mẹ chăm sóc và yêu thương nhiều hơn. Sự quan tâm của cha mẹ hiệu quả không thua kém bất kỳ loại thuốc nào. Nếu người lớn cứ mãi la mắng trẻ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và quá trình hồi phục của con mình.

Tốt nhất hãy chọn một thời điểm cả hai cùng ổn định, bình tĩnh để giải quyết tốt hơn vấn đề.