Nếu như tại Đông Bắc, Tây Bắc nước ta có Mùa hoa Cải, mùa hoa Tam giác mạch, mùa hoa Mận hay mùa hoa Dã quỳ ở Tây Nguyên thì Hoàng đầu ấn ở Đồng Tháp đang nở rộ từ tháng 2 đến tháng 3 cũng là một nét thú vị ở Miền Tây.
Hoàng đầu ấn, một loài hoa dân dã, mọc nơi đất phèn chua được mệnh danh là "công chúa xứ phèn". Ngày xưa, khi đi khai hoang, người nông dân thấy hoa Hoàng đầu ấn mọc rải rác là cảm thấy rầu vì "loại hoa này rất ưa phèn, đất càng nhiều phèn, cây càng phát triển. Nhưng đất phèn thì sao mà canh tác, trồng lúa, trồng hoa màu gì được" – Anh Quân một người dân ở Tam Nông cho biết.
Sau này, Vườn quốc gia Tràm Chim giữ nước để nghiên cứu bảo tồn khoa học cũng như thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy lại vô tình trở thành "chảo phèn", một nơi lý tưởng để hoa Hoàng đầu ấn sinh sôi, phát triển, tập trung và vươn sắc.
Cứ ngỡ đất phèn làm nông dân thất thu thì chính loài hoa rực rỡ này trở thành điểm nhấn hút khách cho Vườn quốc gia Tràm Chim những ngày sau Tết.
Nhiều khách không ngại đi đường xa, diện áo dài, áo bà ba, quấn khăn rằn,… cuốc bộ giữa trưa nắng để đón được lúc hoa đẹp nhất với mong ước có những tấm ảnh đẹp lung linh bên cánh đồng hoa 4ha này. Những thợ săn ảnh ở tứ phương cũng kéo về đây để lưu lại hình ảnh đẹp mà thiên niên ban tặng nơi xứ phèn miền Tây.